Lượt xem: 149

Do ảnh hưởng của thời tiết nên những vườn na ở Lục Nam (Bắc Giang) năm nay chín muộn hơn mọi năm. Nông dân phấn khởi vì sản phẩm bán được giá cao, tiêu thụ thuận lợi.

Na đầu vụ hút khách

Những năm trước, giữa tháng 7 là các trà na đã chín rộ. Trái lại, năm nay đến đầu tháng 8, chợ na thôn Khuyên, xã Huyền Sơn và Suối Ván, xã Nghĩa Phương (cùng huyện Lục Nam) mới lác đác có người mang na xuống bán. Na chín muộn giúp loại đặc sản này trở nên hút khách.

Điểm thu mua na của ông Nguyễn Đức Đê, thôn Liễu Giang, xã Huyền Sơn.
Điểm thu mua na của ông Nguyễn Đức Đê, thôn Liễu Giang, xã Huyền Sơn.

Tại thôn Khuyên, mới hơn 6 giờ sáng, cả chục xe máy, ô tô tải cùng nhiều thương nhân đã chờ sẵn. Mỗi khi có chuyến na đến chợ là mọi người xúm quanh xem hàng, trả giá.

Chị Nguyễn Thị Toan, thôn Dạo Lưới, xã Đông Hưng (Lục Nam) là thương nhân chuyên thu mua na cho biết, na chín muộn lại có nhiều khách đặt trước nên chị phải đi sớm mới gom đủ hàng. Việc mua – bán diễn ra nhanh, na mang ra đến đâu, hết đến đó.

Sau khi khệ nệ bê thúng na cho khách, chị Phạm Thị Hà, thôn Khuyên phấn khởi chia sẻ, nhà chị có hơn 1 mẫu vườn, năm ngoái thu hơn 5 tấn na. Khi chăm sóc, chị chủ yếu dùng phân hữu cơ nên quả to, mã đẹp. Từ đầu vụ đến nay bán với giá từ 45-50 nghìn đồng/kg, tăng hơn từ 10-15 nghìn đồng/kg so với đầu vụ năm trước.

Cùng với nông dân xã Huyền Sơn, hiện các hộ trồng na tại xã Nghĩa Phương cũng chung niềm vui vì sản phẩm được giá. Anh Vũ Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Na dai Nghĩa Phương thông tin, dịp này, khách quen ở Hà Nội, Bắc Ninh liên tục gọi điện đặt mua na với giá cao nhưng hiện HTX không đủ hàng cung ứng.

Ngoài trồng na dai, nhiều hộ còn đưa giống na Thái vào thâm canh với diện tích hơn 5 ha, đang cho thu vụ thứ hai. Anh Bùi Văn Kiên, thôn Kỳ Sơn, xã Nghĩa Phương cho biết, năm 2019, anh được Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang hỗ trợ trồng 300 gốc na Thái. Dù cây mới được 3 năm tuổi nhưng quả rất sai. Mỗi quả nặng từ 0,5-0,8 kg. Đầu vụ đến nay anh bán gần 3 tạ với giá bán tại vườn từ 65-70 nghìn đồng/kg. Dự kiến vườn na Thái cho khoảng 2,4 tấn quả.

“Na Thái dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, năm ngoái cây bói lứa đầu quả to, thơm ngon, giá bán cao nên năm nay tôi trồng thêm hơn 100 gốc. Tới đây, gia đình tôi sẽ áp dụng thâm canh rải vụ để thu được lợi nhuận cao hơn”, anh Kiên nói.

Vụ này, huyện Lục Nam tiếp tục duy trì 1.730 ha na, tập trung ở các xã: Huyền Sơn, Nghĩa Phương, Đông Phú, Cương Sơn… Sản lượng ước đạt hơn 14,3 nghìn tấn. Na sản xuất theo hướng VietGAP đạt 1.280 ha, tăng 80 ha so với năm 2021. Dự kiến đến hết năm 2022, toàn huyện có 165 ha na được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 3 ha sản xuất theo hướng hữu cơ (tại xã Đông Phú, Huyền Sơn và Nghĩa Phương). Đa phần na được chăm sóc theo phương pháp rải vụ.

Chú trọng sản xuất hữu cơ

Theo các hộ có kinh nghiệm trồng na ở Lục Nam, na chín muộn là do đầu năm có nhiều đợt rét đậm, trong khi đó, người dân lại kéo dài thời gian lấy quả vụ thứ hai của năm trước khiến vụ này cây hỏng lộc đợt 1, bà con phải “bắt” hoa theo lứa lộc đợt 2. Ngoài chín muộn, vụ đầu năm nay còn có nhiều vườn na bị vàng, xoăn lá, chết hoặc không cho trái.

Cánh đồng na thôn Suối Ván, xã Nghĩa Phương.
Cánh đồng na thôn Suối Ván, xã Nghĩa Phương.

Theo Trung tâm Dịch vụ – Kỹ thuật nông nghiệp (KTNN) Lục Nam, nguyên nhân là do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều đợt mưa, nắng xen kẽ. Lượng mưa cao làm bộ rễ của cây bị úng nước sinh ra nấm bệnh. Vẫn còn không ít hộ sử dụng thuốc trừ cỏ gây hỏng bộ rễ, cây không thể hấp thụ dinh dưỡng dẫn đến vàng, xoăn lá; cây chết rút hoặc không ra lộc, hoa.

Ông Tăng Văn Luật, Giám đốc Trung tâm Dịch Vụ và KTNN Lục Nam thông tin, ngay từ cuối tháng 5 vừa qua, đơn vị cảnh báo, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh giai đoạn cây ra hoa, đậu quả.

Toàn huyện có 1.730 ha na. Sản lượng ước đạt hơn 14,3 nghìn tấn quả. Dự kiến đến hết năm 2022, toàn huyện có 165 ha na được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 3 ha sản xuất theo hướng hữu cơ.

Để giúp người dân khắc phục diện tích na không ra quả, chết rút, xoăn, vàng lá, ông Luật khuyến cáo, bà con không nên trồng na ở vùng đất trũng. Khi mưa xuống, cây trồng phải được thoát nước kịp thời. Tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ; tăng cường chăm sóc cho cây bằng cách bón phân hữu cơ cải tạo đất.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, nhằm giúp cho việc sản xuất, tiêu thụ na thuận lợi, vụ này, huyện Lục Nam tiếp tục tổ chức quảng bá thương hiệu “Na Lục Nam” bằng nhiều hình thức như: Ban hành Quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý cho quả na, có tem truy xuất nguồn gốc, mã QR coder, in túi, thùng đựng na. Giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội, tham gia gian hàng điện tử,…

Năm 2021, “Na dai Nghĩa Phương” được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Dự kiến tháng 10/2022, huyện đăng ký dự thi sản phẩm OCOP của tỉnh cho sản phẩm “Na dai Lục Nam” và “Na dai Đại Đồng”, xã Đông Phú. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT giới thiệu, đưa nhiều đoàn doanh nghiệp đến Lục Nam khảo sát để thu mua na.

Với việc tích cực hướng dẫn người dân thay đổi cách chăm sóc cho cây và tăng cường quảng bá sản phẩm, tin rằng bà con Lục Nam tiếp tục đón mùa na ngọt.

Nguồn: Báo Bắc Giang