Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Lượt xem: 124

Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” do Hội nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phát động lần thứ I từ năm 2004, đến nay Cuộc thi đã IX lần tổ chức. Cuộc thi được triển khai rộng khắp ở các cấp Hội và hội viên, nông dân, qua đó đã khơi dậy phong trào sáng tạo kỹ thuật trong lao động, sản xuất và đời sống của hội viên nông dân, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng quyết định đến sự thành công của Cuộc thi, bởi vậy, trước mỗi Cuộc thi, Hội Nông dân tỉnh đều sớm xây dựng và ban hành hệ thống văn bản, chỉ đạo các cấp Hội tổ chức phát động, triển khai Cuộc thi tới toàn thể cán bộ, hội viên và quần chúng Nhân dân. Chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, kế hoạch, thể lệ Cuộc thi trên hệ thống thông tin đại chúng  như: Báo Bắc Giang, Đài PT-TH tỉnh, Đài phát thanh các huyện, thành phố, trên hệ thống loa truyền thanh tại xã phường, thị trấn; biên tập tin, bài đăng trên Cổng thông tin điện tử, trang Fanpage, bản tin, cuốn thông tin hoạt động Hội; tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thi, qua sinh hoạt chi, tổ hội định kỳ và sinh hoạt của gần 2.000 câu lạc bộ nông dân các loại; in, cấp phát trên 81.000 tờ rơi tuyên truyền về Cuộc thi… Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội nông dân các huyện, thành phố in, phát mẫu phiếu đăng ký dự thi; hướng dẫn hội viên, nông dân tham dự thi viết báo cáo tóm tắt và thuyết minh chi tiết giải pháp sáng tạo, hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự thi; tiếp nhận và tổ chức xét tuyển, lựa chọn các giải pháp, mô hình, sản phẩm tiêu biểu tham gia Cuộc thi cấp tỉnh.

Ban Tổ chức trao giải cho 10 sản phẩm sáng tạo kỹ thuật đạt giải lần thứ VIII .

Nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy sự vào cuộc tích cực của Hội Nông dân các cấp, hằng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh giao chỉ tiêu yêu cầu mỗi huyện, thành phố ít nhất có từ 3-5 giải pháp sáng tạo tham gia/01cuộc thi; đưa chỉ tiêu các giải pháp sáng tạo tham gia Cuộc thi là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá, xếp loại Hội Nông dân các huyện, thành phố hàng năm. Đồng thời, chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra để kịp thời điều chỉnh, rút kinh nghiệm cũng như nhân rộng các cách làm hay trong triển khai, tổ chức cuộc thi. Kết quả, trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 03 cuộc kiểm tra chuyên đề; 18 cuộc kiểm tra định kỳ lồng ghép với kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân.

