Đẩy mạnh rót vốn vào khu vực tam nông

Lượt xem: 162

Đó là mức độ đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn giảm so với đầu tư và dịch vụ. Chi tiêu công trong tổng GDP nông nghiệp ViệtNam thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Bởi vậy, bài toán làm sao khai thác tốt nguồn tài chính để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị… vẫn là một bài toán khó.

Ưu tiên tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn

Theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nông nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á vừa qua, tiềm năng phát triển nông nghiệp Việt Nam lại được khẳng định qua việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ra, nếu giữ được vị trí xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu… hàng đầu thế giới sẽ là cơ sở cho sự phát triển nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Các chuyên gia cho rằng, để khu vực “tam nông” của Việt Nam phát triển, cần phải thay đổi cách nhìn về đầu tư. Tỷ trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn phải được ưu tiên nhiều hơn. Ngoài khâu tổ chức sản xuất, còn cần phải đầu tư cho khâu sau sản xuất.Bên cạnh đó, cũng cần có sự liên kết giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân để đạt được hiệu quả…

Tín dụng nông thôn tăng nhưng…

Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu cuối năm 1998, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn mới chỉ đạt 34.000 tỷ đồng thì sau 10 năm thực hiện, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đã tăng xấp xỉ 9 lần, đạt hơn 300.000 tỷ đồng. Hàng chục triệu hộ lượt nông dân và các đối tượng khách hàng ở nông thôn đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phát triển sản xuất, thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Chất lượng tín dụng cho vay nông nghiệp cũng được đảm bảo, nợ xấu cuối năm 2009 là 2,75%.

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, cho phép nông dân, hộ sản xuất có thể vay tín chấp tới 50 triệu đồng; hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn được vay tối đa 200 triệu; hợp tác xã, chủ trang trại được vay tới 500 triệu đồng. Nhiều ý kiến băn khoăn rằng, trước đây, theo Quyết định 67/QĐ-TTG, người dân vay 10 – 15 triệu đồng còn khó nhưng hiện nay nguồn vốn cho vay tăng lên nhiều, từ 50 – 500 triệu đồng, liệu có khả thi?

Ông Phạm Thanh Tân – Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thừa nhận: Nhu cầu vay vốn của người dân khá lớn trong khi nguồn vốn còn hạn chế. Ông Tân cho biết: Ngân hàng Nông nghiệp sẽ cố gắng tối đa để cân đối cho các khoản vay phục vụ khu vực tam nông.

Theo KTĐT