ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 81 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM (14/10/1930-14/10/2011)

Lượt xem: 162

Trong cuộc đấu tranh cách mạng giành chính quyền giai đoạn 1930-1945, với khẩu hiệu “Đoàn kết dân tộc, đánh đuổi Nhật – Pháp“, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân đã cùng với giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết đấu tranh, chớp thời cơ đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lật đổ chế độ thực dân phong kiến, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà, Nhà nước Công – nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám (1945) và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã vĩnh viễn xoá bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thành công vĩ đại của Cách mạng Tháng 8 là một minh chứng cho tinh thần, khả năng và vai trò cách mạng to lớn của nông dân đối với sự nghiệp vĩ đại của dân tộc; đồng thời là một thắng lợi của sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với giai cấp nông dân, thể hiện sự gắn bó sống còn giữa Đảng với nông dân, nông dân với Đảng.

Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp. Hội Nông dân đã vận động nông dân hăng hái tham gia phong trào “thi đua Ái quốc“, “sản xuất lập công“, “đề cao chiến sỹ” do Đảng và Chính phủ phát động. Hội Nông dân các vùng tạm chiếm đã vận động nông dân tiến hành nhiều hình thức đấu tranh như bám ruộng đất, xóm làng để sản xuất, lên án hành động phá hoại hoa màu của địch; cất giấu lương thực, thực phẩm ở vùng địch hậu. Nông dân ở các vùng tự do, vùng tranh chấp đã hăng hái thi đua sản xuất, tiết kiệm, giúp đỡ lẫn nhau để góp phần xây dựng hậu phương vững mạnh và tăng cường tiềm lực kháng chiến. Qua 9 năm (1945-1954) kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ, bằng hành động cách mạng cụ thể, giai cấp nông dân và Hội Nông dân đã đóng góp quan trọng vào thắng lợi trong từng chiến dịch, ở khắp mọi miền và góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, mở ra một thời kỳ mới, vừa xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Ở miền Bắc, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp của nông dân đã góp phần quan trọng vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Hàng triệu thanh niên con, em nông dân đã lên đường nhập ngũ. Nông dân miền Bắc với khẩu hiệu “chắc tay súng, vững tay cày“, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người“, ” tất cả vì Miền Nam ruột thịt“… đã xây dựng hậu phương lớn vững chắc, chi viện đắc lực cho tiền tuyến lớn anh hùng.

Ở miền Nam, ngày 21/4/1961, Hội Nông dân giải phóng được thành lập và trở thành thành viên của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Hội Nông dân giải phóng là hạt nhân chính trị của phong trào nông dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Nông dân giải phóng miền Nam đã vận động nông dân đoàn kết xung quanh Mặt trận dân tộc giải phóng, anh dũng đứng lên đồng khởi, tổ chức diệt ác, phá kìm, củng cố các chiến khu, mở rộng vùng giải phóng, cung cấp sức người, sức của cho cách mạng, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi lịch sử mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ cả nước độc lập, thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, sau 25 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục phát huy chức năng là tổ chức chính trị – xã hội, tăng cường đoàn kết, tập hợp, tuyên truyền vận động nông dân, tổ chức nhiều phong trào thi đua, trọng tâm là 3 phong trào lớn: Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng; phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng an ninh. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà nông dân là chủ thể đã giữ vững được sự ổn định, hỗ trợ đắc lực cho công nghiệp, dịch vụ, góp phần bảo đảm kiềm chế lạm phát, chống suy thoái kinh tế, tăng cường an sinh xã hội… Hội chủ động phối hợp chặt chẽ với các thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức kinh tế – xã hội, khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn lực, gắn công tác tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, vận động với đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và dạy nghề cho nông dân, nhất là về vốn, kỹ thuật, thông tin thị trường, dịch vụ đầu vào, xây dựng mô hình sản xuất; hăng hái tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Nhiều phong trào thi đua do Hội phát động đạt hiệu quả, thiết thực, góp phần đưa diện mạo nhiều vùng nông thôn khang trang tiến bộ hơn. Vị thế chính trị của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao. Người nông dân có nhiều điều kiện, cơ hội để cải thiện đời sống và làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước. Đặc biệt, từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi, tự nguyện góp công, góp của làm việc thiện; có người vượt khó say mê tìm tòi và đã thành công trong sáng tạo ra những máy móc, công cụ phục vụ sản xuất…..Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chủ trương và hàng loạt chính sách nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát huy vai trò chủ thể và sức sáng tạo to lớn của nông dân. Cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, hội viên, nông dân đã đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực.

