Hiệu quả từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Lượt xem: 136

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành côngnhững năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” với nhiều cách làm hay, sáng tạo, sát với thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh ở địa phương.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được Ban Dân vận Trung ương phát động từ năm 2009. Thực hiện sự chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương, tỉnh Bắc Giang đã triển khai thực hiện phong trào với những tiêu chí cụ thể về mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, đã tập hợp, vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được gần 5000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực (trong đó có 1471 mô hình, điển hình thuộc lĩnh vực kinh tế; 1.881 mô hình, điển hình thuộc lĩnh vực văn hoá- xã hội; 533 mô hình thuộc lĩnh vực quốc phòng- an ninh; 614 mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị), tạo được sức lan tỏa và hiệu quả tích cực trên các mặt của đời sống xã hội.

Đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Phạm Văn Thịnh,

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy chúc mừng các điển hình “Dân vận khéo” năm 2020.

Các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế đã được các cấp, các ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tích cực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị … thu hút hàng nghìn lao động, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh đang triển khai 71 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích hơn 158 nghìn mét vuông, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng dưa lưới của HTX Đồng Tâm 3 (huyện Yên Thế); mô hình trồng dưa lưới, dưa leo của HTX nông nghiệp công nghệ cao xã Trí Yên (huyện Yên Dũng); mô hình trồng lúa Nhật xuất khẩu ở xã Tân Hưng, Phi Mô, Đào Mỹ, An Hà, Tân Thịnh (huyện Lạng Giang)…Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, vận động gần 50 nghìn hộ dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn với diện tích trên 334 ha; đóng góp hơn 610 nghìn ngày công lao động, phá dỡ trên 214 nghìn mét vuông tường rào để xây dựng công trình công cộng; xây dựng hơn 500 điểm tập kết rác, 122 bãi chôn lấp, lò đốt rác.

Mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hóa – xã hội và bảo vệ môi trường đã huy động, thu hút nhiều thành phần tham gia, tạo hiệu ứng tích cực, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, xây dựng nếp sống văn minh, nhất là đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, tích cực thi đua xây dựng nông thôn trong các tầng lớp nhân dân, tiêu biểu như: mô hình Câu lạc bộ dân ca Sán Dìu (xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn) tham gia phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số; Câu lạc bộ Violong Làng Then (xã Thái Đào, huyện Lạng Giang); Câu lạc bộ dạy chữ Hán – Nôm (xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động); mô hình “Vận động nhân dân bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu “sáng, xanh, sạch, đẹp” của Tổ dân vận thôn Đạo Ngạn 2 (xã Quang Châu, huyện Việt Yên)….Thông qua các mô hình đã tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế, đến nay toàn tỉnh đạt 99,28% dân số và nằm trong tốp dẫn đầu cả nước.

Các mô hình “Dân vận khéo” trên  lĩnh vực quốc phòng, an ninh được cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao ý thức cảnh giác, năng lực tự quản trong cộng đồng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tiêu biểu như: mô hình tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác quốc phòng an ninh của Ban chỉ huy Quân sự (xã Liên Chung, huyện Tân Yên); mô hình Cựu chiến binh lắp camera an ninh của huyện Lạng Giang; mô hình “Đồng bào có đạo không mắc tệ nạn xã hội” ở huyện Yên Dũng…

Các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị đã phát huy tốt hiệu quả gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng Đảng; tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc trong nhân dân… Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tổ chức tốt các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt hương ước, quy ước gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Tiêu biểu như: Huyện uỷ Tân Yên, Yên Thế chỉ đạo xây dựng đảng bộ xã “Dân vận khéo”, cơ quan “Dân vận khéo”; Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh chỉ đạo xây dựng mô hình thực hiện QCDC ở các doanh nghiệp…

Có thể khẳng định, phong trào thi đua “Dân vận khéo” mà trọng tâm là xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh đã thực sự đi vào đời sống xã hội, thu được nhiều kết quả tốt; đây là chủ trương đúng đắn nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác dân vận, đồng thời phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần vượt khó của các tầng lớp nhân dân. Qua đó đã góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Để  tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trong tỉnh tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo“ gắn với thực hiện Nghị quyết số 110-NQ/TU ngày 11/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay và Kết luận số 54-KL/TU ngày 03/3/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 110-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Hai là, tăng cường tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về  công tác dân vận khéo, trong đó tập trung bám sát vào các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nâng cao chất lượng tiêu chí đánh giá, xếp loại Đảng bộ dân vận khéo cấp xã trong toàn tỉnh nhằm xây dựng phong trào thi đua thực sự toàn diện, rộng khắp, thực chất và hiệu quả.

Ba là, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận khéo gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ “về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”. Tập trung vào các mô hình cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân; xây dựng mô hình điểm chính quyền cấp xã thân thiện, mô hình làng quê đáng sống gắn với chuyển đổi số; áp dụng công nghệ số để cải tiến mọi quy trình, thủ tục của các cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp.

Bốn là, phát huy vai trò của hệ thống dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trong công tác dân vận khéo, nâng cao chất lượng xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, phát triển cả bề rộng và chiều sâu, gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh và các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Làm tốt công tác dân vận khéo trong việc nắm tình hình nhân dân nhất là tình hình nhân dân trước, trong và sau bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kịp thời tham mưu, giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Năm là, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; định kỳ sơ kết, tổng kết và kịp thời biểu dương, khen thưởng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Việc khen thưởng các điển hình tập thể, cá nhân dân vận khéo tiêu biểu cần làm trang trọng, mức khen tương xứng, tạo động lực thúc đẩy phong trào; làm cho danh hiệu điển hình dân vận khéo thật sự được trân trọng./.

Thân Văn Nghiệp – Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy