Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong công tác giám sát, phản biện xã hội

Lượt xem: 1.098

Thực hiện Quyết định số 217- QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội, thời gian qua, công tác giám sát và phản biện xã hội của các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, mang lại những kết quả thiết thực, phát huy tốt vai trò và năng lực giám sát, phản biện xã hội của cán bộ, hội viên nông dân.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác giám sát và phản biện xã hội, ngay sau Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành và sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cấp Hội tổ chức triển khai, quán triệt đến toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn. Hội Nông dân tỉnh chủ động đăng ký với cấp ủy đảng các nội dung cụ thể, xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức giám sát theo yêu cầu đề ra. Trên cơ sở đó, Hội Nông dân các huyện, thành phố căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương xây dựng và đăng ký nội dung giám sát với cấp ủy cùng cấp.

Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Hội Nông dân các tỉnh thuộc cụm thi đua số 3 tổ chức tại Bắc Giang năm 2020.

Kết quả từ năm 2013 đến nay, các cấp Hội tổ chức hàng nghìn cuộc giám sát. Riêng Hội Nông dân tỉnh tổ chức 11 cuộc, cấp huyện tổ chức trên 70 cuộc. Các nội dung giám sát và phản biện xã hội được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những vấn đề được hội viên nông dân quan tâm như: giám sát chính sách hỗ chợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu phi, dịch Covd- 19; giám sát công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, quản lý đất trồng lúa, đất công ích; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa và giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, một số chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Ngoài ra, hằng năm, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, nghiệp vụ kiểm tra giám sát cho đội ngũ cán bộ, hội viên nông dân; tổ chức tuyên truyền nội dung Quyết định 217-QĐ/TW, mục đích, nguyên tắc giám sát và phản biện xã hội. Qua đóm, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân trong tham gia giám sát các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Cùng với việc triển khai các hoạt động giám sát, HND các cấp đã tham gia đóng góp xây dựng dự thảo các đề án, kế hoạch, quy hoạch; các dự thảo luật và một số văn bản có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn…; tham gia các hội nghị đóng góp các dự thảo luật do Ủy ban MTTQ tổ chức. Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp Hội làm tốt công tác nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội trong cán bộ, hội viên nông dân; tích cực tham mưu, phối hợp tổ chức các hội nghị để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối thoại với nông dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân để kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh ở cơ sở, góp phần xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nông dân và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Điển hình như năm 2022, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức 95 cuộc tham gia góp ý vào 212 dự thảo các Chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch, quyết định của tỉnh, huyện về phát triển kinh tế, xã hội; tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân Việt Nam năm 2022 tại điểm cầu của tỉnh với 80 đại biểu tham gia; chủ trì tổ chức thành công Hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND tỉnh với nông dân năm 2022 với trên 200 đại biểu; tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh với nông dân tại huyện Yên Dũng năm 2022…

Tuy nhiên, công tác giám sát, phản biện xã hội của các cấp Hội Nông dân vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: chưa huy động được đông đảo được hội viên nông dân tham gia hoạt động giám sát, phản biện xã hội; nhận thức của một số cán bộ hội, cơ sở hội về chức năng, vai trò giám sát, phản biện xã hội chưa đầy đủ; còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu về vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị – xã hội còn hạn chế nên chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, chưa phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội tham gia giám sát, phản biện đối với những quyết sách lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương, đơn vị…

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, hội viên, nông dân. Tăng cường phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung lựa chọn, xác định nội dung giám sát thiết thực, phù hợp, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Ngô Kim Tuyến – Phó Trưởng Ban Xây dựng hội