Trên diễn đàn quốc hội, Chủ tịch Hội Nông dân VN Nguyễn Quốc Cường: Đầu tư nông nghiệp giảm đáng lo
28/10/2011 04:12
Chủ tịch Hội Nông dân VN Nguyễn Quốc Cường phát biểu tại hội trường sáng 27.10.
Những năm qua, Chính phủ đã tích cực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong 3 năm gần đây, Chính phủ chi đến 52% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách và trái phiếu Chính phủ cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư xã hội cho nông nghiệp, nông thôn không những không tăng lên mà lại có chiều hướng giảm một cách đáng lo ngại.
Cách đây 10 năm, tỷ lệ đầu tư xã hội cho nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 13,85% nhưng đến năm 2008 tụt xuống còn 6,45%, năm ngoái và năm nay chỉ còn khoảng hơn 6%. Trong khi ngành nông nghiệp đóng góp cho GDP tuy khiêm tốn khoảng 20% nhưng đầu tư xã hội cho lĩnh vực này chỉ có hơn 6% là điều bất hợp lý. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì Chính phủ có tăng tỷ lệ đầu tư cho lĩnh vực này lên đến 60 – 70% trong tổng vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách vẫn không đáp ứng được.
Vấn đề đặt ra là tăng nguồn đầu tư xã hội cho nông nghiệp, nông thôn. Công cụ và phương tiện hữu hiệu nhất có lẽ vẫn là cơ chế chính sách và việc quản lý điều hành của Nhà nước. Cơ chế chính sách phải tạo ra được sự hấp dẫn thực sự đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
Các cơ quan hoạch định chính sách cần bổ sung chỉnh sửa các luật đầu tư, các chính sách đầu tư và tăng ưu đãi đầu tư về nông nghiệp, nông thôn.
Thứ hai, cần phải xem xét chỉnh sửa ngay kịp thời những chính sách đã có liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chẳng hạn, Nghị định 61 quy định một số vấn đề ưu đãi như miễn, giảm về tiền sử dụng đất, về thuê đất, hỗ trợ về tư vấn, hỗ trợ về đào tạo nhân lực, hỗ trợ về ứng dụng khoa học công nghệ, ứng trước vốn để hỗ trợ về vận tải… Nhưng những ưu đãi này quá nhỏ bé so với những khó khăn rất lớn mà các doanh nghiệp vấp phải khi đầu tư về nông thôn như hạ tầng thấp kém, giao thông khó khăn, điện thiếu và rủi ro cao.
Cần phải đổi mới cải tiến công tác quản lý đầu tư về nông nghiệp, nông thôn theo hướng phân định rõ phạm vi trách nhiệm trong vấn đề đầu tư. Những việc Nhà nước có ưu thế thì Nhà nước thực hiện, không khuyến khích các thành phần khác tham gia. Còn những lĩnh vực có thể huy động xã hội thì dùng cơ chế chính sách, đặc biệt là ưu đãi để khuyến khích…
Thứ ba, cần công bố rõ ràng những việc Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp, tỷ lệ hỗ trợ là bao nhiêu. Kết hợp mạnh mẽ giữa đầu tư của Nhà nước với công tác vận động, kêu gọi đầu tư để nâng tổng mức đầu tư xã hội vào lĩnh vực này cao ít nhất gấp 2 lần hiện nay mới đủ sức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Theo danviet