Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân năm 2022

Lượt xem: 301

Ngày 08/10/2022, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân năm 2022. Dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang, Ban Dân vận Tỉnh ủy; Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh; Lãnh đạo UBND, Hội Nông dân các huyện, thành phố, đại diện một số doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và đại diện các hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh. Sau khi nghe các đại biểu đại diện các doanh nghiệp, HTX và hội viên nông dân phát biểu, ý kiến trả lời của lãnh đạo các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp giải đáp làm rõ thêm các kiến nghị, đề xuất của đại biểu, đánh giá tình hình kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời chỉ đạo và kết luận hội nghị với những nội dung trọng tâm sau:

Những năm qua, trong điều kiện sản xuất nông nghiệp trong nước cũng như của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là giá cả vật tư nông nghiệp luôn biến động. Nhưng cùng với sự chỉ đạo quyết tâm và linh hoạt của cấp ủy chính quyền các cấp, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp, HTX và người dân trong tỉnh đã sớm khắc phục khó khăn trong sản xuất, đạt được kết quả đáng khích lệ; đặc biệt trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 23.9% cao nhất cả nước và cao nhất từ trước đến nay, trong đó quy mô sản xuất ngành nông nghiệp luôn đứng đầu trong khu vực và trong tốp đầu cả nước; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, trình độ sản xuất của người dân được nâng cao, có nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh đã có thương hiệu nổi tiếng không chỉ trong nước mà trên thị trường quốc tế; nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn cho hiệu quả kinh tế cao; nông nghiệp thực sự trở thành trụ đỡ đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, khó khăn như: Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ; năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn ít, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều; các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn còn chậm được đổi mới, chủ yếu là kinh tế hộ, quy mô nhỏ; các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân chưa chặt chẽ, thiếu bền vững. Công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế; sản phẩm nông sản của tỉnh vẫn chủ yếu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu dưới dạng rau quả tươi hoặc chế biến thô nên giá trị gia tăng thấp…

Để lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển mạnh, bền vững hơn; khắc phục những tồn tại, khó khăn, kịp thời hỗ trợ người nông dân phát triển sản xuất, phát triển kinh tế. Yêu cầu các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1.   Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thực hiện rà soát các quy định, cơ chế chính sách của Trung ương và của Tỉnh; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn để các cơ chế, chính sách ưu việt thực sự đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực, nhất là các chính sách khuyến khích liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ các hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp, HTX chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, xây dựng thương hiệu sản phẩm, sản xuất nông sản có trách nhiệm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Nghiên cứu có giải pháp tháo gỡ để nông dân khai thác, phát huy thế mạnh của từng địa phương; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, khuyến khích nông dân đầu tư, đẩy mạnh thâm canh trong sản xuất nông nghiệp.

Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ xây dựng các tổ hợp tác, củng cố và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp để tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Chủ trì, phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của nông dân huyện Lục Ngạn liên quan đến quy trình sản xuất, phòng trừ sâu bệnh (thuốc bảo vệ thực vật) và thủ tục pháp lý của mẫu phiếu kết quả phân tích chất lượng vải thiều năm 2022 theo phản ánh của hội viên nông dân huyện Lục Ngạn; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 25/10/2022.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bắc Giang:

Chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ưu tiên nguồn vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với những dự án hiệu quả cao; có chính sách hỗ trợ về vốn, tín dụng cho doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân.

Đối với nhu cầu vay vốn của các HTX: Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX tỉnh thành lập tổ công tác rà soát tất cả các HTX đang có vướng mắc về nhu cầu vay vốn (hoặc có thể thực hiện thông qua phiếu thăm dò ghi các nội dung cần nắm bắt để các HTX trả lời) sau đó tổng hợp, phân loại để có biện pháp tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc về vốn.

3.   Sở Công Thương

Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, cung cấp thông tin giá cả thị trường; là đầu mối cung cấp thông tin thị trường tin cậy cho nông dân để thực hiện có hiệu quả chủ trương “sản xuất theo nhu cầu thị trường”. Tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp Hội Nông dân tỉnh trong các hoạt động xúc tiến thương mại hằng năm để tăng cường quảng bá các thương hiệu nông sản chủ lực, các sản phẩm OCOP của tỉnh. Quan tâm hỗ trợ nông dân tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử.

4.   Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các diện tích đất nông nghiệp đã dồn điền, đổi thửa thời gian qua để vừa làm tăng thêm giá trị nguồn lực đất đai, vừa giúp người nông dân yên tâm đầu tư và sản xuất nông nghiệp.

Tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm quy định pháp luật, gây ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước và không khí tác động đến đời sống, sản xuất của nông dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân nắm được và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai và môi trường.

Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền hướng dẫn nông dân áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn; phân loại và xử lý các loại rác thải hữu cơ, các phụ phẩm trong trồng trọt thành phân bón vừa đảm bảo giảm ô nhiễm môi trường và giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp nhất là trong tình trạng giá vật tư, phân bón trong nước và thế giới đang tăn cao như hiện

5.Sở Lao động Thương binh và Xã hội:

Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn, truyền thông về đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi để Trung tâm Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh tham gia đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để thu hút lao động trẻ, lao động được đào tạo có trình độ chuyên môn về đầu tư, khởi nghiệp ở nông thôn.

6.Sở Kế hoạch và Đầu tư: Nghiên cứu, tham mưu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể; đề xuất các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người có trình độ về làm việc cho các hợp tác xã; chính sách về hỗ trợ tín dụng cho vay ưu đãi, vay không tài sản bảo đảm trong đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; chính sách hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dưng nông thôn mới.

7.Sở Tài chính: Nghiên cứu, tham mưu bố trí dự toán ngân sách bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh hằng năm, chính sách hỗ trợ Hội Nông dân cấp cơ sở; đặc biệt là bổ sung tăng kinh phí đảm bảo mục tiêu nghị quyết Hội Nông dân nhiệm kỳ 2018-2023 để nhiều hội viên nông dân được tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm, có hiệu quả trong nông nghiệp.

8.UBND các huyện, thành phố:

Chủ trì tổ chức Hội nghị đối thoại Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với nông dân địa phương (vào quý III hằng năm), nhằm nắm bắt nguyện vọng, kiến nghị của nông dân, qua đó hỗ trợ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền và tổng hợp, báo cáo tham mưu UBND tỉnh các nội dung vượt thẩm quyền.

Hằng năm bố trí ngân sách bổ sung cho hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân; hỗ trợ kinh phí để Hội Nông dân xây dựng các mô hình về HTX, mô hình liên kết sản xuất, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP của địa phương.

9. Hội Nông dân tỉnh: Phát huy vai trò là cầu nối giữa chính quyền và nông dân; kết nối doanh nghiệp, HTX với nông dân đẩy mạnh liên kết; tiếp tục cập nhật nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân đề xuất với các cấp chính quyền xem xét giải quyết; đồng thời làm tốt công tác gia giám sát và phản biện xã hội và chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành trong việc đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

10. Văn phòng UBND tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổng hợp các ý kiến kiến nghị của đại biểu tham dự Hội nghị, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố nghiên cứu giải quyết và trả lời đại biểu.