Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Bắc Giang đã và đang thực hiện đúng chiến lược dập dịch hiệu quả

Lượt xem: 95

Sau gần một tháng, Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng Bộ phận cùng với các chuyên gia ở các lĩnh vực giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị đã sát cánh hỗ trợ Bắc Giang dập dịch, đến nay cơ bản hoàn thành nhiệm vụ. Phóng viên Báo Bắc Giang có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn về một số đánh giá tình hình dịch bệnh tại Bắc Giang.

PV: Xin Thứ trưởng đánh giá khái quát về tình hình dịch Covid-19 tại Bắc Giang hiện nay?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 và sự hỗ trợ toàn diện của Bộ Y tế, các Bộ, Ban, ngành, của nhiều tỉnh, thành phố bạn, các tổ chức, doanh nghiệp và sự chung sức, đồng lòng của người dân Bắc Giang, đến nay, tôi đánh giá tình hình dịch Covid-19 tại Bắc Giang đã trải qua giai đoạn chống dịch khó khăn, vất vả nhất và hiện nay đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Thứ trưởng Nguyễn Trưởng Sơn và Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái kiểm tra công tác phòng, chống dịch.

Theo kết quả đánh giá dịch tễ hiện chỉ còn ổ dịch ở khu công nghiệp (KCN) vẫn phát sinh các trường hợp F0. Số ca F0 mắc mới đã có xu hướng giảm rõ rệt và chỉ tập trung chủ yếu ở thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu (Việt Yên) và trong các khu cách ly tập trung có công nhân đã từng ở khu vực này. Thực tế trên khẳng định tình hình dịch Covid-19 tại Bắc Giang đã được đẩy lùi và các điểm đã được khoanh gọn.

Qua thực tế hỗ trợ PCD Covid-19 ở các địa phương trong những đợt dịch trước, xin Thứ trưởng cho biết dịch bùng phát ở Bắc Giang có điểm gì khác?

Ở các tỉnh, thành phố như: Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, dịch chủ yếu ở cộng đồng, sau đó có nơi lan vào cụm công nghiệp song quy mô nhỏ. Ví như ở Đà Nẵng dịch từ trong bệnh viện lây ra bên ngoài; tại Hải Dương thì dịch xảy ra ở một doanh nghiệp nhỏ trong cụm công nghiệp nhỏ rồi lây ra cộng đồng; tại các địa phương khác cũng chỉ là các đốm dịch nhỏ trong cộng đồng nên dễ khống chế.

Còn tại Bắc Giang, dịch xuất phát từ trong KCN, quy mô lớn và tốc độ lây lan nhanh. Bắc Giang có 4 KCN liền nhau với số lượng công nhân đông làm việc trong môi trường kín, không gian hẹp, đồng thời phần lớn công nhân ở tỉnh ngoài đến Bắc Giang ở trong các xóm trọ với mật độ dày. Khi dịch bùng phát từ nhà máy đã lan ra cộng đồng rất nhanh và khó kiểm soát. Đây chính là đặc điểm dẫn đến việc dập dịch ở Bắc Giang khó khăn, phức tạp hơn.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia y tế, căn nguyên dịch bùng phát tại Bắc Giang lần này có tốc độ lây lan nhanh là do biến chủng Delta (ghi nhận lần đầu tại Ấn Độ) với khả năng hoàn thành chu kỳ lây nhiễm nhanh (48 hrs) và mạnh (nồng độ nr/ 1 chu kỳ nhân lên gấp 1.000 lần so với biến chủng Alpha (ghi nhận lần đầu tại Anh) nên khả năng lây nhiễm cho người tiếp xúc nhiều hơn và nhanh hơn.

Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đánh giá những giải pháp mấu chốt nào để vượt qua được khó khăn, thách thức ấy, thưa Thứ trưởng?

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế, Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế cùng với lãnh đạo tỉnh đánh giá đầy đủ tình hình, xây dựng được chiến lược, triển khai chống dịch bài bản, phù hợp với đặc thù của Bắc Giang.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trao đổi công tác phòng, chống dịch với Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương về công tác phòng, chống dịch. 

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trao đổi công tác phòng, chống dịch với Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương về công tác phòng, chống dịch.

Có thể thấy là tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị, mọi người dân cùng vào cuộc. Lực lượng chống dịch làm việc không kể ngày đêm. Riêng lượng lực y tế về chi viện cho Bắc Giang tính đến ngày 6/6 là 2.521 người. Việc xét nghiệm thần tốc được triển khai ngay lập tức, ngày cao điểm, cán bộ y tế lấy hơn 30 nghìn mẫu bệnh phẩm. Ngay khi có kết quả xét nghiệm, bộ phận truy vết lại chạy đua với thời gian để thu dung F0 về cơ sở y tế điều trị; đưa F1 đi cách ly. Vì đặc điểm với số ca mắc lớn tại nhiều ổ dịch lên đến vài chục nghìn người không thể tổ chức cách ly tập trung hết, do đó “kế sách” đưa thiết chế cách ly tập trung vào những khu vực dân cư tập trung đông công nhân có nguy cơ cao để thiết lập mô hình khu cách ly y tế tập trung tại chỗ (với sự tham gia đầy đủ của các lực lượng quân đội, công an, y tế và lắp camera giám sát trong khu dân cư) nhằm khoanh vùng, khống chế dịch ngay. Thực hiện nghiêm ngặt việc nội bất xuất, ngoại bất nhập, không cho nguồn lây có cơ hội thoát ra ngoài để lây lan sang các địa phương khác.

