Giải pháp nhân rộng, phát triển bền vững mô hình trang trại có hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh.

Lượt xem: 133

Kinh tế trang trại là một trong các hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến trong nông nghiệp. Phát triển kinh tế trang trại là bước tiến quan trọng của nền kinh tế hộ trong quá trình chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cấp, tự túc sang nền kinh tế thị trường. Tại Bắc Giang, kinh tế trang trại phát triển đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng vải thiều Lục Ngạn, vùng chăn nuôi gà đồi Yên Thế, một số vùng nuôi thuỷ sản tập trung tại Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng, vv… Năm 2010, tổng giá trị hàng hoá các trang trại tạo ra đạt 350 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với năm 2005, giải quyết việc làm thường xuyên và thời vụ cho hơn 30 nghìn lao động với mức thu nhập 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều mô hình có doanh thu 1-2 tỷ đồng/năm, trở thành điểm sáng thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương.

Trong những năm qua đã có nhiều chính sách của Trung ương và địa phương hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại còn gặp phải nhiều khó khăn như đất đai, nguồn vốn, khoa học công nghệ, thông tin thị trường và tiêu thụ nông sản. Sau đây là một số giải pháp chủ yếu để thúc đẩy nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại có hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh:

Một là, các địa phương cần có quy hoạch phát triển kinh tế trang trại để tránh tình trạng phát triển tự phát như giai đoạn hiện nay. Từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch ngành các huyện cần tiếp tục triển khai quy hoạch phát triển trang trại cùng với Quy hoạch xây dựng nông thôn mới để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch trang trại cần tập trung vào các nội dung chủ yếu như: Quy hoạch sử dụng đất đai của địa phương theo phương thức trang trại; Quy hoạch sản xuất nông – lâm nghiệp và chế biến – tiêu thụ nông sản; Quy hoạch về bảo vệ môi trường; Quy hạch xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất cho các trang trại.

Hai là, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho các trang trại trong việc tiêu thụ nông sản hàng hoá. Thực tế hiện nay, việc tiêu thụ nông sản cho các trang trại trên địa bàn là một vấn đề cần thiết và cấp bách, đây là một “nút thắt” trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá hiện nay của nhiều địa phương. Vì hầu hết các sản phẩm mà trang trại sản xuất ra chủ yếu bán dưới dạng thô, bị thương lái ép giá… Do đó, các giải pháp phát triển kinh tế trang trại tỉnh Bắc Giang nên ưu tiên giải quyết đầu ra cho các sản phẩm của trang trại. Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sau thu hoạch để nâng cao chất lượng nông sản hàng hoá. Tuyên truyền, vận động, tư vấn cho các chủ trang trại tham gia xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu để giúp việc tiêu thụ nông sản hàng hoá được tốt hơn. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các chủ trang trại ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất và trao đổi thông tin, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản.

Cần nghiên cứu đổi mới và tổ chức lại các hợp tác xã nông nghiệp ở các địa phương, trước hết là các hợp tác xã của các trang trại, vì nhu cầu hợp tác của các trang trại là rất cao. Các chủ trang trại cần tăng cường hợp tác với nhau và với các thành phần kinh tế khác của địa phương. Thiết lập đựơc mối quan hệ này chặt chẽ các trang trại sẽ nắm được nguồn cung ứng đầu vào tốt hơn, tiêu thụ nông sản sẽ được đảm bảo hơn. Đẩy mạnh liên kết 4 nhà trong đó trọng tâm là mối liên kết giữa trang trại với doanh nghiệp.

Ba là, giải pháp về vốn sản xuất kinh doanh cho các trang trại. Trong các nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội nông thôn nói chung, kinh tế trang trại nói riêng, vốn là nguồn lực quan trọng. Việc hình thành và phát triển kinh tế trang trại đòi hỏi vốn lớn hơn so với kinh tế hộ vì quy mô sản xuất lớn hơn. Do đó cần có sự hỗ trợ nguồn vốn ngân sách cho việc phát triển kinh tế trang trại.

