Xây dựng và nhân rộng mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội

Lượt xem: 191

Với mục tiêu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, đa dạng hóa các hình thức tập hợp hội viên, khắc phục nhược điểm trong sinh hoạt chi hội, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp trên các lĩnh vực sản xuất, góp phần phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện Đề án số 24-ĐA/HNDVN của Ban Thường vụ Trung ương Hội (khóa VI) về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp và Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về đẩy mạnh xây dựng chi hội nông dân nghề, tổ hội nông dân nghề nghiệp, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã cụ thể hóa thành chỉ tiêu giao cho các huyện, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện, đồng thời hướng dẫn Hội Nông dân các huyện, thành phố và cơ sở tổ chức khảo sát, lựa chọn, xây dựng các chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp bảo đảm tiêu chí và nguyên tắc “5 cùng, 5 tự” (5 cùng là: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng lợi và 5 tự là: tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm). Để tạo sự lan tỏa và làm cơ sở nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp làm điểm xây dựng 10 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 10 chi hội nông dân nghề nghiệp tại 10 cơ sở của các huyện, thành phố.  Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng được 32 chi hội nông dân nghề nghiệp, 261 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 2,9 ngàn thành viên. Trong đó, 40% mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp thành lập năm 2020 được phát triển từ mô hình tổ hội nông dân nghề nghiệp theo Đề án 24 và Tổ Hợp tác do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập như: Chi Hội “Sản xuất, tiêu thụ bánh Chưng Vân” (Hoàng Vân-Hiệp Hòa); Chi Hội “Trồng cây ăn quả” (Đông Phú – Lục Nam); Chi Hội “Trồng cây ăn quả” (Liên Sơn-Tân Yên), Chi Hội “Trồng chuối” (Tân Thanh – Lạng Giang)…

Để duy trì nền nếp hoạt động, các chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp đã xây dựng Quy chế hoạt động cụ thể, rõ ràng; nội dung, phương thức hoạt động từng bước được đổi mới, thiết thực, phù hợp với tình hình sản xuất như: trao đổi thông tin về thời tiết nông vụ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giá cả, thị trường, phương tiện sản xuất, các loại cây, con giống, phòng trừ dịch bệnh và chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…Ngoài ra, các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp còn góp vốn, góp quỹ để hỗ trợ các thành viên trong tổ hội, chi hội vay vốn theo hình thức quay vòng vốn nhằm đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và tổ chức tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm.

Ra mắt mô hình Chi Hội Nông dân nghề nghiệp trồng rau tại Trung Sơn (Việt Yên)

Bước đầu các mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã đi vào hoạt động nền nếp, phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập, tạo sự gắn kết giữa các thành viên khi có chung lợi ích, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết sản xuất, bước đầu hình thành cho hội viên nông dân tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị. Mô hình chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp đã tạo nền tảng, tiền đề phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là tổ hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn. Một số chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp tiêu biểu hoạt động hiệu quả đang hướng tới phát triển thành hợp tác xã, tổ hợp tác như: Chi Hội Sản xuất, tiêu thụ bánh Chưng Vân (Hoàng Vân, Hiệp Hòa), Chi Hội Trồng cây ăn quả (Đông Phú, Lục Nam), Tổ Hội Trồng hoa (Hương Sơn, Lạng Giang), Tổ hội Chăn nuôi lợn (Quỳnh Sơn,Yên Dũng)…

Từ thực tiễn khẳng định, mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp là giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đổi mới phương thức đoàn kết, tập hợp, thu hút hội viên vào tổ chức hội theo phương châm hướng về cơ sở. Mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp từng bước khắc phục những nhược điểm, hạn chế, khó khăn trong sinh hoạt chi hội, tổ hội. Các buổi sinh hoạt của chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp đã thu hút sự quan tâm, chú ý của hội viên hơn, từ chỗ sinh hoạt 3 tháng 1 kỳ trước kia còn khó khăn, thì đối với chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp việc sinh hoạt chi, tổ hội đã trở thành thường xuyên hơn (đối với chi hội sinh hoạt 1 – 2 kỳ/quý, tổ hội 1 kỳ/tháng và nhiều hơn khi cần thiết).

Trong những năm tới, các cấp HND tiếp tục nhân rộng mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp và phát triển các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp thành các THT, HTX và chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp kiểu mẫu gắn với thực hiện có hiệu quả Đề án số 02-ĐA/HNDT của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh về xây dựng điểm mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp tại 10 huyện, thành phố giai đoạn 2020-2022, nhằm đổi mới, đa dạng hóa mô hình tổ chức Hội cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả, xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Các cấp HND chủ động tham mưu với các cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; phối hợp với chính quyền các ban, ngành, đoàn thể để khai thác thêm nguồn lực hỗ trợ các chi Hội ND nghề nghiệp, tổ Hội ND nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả. Xây dựng mối quan hệ phối hợp chỉ đạo giữa chi bộ Đảng và ban chấp hành Hội ND cơ sở trong việc định hướng nội dung, hình thức hoạt động của các chi Hội ND nghề nghiệp, tổ Hội ND nghề nghiệp nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương./.

Dương Hồng Chương – Hội Nông dân tỉnh