Giải pháp về tăng tốc việc xét nghiệm được thực hiện, trong khi xét nghiệm RT-PCR bắt buộc phải thực hiện trong phòng thí nghiệm và cần có thời gian, vì vậy việc áp dụng test nhanh kháng nguyên được đề xuất triển khai để sàng lọc tại chỗ các trường hợp có triệu chứng ở nguồn lây nhiễm mạnh (như thôn Núi Hiểu) và khu cách ly tập trung để nhanh chóng tách những nguồn truyền nhiễm mạnh ra khỏi khi có xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR. Xét nghiệm tiếp tục lặp lại sau 72hrs/lần tại các khu vực lây nhiễm cao, kết quả cho thấy có ca lây nhiễm giảm từ 40-60% so với lần đầu tại các lần xét nghiệm tiếp theo. Thần tốc hơn, chạy đua với thời gian để tận dụng “giai đoạn vàng” trong PCD là giải pháp quan trọng hàng đầu được thực hiện hiệu quả tại Bắc Giang.

Việc giữ chân được hầu hết số công nhân ngoại tỉnh ở lại và phong tỏa sớm những khu vực nguy cơ cao, không để dịch lây lan trên diện rộng cũng là nỗ lực đáng ghi nhận. Bởi làm như vậy thì Bắc Giang phải thêm một gánh nặng nữa là hỗ trợ ổn định đời sống cho hơn 60 nghìn công nhân ở khu cách ly, phỏng tỏa.

Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có hơn 10 nghìn tổ Covid cộng đồng với hơn 36 nghìn người tham gia là mắt xích quan trọng trong hoạt động giám sát PCD tại cơ sở rất hiệu quả, “đi từng nhà, rà từng người”. Nơi nào có công nhân về, các tổ đều nắm được, điều tra dịch tễ triệt để.

Công tác thiết lập các bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung điều trị rất kịp thời, tốc độ nhanh và hiệu quả. Đặc biệt, trung tâm hồi sức tích cực (ICU) với 58 giường tại Bệnh viện Phổi và 101 giường tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang có quy mô lớn nhất miền Bắc là sự phối hợp rất hiệu quả giữa Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế với tỉnh. Điểm mới lần này để đáp ứng tình hình ca mắc tại Bắc Giang lên đến hơn 3 nghìn ca, việc thiết lập nhiều bệnh viện dã chiến cùng một lúc vì rất tốn kém và mất thời gian cần có phương án khác phù hợp hơn. Chính vì thế, Bộ phận Thường trực đã thảo luận và thống nhất với UBND tỉnh để tận dụng cơ sở hạ tầng có sẵn của tỉnh. Cụ thể, tận dụng ký túc xá các Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự, Cao đẳng nghề Nghề công nghệ Việt – Hàn, Trung tâm chăm sóc người có công… và một số cơ sở khác nhằm thiết lập làm cơ sở thu dung điều trị ban đầu bệnh nhân mắc Covid-19.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác tiêm vắc-xin cho công nhân tại Công ty TNHH Fuhong (KCN Đình Trám, huyện Việt Yên). 

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác tiêm vắc-xin cho công nhân tại Công ty TNHH Fuhong

(KCN Đình Trám, huyện Việt Yên).

Có thể nói, Bắc Giang đã nhanh chóng kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19 nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, cùng sự hỗ trợ của Bộ Y tế, bộ, ngành khác và nhiều đơn vị, địa phương từ khắp mọi miền đất nước đã chi viện tích cực, nhiệt tình. Người dân cả nước đã ủng hộ Bắc Giang cả về vật chất, tinh thần trong cuộc chiến chống dịch và khôi phục phát triển kinh tế – xã hội.

Bắc Giang đang triển khai thực hiện mô hình “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”, trong bối cảnh dịch chưa được không chế hoàn toàn, mô hình này liệu có mạo hiểm không, thưa Thứ trưởng?

Phương án của mô hình này là quản lý công nhân bảo đảm an toàn để được tham gia quá trình sản xuất cho các doanh nghiệp, đơn vị được đánh giá đủ điều kiện sản xuất hoạt động trở lại, đó là, lao động được cơ quan y tế và chính quyền địa phương nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch từ ngày 9/5/2021 trở lại đây và có 2 lần xét nghiệm realtime RT – PCR âm tính với Covid-19 (kể từ ngày 9/5/2021 trở lại đây), trong đó lần gần nhất trước khi quay trở lại làm việc là 1 ngày.

