Hội nông dân huyện Yên Thế: Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân

Lượt xem: 262

Thực hiện Nghị Quyết số 02 của Hội nông dân (HND) tỉnh Bắc Giang về nâng cao vai trò của Hội nông dân các cấp trong tổ chức các hoạt động dịch vụ và hỗ trợ nông dân giai đoạn 2020-2023; đồng thời xác định hoạt động dịch vụ và hỗ trợ nông dân là nhiệm vụ trọng tâm, trong thời gian qua, các cấp HND huyện Yên Thế đã tập trung triển khai khai nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm từng bước nâng cao hiệu quả các hoạt động dịch vụ và hỗ trợ nông dân tại địa phương.

Theo đó, ngay từ đầu năm HND huyện đã chỉ đạo các cấp Hội cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; việc thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, các hoạt động dịch vụ và hỗ trợ nông dân bằng nhiều hình thức đa dạng, như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội định kỳ; tổ chức tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật v.v… Trong đó chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao chất chất lượng, giá trị sản phẩm. Đồng thời triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, vốn vay cho hộ nông dân gắn với các hoạt động của các chi tổ hội nghề nghiệp và sản xuất kinh doanh của nông dân địa phương.

Các đại biểu thăm gian trưng bày sản phẩm của THT trông dứa ngọt xã Tam Hiệp.

Công tác hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ luôn được các cấp Hội chú trọng thực hiện. HND huyện đã phối hợp với HND tỉnh xây dựng mô hình giống lúa J02 áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường vụ Xuân năm 2022 tại xã Tân Hiệp với diện tích 8 ha; triển khai mô hình cấy lúa QR15 vụ mùa với diện tích 30 ha tại xã Hồng Kỳ; 20 mô hình ứng dụng sản phẩm sinh học Enzymes HTMAXIGEST trong chăn nuôi gà cho các hộ hội viên nông dân trên địa bàn huyện với số lượng trên 20 nghìn con; 15 mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn; phối hợp tổ chức 120 lớp chuyển giao KHKT; 11 lớp tập huấn chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hướng dẫn nông dân đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội; cử 80 lượt cán bộ hội và các chủ thể sản phẩm đăng tham gia tập huấn tại tỉnh; lập danh sách đăng ký cho 200 hộ nông dân bán hàng trên sàn thương mại điện tử.  Cùng với đó, Hội cũng khai thác tối đa ưu thế của mạng xã hội để tổ chức nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm cho chủ thể sản phẩm, các tổ hợp tác, HTX, các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Đặc biệt Hội đã phối hợp tổ chức thành công hội thảo sử dựng chế phẩm trong chăn nuôi Gà tại Yên Thế với sự tham gia của lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các tỉnh bạn, HND tỉnh và các huyện trong tỉnh. Qua đó tạo điều kiện để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thông qua các hoạt động chuyển giao khoa học, kỹ thuật đã giúp cho hội viên, nông dân nâng cao kiến thức, trình độ về khoa học công nghệ mới ứng dụng trong trồng trọt, chăn nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của huyện.

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, HND huyện đã lựa chọn, hướng dẫn chủ thể sản phẩm xây dựng mới 03 sản phẩm và duy trì nâng cao chất lượng 02 sản phẩm OCOP năm 2022. Đến nay, toàn huyện đã có 23 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 19 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm nông sản tiêu biểu, chất lượng cung ứng cho các thị trường lớn như: Gà đồi Yên Thế, giò gà, chả gà của HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế; chè xanh Bản Ven của HTX Thân Trường… Bên cạnh đó, huyện cũng có một số sản phẩm tiềm năng như: cao cà gai leo, cao xạ đen, cao đinh lăng của HTX Dược liệu Thiện Tâm; rượu ngô men lá Lộc Sơn, bánh khảo Mộc Sơn của HTX Nông nghiệp Mộc Sơn…

Nhằm giúp hội viên nông dân có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, các cấp HND huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện hỗ trợ cho các thành viên tham gia mô hình vay vốn, vận động các thành viên tham gia tiết kiệm hình thành nguồn vốn nội lực. Hiện nay, Hội đang quản lý 224 Tổ vay vốn từ các ngân hàng trên địa bàn huyện cho hơn 9.200 hộ vay với tổng dư nợ 519,4 tỷ đồng. Tỷ lệ tổ vay vốn hoạt động tốt chiếm 95,55%, nợ quá hạn chiếm dưới 0,05%, bảo đảm theo quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã phát triển 409 triệu đồng quỹ hỗ trợ nông dân, nâng tổng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện đạt gần 5,3 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương hơn 2 tỷ đồng, vốn của tỉnh 1 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn huyện. Từ nguồn vốn này đã triển khai 29 dự án cho 67 hộ vay vốn với tổng số tiền hơn 5,1 tỷ đồng. Việc tổ chức giải ngân, thu hồi vốn được thực hiện đúng quy định, không có nợ quá hạn phát sinh; các hộ được hỗ trợ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao. Việc triển khai các đề án vay vốn quỹ hỗ trợ nông dân được gắn với các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác và HTX đều thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng phối hợp với Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông tín chấp 900/250 tấn phân bón cho các hộ hội viên nông dân theo phương thức trả chậm, đạt 360% kế hoạch; cung ứng 150 kg chế phẩm sinh học trong chăn nuôi; phối hợp cung ứng 6 nghìn tấn phân bón; 05 tấn giống các loại; 150 tấn thức ăn gia súc, gia cầm.

Các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân của HND huyện đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng thúc đẩy và nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Kết quả đã có hơn 10 nghìn hộ hội viên đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Thông qua phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu, nhiều cách làm hay, tư duy sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến tạo ra thu nhập cao cho gia đình, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Đặc biệt, nhiều mô hình cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm như: mô hình nuôi dê và mật ong xã Hồng Kỳ, mô hình chăn nuôi gà của hộ ông Nguyễn Xuân Qúy, xã Đồng Kỳ, Nguyễn Văn Vương, Xuân Lương; mô hình trồng bưởi của hộ ông Nguyễn Văn Hòa, xã Đồng Lạc; mô hình trồng thanh long của hộ ông Nguyễn Văn Khánh, thị trấn Phồn Xương…

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Hội Nông dân huyện tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, trọng tâm là chuyển giao khoa học kĩ thuật mới, hỗ trợ cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Hội nông dân các cấp và nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

                                        Quang Huy