Từ việc chỉ đạo, triển khai Cuộc thi một cách bài bản và làm tốt công tác tuyên truyền về Cuộc thi. Qua 09 lần tổ chức, Ban tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh đã nhận được 347 giải pháp sáng tạo kỹ thuật của cán bộ, hội viên nông dân tham gia Cuộc thi (trung bình mỗi cuộc thi đều có từ 35 – 45 giải pháp sáng tạo tham gia). Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh chấm điểm, chọn ra được 09 giải nhất; 17 giải nhì; 27 giải ba và 36 giải khuyến để trao giải cấp tỉnh. Đồng thời lựa chọn các giải pháp sáng tạo có chất lượng cao gửi tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh và Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông cấp Trung ương. Các giải pháp sáng tạo kỹ thuật tham dự Cuộc thi của cán bộ, hội viên nông dân tỉnh rất phong phú, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, bảo vệ môi trường, cơ khí nông nghiệp, chế biến nông sản, các ngành nghề nông thôn… Điểm nổi bật của các giải pháp dự thi là tính ứng dụng rất cao; đa số các giải pháp dự thi đều có ý tưởng xuất phát từ thực tế, từ những trăn trở của người nông dân trong sản xuất và hầu hết các giải pháp sau khi hoàn thiện đều được ứng dụng trở lại phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người nông dân. Điển hình như giải pháp sáng tạo “Xử lý ra hoa, đậu quả không đào rễ trên cây cam Đường Canh” của tác giả Bùi Đức Long – Xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn đoạt giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông cấp trung ương; giải pháp sáng tạo “Bếp tiết kiệm nguyên liệu” của tác giả Thân Xuân Trường – xã Việt Lập, huyện Tân Yên đoạt giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông cấp trung ương; giải pháp sáng tạo “Hoàn thiện kỹ thuật thâm canh và thụ phấn nhân tạo cây na dai” của tác giả Nguyễn Xuân Thủy – xã Huyền Sơn, Lục Nam đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ III; giải pháp sáng tạo “Nhà lưới không nóc cho vườn vải” của tác giả Lê Bá Kim –  xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ IX… Có thể khẳng định, Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Bắc Giang những năm qua đã thành công tốt đẹp, thu hút được đông đảo cán bộ, hội viên tham gia. Cuộc thi đã làm sôi động khí thế sáng tạo khoa học – kỹ thuật của cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh, cho thấy được năng lực, khả năng sáng tạo kỹ thuật cao trong lao động, sản xuất của người nông dân tỉnh Bắc Giang.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Cuộc thi còn một số hạn chế, khó khăn như: một số cấp ủy, chính quyền, Hội Nông dân cấp cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của Cuộc thi nên trong công tác lãnh chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện còn hạn chế, tiến độ chậm so với quy định. Việc triển khai Cuộc thi chưa được thực hiện đều khắp, chưa thực sự tạo thành phong trào bền vững ở các cấp hội. Số lượng cán bộ, hội viên, nông dân tham gia Cuộc thị ở một số đơn vị chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng. Năng lực của một số cán bộ Hội cơ sở và chi hội còn hạn chế nên việc tuyên truyền, hướng dẫn các tác giả có giải pháp tham gia Cuộc thi hoàn thiện hồ sơ còn hạn chế. Một số giải pháp sáng tạo tham dự thi chưa hoặc không thể hiện được khả năng ứng dụng trong thực tiễn…

Thời gian tới, để tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông”, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần:

Một là, tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, đoàn thể CT-XH cùng cấp trong lãnh chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện tổ chức Cuộc thi, xem Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” là một hoạt động thiết thực góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, như Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định “Coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững”.

Hai là, đa dạng các hình thức tuyên truyền Cuộc thi tới toàn thể cán bộ, hội viên và Nhân dân; tích cực vận động, thu hút, phát hiện động viên các cá nhân, tập thể có ý tưởng sáng tạo tham gia. Phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất từ 03 – 05 giải pháp tham gia/cuộc thi, trong đó cần chú ý đối với các cơ sở Hội có số lượng giải pháp tham gia ít hoặc không có trong các Cuộc thi vừa qua.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc cơ sở hội trong triển khai, thực hiện các nội dung tham gia Cuộc thi.

Bốn là, tăng cường thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật đoạt giải Cuộc thi vào sản xuất và đời sống; làm tốt công tác khen thưởng, tôn vinh giải pháp của các tác giả đoạt giải; tổ chức các hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các tác giả đoạt giải tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm…

Năm là, huy động các nguồn lực, bổ sung nguồn kinh phí cho tổ chức Cuộc thi cũng như hỗ trợ giải thưởng, chi phí cho các tác giả tham gia hoàn thiện ý tưởng sản phẩm.

Với những giải pháp đồng bộ trên, tin tưởng rằng Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” lần thứ 10, năm 2022 – 2023 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục được hội viên nông dân toàn tỉnh nhiệt tình ủng hộ, tham gia và thành công tốt đẹp./.

Nguyễn Mạnh Tùng, Chuyên viên Ban KT-XH