Lịch sử hình thành và phát triển

Cách đây 80 năm, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930 đã quyết định thành lập Tổng Nông hội Đông Dương. Đây là tổ chức Hội đầu tiên của giai cấp nông dân do Đảng ta sáng lập và lãnh đạo, là tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay. Sự kiện này đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam và cùng với quá trình phát triển của cách mạng, Hội đã nhiều lần đổi tên để phù hợp với nhiệm vụ của mỗi thời kỳ; từ Tổng Nông hội Đông Dương đến Hội Nông dân Việt Nam ngày nay đã lớn mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, góp phần xứng đáng vào công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Trong cuộc đấu tranh cách mạng giành chính quyền giai đoạn 1930-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân đã cùng với giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết đấu tranh, chớp thời cơ đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lật đổ chế độ thực dân phong kiến, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà, Nhà nước Công – nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám (1945) là một minh chứng cho tinh thần, khả năng và vai trò cách mạng to lớn của nông dân đối với sự nghiệp vĩ đại của dân tộc; đồng thời là một thắng lợi của sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với giai cấp nông dân, thể hiện sự gắn bó sống còn giữa Đảng với nông dân, nông dân với Đảng.

Sau hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam – Bắc, với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả cho giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”, nông dân cả nước đã hăng hái tham gia “phong trào thi đua ái quốc sản xuất lập công” do Đảng và Chính phủ phát động, quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của địch, huy động sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam. Với tinh thần đó, hàng vạn nông dân đã tham gia quân đội, thanh niên xung phong và phục vụ chiến đấu. Hội Nông dân trong các vùng địch tạm chiến đã tiến hành nhiều hình thức đấu tranh như bám ruộng đất, làng xóm để sản xuất; lên án hành động bắn phá, phá hoại hoa màu của địch; tranh thủ sản xuất, thu hoạch và cất dấu lương thực phục vụ kháng chiến…Giai cấp nông dân đã đóng góp to lớn sức người, sức của cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân viết nên trang sử chói ngời bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ cả nước độc lập, thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, dù phải thường xuyên đối phó với thiên tai, dịch bệnh và chịu tác động của tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu nhưng nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta vẫn đạt được những thành tựu to lớn và khá toàn diện. Nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng mở rộng dịch vụ và ngành nghề. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được tăng cường; bộ mặt nhiều vùng nông thôn đổi mới. Xoá đói, giảm nghèo đạt được những kết qủa to lớn. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường. Dân chủ ở cơ sở được phát huy. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…Vị thế chính trị của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao. Người nông dân có nhiều điều kiện, cơ hội làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước. Hội thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp đông đảo nông dân vào tổ chức Hội; tư vấn, hỗ trợ nông dân, xây dựng mô hình sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Nhiều phong trào do Hội Nông dân phát động, tổ chức đạt hiệu quả thiết thực, tiêu biểu là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Từ phong trào này, đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo; có nhiều nông dân vượt khó, say mê tìm tòi những thành công trong chế tạo máy nông cụ sản xuất và sáng tạo trong chăm sóc cải tạo cây trồng.…từng bước xây dựng một nền nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và các chỉ tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội Nông dân Việt Nam. Cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong nông dân đã và đang đi vào cuộc sống, mang lại hiệu qủa bước đầu thiết thực.

Ở tỉnh ta, sau khi chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ra đời (tháng 7 năm 1929), đặc biệt dưới ánh sáng Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5 năm 1941), nhiều đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh đã ra đời ở nhiều vùng nông thôn, trong đó có tổ chức Hội Nông dân cứu quốc. Đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển của phong trào nông dân và tổ chức Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang. Nông dân Bắc Giang dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là tỉnh uỷ Bắc Giang đã có sự trưởng thành, từ Hội Nông dân cứu quốc phát triển thành Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang ngày nay, đã tập hợp đông đảo nông dân tham gia tổ chức Hội và cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh đóng góp một phần không nhỏ sức người, sức của cùng với cả dân tộc làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước.