Vốn ngân sách hỗ trợ trang trại tập trung vào xây dựng các công trình hạ tầng như thuỷ lợi, giao thông, điện….Các công trình được đầu tư xây dựng ở bên ngoài trang trại nhưng là cơ sở quan trọng cho việc hình thành và phát triển kinh tế trang trại.

Cần đổi mới mạnh mẽ phương thức cho vay, thu nợ phù hợp với đặc điểm của từng loại hình kinh tế trang trại. Đổi mới thủ tục cho vay, thu lãi sao cho đơn giản, thuận tiện hơn, có cơ chế cho vay, thu lãi theo thời vụ của cây trồng, vật nuôi.

Xây dựng mô hình quan hệ tay ba giữa chủ trang trại, công ty chế biến và ngân hàng thương mại. Đây là hình thức cung cấp giống, phân bón phục vụ sản xuất gắn với cho vay vốn sản xuất dựa trên cơ sở xác lập mối quan hệ kinh tế giữa ba đối tác có tính chất pháp lý.

Bốn là, để phát triển bền vững của các trang trại cần có sự điều chỉnh đất đai trong các trang trại theo hướng tăng quy mô bằng cách tiếp tục khuyến khích dồn điền, đổi thửa để tích tụ ruộng đất. Khuyến khích các hộ có điều kiện đầu tư thuê đất nhất là đất trồng cây hàng năm và diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản để đầu tư sản xuất hàng hoá. Đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại đủ điều kiện để các trang trại yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của trang trại sẽ được thuận lợi hơn.

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất trong các trang trại. Tăng cường nguồn lực, ngoài nguồn ngân sách Nhà nước có thể hình thành quỹ chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ có sự tham gia của các chủ trang trại. Xây dựng cơ chế khuyến khích các trang trại tiên phong ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Tổ chức tốt màng lưới khuyến nông, lâm, ngư trong đó cần đảm bảo cho các cán bộ khuyến nông bám sát cơ sở, có chế độ trách nhiệm và lợi ích vật chất cho các cán bộ khuyến nông trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ đến các trang trại. Nghiên cứu các hình thức liên kết khoa học giữa trang trại với các tổ chức nghiên cứu và chuyển giao KHCN

Sáu là, cần có chính sách về bảo hiểm cho hoạt động kinh doanh của trang trại. Sản xuất nông nghiệp có tính rủi ro cao do những tác động của các yếu tố thời tiết, khí hậu. Sản xuất kinh doanh của các trang trại là sản xuất hàng hóa nên còn chịu sự rủi ro của kinh tế thị trường. Để khuyến khích các hộ đầu tư xây dựng trang trại cần có giải pháp để giảm thiểu rủi ro cho họ, trong đó bảo hiểm nông nghiệp là một giải pháp quan trọng. Để thực hiện tốt bảo hiểm nông nghiệp, một mặt thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo hiểm nông nghiệp, mặt khác do lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp hiện nay khá mới mẻ đối với cả nông dân và các tổ chức bảo hiểm nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các tổ chức thực hiện bảo hiểm nông nghiệp. Về đối tượng bảo hiểm, trước mắt thực hiện bảo hiểm cho một số loại cây trồng, vật nuôi có tính hàng hoá cao của tỉnh như chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà, nuôi cá thâm canh và cho sản xuất vải VietGap.

Bảy là, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế trang trại. Cần thực hiện tốt quy hoạch phát triển trang trại gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và quản lý tốt việc thực hiện quy hoạch để tránh tình trạng phát triển trang trại tự phát. Tăng cường công tác chỉ đạo việc triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại hiện có của các ngành và các địa phương để tạo điều kiện tốt nhất cho kinh tế trang trại phát triển.

Th.s Nguyễn Văn Thi

Phó Chủ tịch HND tỉnh, Chủ nhiệm đề tài