Đồng thời, doanh nghiệp phải cam kết thực hiện công nhân được quản lý khép kín từ công ty đến khi về nơi ở để bảo đảm an toàn ở mức tối đa trong sản xuất. Mô hình này giúp cho việc tránh “đứt gãy” chuỗi sản xuất, cung ứng, tạo được công ăn việc làm cho công nhân tỉnh ngoài ở lại Bắc Giang, giảm gánh nặng xã hội và hỗ trợ đời sống nhân dân của địa phương.

Tôi đánh giá, đây là một giải pháp phù hợp với đặc thù PCD của Bắc Giang, huy động khu vực doanh nghiệp tham gia hiệu quả công tác PCD, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” theo chủ trương của Chính phủ đề ra. Vì là mô hình mới nên tỉnh cần triển khai từng bước thận trọng, có sự giám sát chặt chẽ với yêu cầu PCD được đặt lên hàng đầu.

Bắc Giang đặt mục tiêu sau ngày 21/6 sẽ không còn trường hợp lây nhiễm mới, thưa Thứ trưởng, mục tiêu này liệu có khả thi và để đạt được Bắc Giang cần tập trung vào những nhiệm vụ gì?

Mục tiêu trên thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của lãnh đạo tỉnh và có thể đạt được vì cùng với những kết quả tích cực, qua hơn một tháng cao điểm chống dịch, lãnh đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo PCD các cấp tỉnh Bắc Giang đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc ngăn ngừa dịch lây lan ở trong cộng đồng và nhất là ở các KCN.

Trong giai đoạn “nước rút” tổng tiến công dập dịch, Bắc Giang cần tập trung những biện pháp sau:

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Từ thực tế Bắc Giang, Bộ Y tế, dịch Covid-19

Qua hơn một tháng cao điểm chống dịch, lãnh đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo PCD các cấp tỉnh Bắc Giang đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc ngăn ngừa dịch lây lan ở trong cộng đồng và nhất là ở các KCN.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn

Thứ nhất, cần thực hiện tốt cách ly xã hội đối với các huyện: Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa. Cần cân nhắc duy trì hiện trạng giãn cách xã hội tại huyện Việt Yên thêm 2-3 tuần để bảo đảm an toàn cộng đồng, an toàn sản xuất, an toàn của người dân trên toàn tỉnh. Tôi đồng tình với khẩu hiệu truyền thông “Ai không có việc gì thật sự cần thiết thì không ra ngoài, người nhà nào ở yên nhà ấy, không gặp gỡ tiếp xúc với ai ở bên ngoài; không ai đến chơi nhà ai, không cho ai vào nhà mình” với tinh thần “Nhà nhà cửa đóng then cài”.

Thứ hai, Bắc Giang cần tiếp tục thực hiện việc giám sát dịch tễ một cách chặt chẽ thông qua chiến lược xét nghiệm phù hợp để làm sạch các ổ dịch để phát hiện một cách nhanh nhất và tiếp tục thực hiện các biện pháp cách ly cũng như thu dung, điều trị các bệnh nhân Covid-19. Các lực lượng y tế Bắc Giang cần tận dụng cơ hội học hỏi, trao dồi kinh nghiệm từ các lực lượng y bác sỹ tinh nhuệ về chi viện Bắc Giang để làm chủ được kỹ thuật và điều trị tốt bệnh nhân mắc Covid-19, kể cả bệnh nhân nặng.

Thứ ba, đối với việc đưa các đơn vị vào sản xuất trở lại. Phải đảm bảo công nhân đi vào sản xuất an toàn, phải được xét nghiệm âm tính, quy trình sản xuất phải đảm bảo an toàn, đặc biệt là quy trình kiểm tra, giám sát trong khi sản xuất cũng phải tuân thủ các quy định của ngành y tế cũng như của tỉnh Bắc Giang.

Vấn đề cuối cùng đó là triển khai tiêm vắc-xin cho công nhân. Tôi thấy rất mừng cho đến bây giờ tỉnh Bắc Giang đã triển khai tiêm hết cơ số 160 nghìn liều vắc-xin mà Bộ Y tế cấp để tiêm cho công nhân và các đối tượng ưu tiên. Đây là một dấu hiệu rất tốt. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới chương trình vắc-xin quốc gia sẽ tiếp tục đưa một số lượng vắc-xin nữa về Bắc Giang để có thể bảo đảm cho công nhân khi đưa vào sản xuất có miễn dịch đối với Covid-19.

Với tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài PCD Covid-19”, toàn lực lượng chống dịch tại Bắc Giang cùng chung sức, đồng lòng trên các mặt trận, nhất định Bắc Giang sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: baobacgiang.com.vn