Bước vào thời kỷ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Bắc Giang, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chủ động đổi mới nội dung, phương thức lãnh, chỉ đạo tổ chức, vận động hội viên, nông dân tích cực thi đua, đẩy mạnh các phong trào nông dân, thực hiện thắng lợi các nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh mà trọng tâm là xây dựng Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phát động các phong trào thi đua yêu nước, hăng hái lao động sản xuất, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Kết quả, tính đến nay toàn tỉnh đã kết nạp trên 236 nghìn hội viên; Quỹ hoạt động Hội vận động đạt trên 12 tỷ 878 triệu. Nguồn quỹ hỗ trợ nông dân vận động đạt trên 5 tỷ 622 triệu đồng đã phát huy hiệu quả, giúp trên 1000 hộ nông dân nghèo có vốn phát triển sản xuất. Ngoài ra, hàng năm các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngành chức năng giới thiệu hàng nghìn lao động có việc làm trong nước và hàng trăm lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; phối hợp dạy nghề ngắn hạn cho trên 5 nghìn lượt hội viên, nông dân. Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tiếp tục có những bước phát triển mới về lượng và chất, hàng năm có khoảng hơn một trăm nghìn hộ đăng ký đạt danh hiệu SXKD giỏi 4 cấp; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình điểm cho giá trị kinh tế cao. Tích cực hướng dẫn, vận động nông dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lạm phát và suy thoái kinh tế…Những kết quả trên phản ánh rõ vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội trong các phong trào nông dân, đặc biệt là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, nông dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội địa phương, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn; khối đại đoàn kết toàn dân được gắn bó chặt chẽ hơn, vị thế vai trò của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị ở nông thôn không ngừng được nâng cao. Các cấp hội tham gia thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang lần thứ VII và góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2010-2020, phát huy truyền thống 80 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, trong thời gian tới các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần tập trung làm tốt những việc sau:

Một là: Tích cực đẩy mạnh, đổi mới hơn nữa nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; trong đó tập trung tuyên truyền Nghị quyết số 26 – NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với học tập chuyên đề “Tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh, là đạo đức là văn minh” trong cán bộ, hội viên, nông dân. Tuyên truyền, biểu dương những gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Hai là: Các cấp Hội chủ động nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân, những đòi hỏi bức xúc của cơ sở để phản ảnh với Đảng, Nhà nước và Hội cấp trên. Đồng thời, hướng mạnh các hoạt động của Hội về cơ sở, đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân, bảo đảm thực sự quyền làm chủ của nông dân.

Ba là: Phát động phong trào thi đua lập thành tích thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh năm 2010. Phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mục tiêu, chương trình và kế hoạch của hội trong năm 2010.

Bốn là: Chú trọng công tác xây dựng, củng cố chi, tổ hội yếu kém, phát triển hội viên đi đôi với nâng cao chất lượng hội viên.

Năm là: Các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân: giới thiệu việc làm, cung ứng hàng tiêu dùng và phân bón theo phương thức trả chậm và triển khai đề án dạy nghề cho lao động nông thôn.

Sáu là: Tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát huy sáng kiến trong lao động sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đời sống vật chất, tinh thần của hội viên nông dân….

80 năm đồng hành cùng đất nước, với truyền thống vẻ vang, lòng yêu nước nồng nàn và tuyệt đối trung thành với Đảng; với trí thông minh và sáng tạo, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong lao động sản xuất của giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam nói chung và Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang nói riêng được tôi luyện và không ngừng lớn mạnh. Ở bất kỳ giai đoạn nào, thời điểm lịch sử nào, Hội Nông dân cũng là tổ chức đại diện, hạt nhân chính trị thể hiện vai trò nông dân để làm thắng lợi huy hoàng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và nâng cao vai trò đại diện của giai cấp nông dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.