Trải qua 81 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với quá trình phát triển của cách mạng, Hội đã nhiều lần đổi tên cho phù hợp với nhiệm vụ của mỗi thời kỳ; từ Nông hội đỏ, Hội Nông dân cứu quốc, Hội Nông dân phản đế, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam, Hội liên hiệp Nông dân tập thể và Hội Nông dân Việt Nam. Đến nay, Hội Nông dân Việt Nam đã qua 5 kỳ Đại hội, tổ chức Hội không ngừng được củng cố vững mạnh trên các mặt, từng bước vươn lên đáp ứng yêu cầu tình hình, nhiệm vụ mới của đất nước, luôn phấn đấu để xứng đáng với vai trò là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, Hội có hệ thống 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở; các xã, phường, thị trấn có nông dân đều có tổ chức hội, các thôn, ấp, bản, làng đều có chi, tổ hội với số hội viên hơn 10 triệu người. Tổ chức Hội Nông dân xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước, là cầu nối giữa nông dân với Đảng, góp phần tăng cường khối liên minh vững chắc Công – Nông – Trí thức và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đối với Bắc Giang, từ năm 1927 phong trào cách mạng đã lan rộng ra một số vùng nông thôn trong tỉnh, một số hoạt động đấu tranh chống thực dân phong kiến của nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản được tổ chức. Sau khi chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ra đời (tháng 7 năm 1929), dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 7 năm 1936, một số tổ chức của nông dân mang tính chất phường, hội được thành lập ở một số làng, bản của tỉnh Bắc Giang như Hội ái hữu, Hội thợ cày, thợ cấy, Hội lợp nhà…Trong quá trình đấu tranh chống thực dân phong kiến và thực hiện Nghị quyết hội nghị Ban chấp hành Trung ương tháng 11 năm 1939, từ cuối năm 1939 các tổ chức phường, hội phát triển, chuyển thành các tổ chức phản đế. Hội Nông dân phản đế ở một số địa phương ra đời; đặc biệt khi có Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa I) tháng 5 năm 1941, Hội Nông dân phản đế chuyển thành Hội Nông dân cứu quốc và phát triển nhanh ở các làng, xã. Đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển của phong trào nông dân và tổ chức Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang. Phong trào đấu tranh cách mạng của nông dân Bắc Giang dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Ban cán sự Đảng tỉnh đã bùng lên mạnh mẽ, liên tục. Với khẩu hiệu “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói” từ tháng 3 năm 1945, nông dân tỉnh Bắc Giang nhất tề vùng lên tham gia cao trào kháng Nhật, cứu nước, đập tan chính quyền thực dân phong kiến, lập chính quyền công nông.

Trong quá trình đấu tranh, giai cấp nông dân Bắc Giang đã trưởng thành cả về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, nhất là từ sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới Hội Nông dân cứu quốc phát triển thành Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, đã tập hợp đông đảo nông dân tham gia tổ chức Hội. Hội Nông dân các cấp của tỉnh đã tham gia đắc lực vào việc giải quyết giặc đói, giặc dốt, chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng, cùng với cả dân tộc làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được tăng cường và phát triển; từng bước triển khai có hiệu quả từng chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần làm cho hệ thống chính trị của tỉnh luôn ổn định, vững chắc; đồng thời giữ vai trò tích cực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện tốt vai trò sợi dây bền chặt nối liền Đảng với nông dân.

