Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang: Những kinh nghiệm hay, việc làm mới năm 2010
16/12/2010 02:53
1. Xây dựng các đề tài khoa học trình Hội đồng khoa học của tỉnh xét duyệt và tổ chức thực hiện để hội viên nông dân tham quan học tập
Hội đồng Khoa học & Công nghệ Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã hướng dẫn cho Văn phòng, các Ban, Trung tâm và Hội Nông dân các huyện thành phố tổ chức đăng ký thực hiện các đề tài khoa học năm 2010.
Đầu năm, Hội đồng khoa học cơ quan đã xét duyệt lựa chọn 6 nhiệm vụ khoa học trình Hội đồng khoa học cấp tỉnh. Kết quả được Hội đồng Khoa học & Công nghệ tỉnh duyệt 4 nhiệm vụ khoa học giao cho Hội đồng khoa học Hội Nông dân tỉnh thực hiện, trong đó 1 nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, 3 nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở, tổng số tiền là: 295,830 triệu đồng:
Một đề tài khoa học cấp tỉnh: “Đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp thúc đẩy nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” trị giá 205,830 triệu đồng thực hiện trong 2 năm 2010 – 2011. Ba đề tài cơ sở, xây dựng mô hình “Sử dụng máy chế biến thức ăn chăn nuôi hộ gia đình trong các trang trại chăn nuôi” (Ban Kinh tế – xã hội); “Đánh giá tác động của các sản phẩm truyền thông đại chúng đến nhận thức, hành vi của người nông dân về vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn tại tỉnh Bắc Giang”(Ban Tuyên huấn); “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hoá cho nông dân”(Văn Phòng).
Ngày 09-10/12/2010 Hội đồng khoa học cơ quan đã tiến hành nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở đều đạt loại khá trở lên.
Hội đồng khoa học và Công nghệ của tỉnh đánh giá cao vai trò của Hội đồng khoa học của Hội Nông dân tỉnh và duyệt cho Hội Nông dân tỉnh 3 nhiệm vụ khoa học năm 2011 với số tiền là 150 triệu đồng, cụ thể: “Trồng chuối tiêu hồng bằng cây giống nuôi cấy mô” tại huyện Lạng Giang; mô hình “Trồng, nhân giống cây ba kích tía dưới tán vải thiều” tại huyện Sơn Động; đề tài: “Hỗ trợ hoàn thiện máy tuốt lạc quy mô hộ gia đình” tại huyện Tân Yên.
Tại hội nghị tổng kết của Trung ương hội ngày 04/12/2010 Hội Nông dân tỉnh đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Bằng khen.
2. Đổi mới công tác văn thư lưu trữ
Thường trực Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ ra mắt trang thông tin điện tử của Hội Nông dân tỉnh với tên miền hoinongdanbacgiang.org.vn từ tháng 5 năm 2010. Sau khi trang thông tin điện tử đi vào hoạt động, Tỉnh hội đã xây dựng hộp thư điện tử cho các đồng chí Thường trực, trưởng, phó các phòng ban, cán bộ và Hội Nông dân các huyện, thành phố; hướng dẫn thực hành thành thạo trên máy về việc gửi, nhận và lưu trữ văn bản trên máy. Xây dựng quy định chế độ nộp các loại văn bản qua Hộp thư điện tử của ngành.
Xây dựng phần mềm “quản lý văn bản và điều hành công việc qua mạng”. Việc xây dựng phần mềm này nhằm tạo ra một kho văn bản số phục vụ cho công tác văn thư lưu trữ đồng thời nhằm giảm tải việc sử dụng văn bản giấy trong công tác điều hành công việc (Trang bị máy tính xách tay và nối mạng không dây cho đ/c Chủ tịch, Chánh Văn phòng để tiện lợi cho quản lý và điều hành công việc chung của cơ quan từ xa).
Đến nay 100% các đ/c lãnh đạo, cán bộ Tỉnh hội, Hội Nông dân các huyện, thành phố sử dụng thành thạo việc gửi, nhận và lưu trữ các loại văn bản qua hộp thư điển tử của ngành. Kết quả mỗi năm Tỉnh hội đã tiết kiệm được 25.000.000đ- 30.000.000đ; mỗi huyện, thành hội tiết kiệm được 3.000.000đ – 5.000.000đ/ năm.
3. Đổi mới công tác dạy nghề ngắn hạn cho nông dân thông qua Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật nhà nông
Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề, dịch vụ và hỗ trợ nông dân Hội Nông dân tỉnh (Trung tâm Dạy nghề) xây dựng kế hoạch đổi mới công tác dạy nghề cho nông dân thông qua CLB Khoa học kỹ thuật nhà nông xã Song Mai, TP Bắc Giang là đơn vị triển khai thực hiện với 25 học viên có cùng sở thích trồng hoa chất lượng cao tham gia mô hình. Qua đây các học viên không chỉ hoàn thành tốt chương trình dạy nghề ngắn hạn theo quy định của Tổng cục dạy nghề Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, còn tham gia các hoạt động lồng ghép của CLB tổ chức như toạ đàm, thăm quan thực tế, sinh hoạt văn nghệ…tạo không khí vui tươi, thoải mái góp phần nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề và thu hút nhiều hội viên nông dân tham gia.
4. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Ban kiểm tra, công tác kiểm tra Hội Nông dân các cấp năm 2010
Năm 2010 Tỉnh hội tổ chức kiểm tra chéo công tác Hội và phong trào nông dân các huyện, thành hội; thành lập 4 đoàn kiểm tra trong đó có các đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân các huyện, thành phố cùng tham gia đoàn kiểm tra; đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân các huyện có phong trào mạnh đi kiểm tra các huyện có phong trào yếu và ngược lại, nhằm giúp các huyện có cơ hội học hỏi các kinh nghiệm hay trong chỉ đạo công tác Hội và phong trào nông dân về áp dụng tại địa phương mình. Đồng thời là cơ sở để Ban Thường vụ Tỉnh hội làm căn cứ xếp loại thi đua cuối năm.
5. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý hội viên
Tại 2 cơ sở hội của huyện Yên Dũng, Tỉnh hội đã tiến hành xây dựng các mẫu biểu khảo sát, đánh giá thực trạng công tác quản lý hội viên. Qua đó, giúp các cơ sở hội nắm bắt được sự biến động của hội viên, cập nhật sổ sách đầy đủ theo quy định, duy trì chế độ sinh hoạt BTV, BCH cơ sở đến chi hội, sinh hoạt chi, tổ hội định kỳ 1 tháng 1 lần, cấp phát thẻ kịp thời. Từ kết quả trên, chỉ đạo Hội Nông dân Yên Dũng nhân rộng việc đổi mới nâng cao chất lượng công tác quản lý hội viên tới các cơ sở Hội trong huyện.
Văn Phòng Hội Nông dân tỉnh