Bước vào thời kỳ đổi mới, dưới sự chỉ đạo của Hội Nông dân Việt Nam và sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Bắc Giang, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chủ động đổi mới nội dung, phương thức lãnh, chỉ đạo tổ chức, vận động hội viên, nông dân tích cực thi đua, đẩy mạnh các phong trào nông dân. Thực hiện thắng lợi các nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh mà trọng tâm là xây dựng Hội vững mạnh. Phát động các phong trào thi đua yêu nước, hăng hái lao động sản xuất, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Kết quả, tính đến nay toàn tỉnh đã kết nạp trên 251nghìn hội viên; Quỹ hoạt động Hội đạt trên 16tỷ 831 triệu đồng; nguồn quỹ hỗ trợ nông dân vận động đạt trên 6 tỷ 550 triệu đồng đã phát huy hiệu quả, giúp trên 2500 hộ nông dân nghèo có vốn phát triển sản xuất. Ngoài ra, hàng năm các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngành chức năng giới thiệu hàng nghìn lao động có việc làm trong nước và hàng trăm lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; phối hợp dạy nghề ngắn hạn cho trên 8 nghìn lượt hội viên, nông dân. Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tiếp tục có những bước phát triển mới về lượng và chất, hàng năm có hơn một trăm nghìn hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi 4 cấp; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình điểm đạt hiệu quả kinh tế cao. Tích cực hướng dẫn, vận động nông dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lạm phát và suy thoái kinh tế…Từ phong trào, nhiều mô hình điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, nhiều hộ nông dân ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh đã mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư tiền, của, sức lao động, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh vươn lên làm giàu chính đáng; đồng thời sẵn sàng giúp đỡ những hộ nghèo khó vươn lên thoát nghèo và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Nhiều nông dân đã vượt khó, say mê tìm tòi, sáng tạo những máy móc, công cụ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Qua đó, góp phần tích cực thúc đẩy công tác xây dựng, củng cố tổ chức hội, nâng cao chất lượng hội viên; thực hiện tốt công tác phối hợp với các ngành: Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, khuyến nông, khuyến lâm, thực hiện chương trình liên kết “4 nhà”… giúp cho hội viên, nông dân đầu tư, mở rộng sản xuất…Những kết quả trên phản ánh rõ vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội trong các phong trào nông dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội địa phương, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn; khối đại đoàn kết toàn dân được gắn bó chặt chẽ hơn, vị thế vai trò của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị ở nông thôn không ngừng được khẳng định. Các cấp hội tham gia thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Với những thành tích đã đạt được trong những năm qua, năm 2009 Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba; được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc và nhiều bằng khen, giấy khen của các bộ ngành Trung ương, của tỉnh.

Tự hào về những kết quả đã đạt được, phát huy truyền thống 81 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V và Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang lần thứ VII, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2010-2020 của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVII .

81 năm đồng hành cùng đất nước, với truyền thống vẻ vang, lòng yêu nước nồng nàn và tuyệt đối trung thành với Đảng; với trí thông minh và sáng tạo, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong lao động sản xuất của giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam nói chung và Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang nói riêng được tôi luyện và không ngừng lớn mạnh. Ở bất kỳ giai đoạn nào, thời điểm lịch sử nào, Hội Nông dân cũng là tổ chức đại diện quyền, lợi ích chính đáng của giai cấp nông dân, là chủ thể trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần làm nên thắng lợi huy hoàng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và nâng cao vai trò đại diện của giai cấp nông dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Với tinh thần đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển, Hội Nông dân và giai cấp nông dân tỉnh Bắc Giang sẽ phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục tổ chức thực hiện đạt hiệu quả các phong trào nông dân, tiếp tục làm nên những thắng lợi to lớn trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh“.

BAN BIÊN TẬP