Nâng cao vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Lượt xem: 100

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 61 cho biết: Thực hiện Kết luận số 61 ngày 03/12/2009 và Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020 (gọi tắt là Quyết định 673), Hội Nông dân Việt Nam đã tập trung kiện toàn hệ thống Quỹ Hỗ trợ nông dân ở 3 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện. Trong 5 năm, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã giúp trên 380 nghìn hộ nông dân tham gia các nhóm hộ trong các mô hình sản xuất, kinh doanh với số vốn quay vòng trên 5 nghìn tỷ đồng. Nhiều hộ nông dân được hỗ trợ vốn đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá, giàu, nhiều hộ trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang.

Bên cạnh đó, các cấp Hội đã phối hợp và trực tiếp tổ chức dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên cho trên 1,6 triệu lượt nông dân (đạt 168% mục tiêu Đề án). Tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ đạt trên 80%. Thông qua phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, nông dân cả nước đã hiến gần 24 triệu m2 đất, góp trên 2 nghìn tỷ đồng, trên 29 triệu ngày công để làm mới và sửa chữa đường giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng.

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao kết quả đã đạt được trong 5 năm thực hiện Đề án 61, đồng thời chia sẻ một số kinh nghiệm thực hiện tại địa phương. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại như công tác tuyên truyền về Đề án 61 và Quyết định 673 ở một số địa phương chưa sâu rộng; còn một số nội dung trong Đề án 61 triển khai chậm như: Đề án xây dựng “Mẫu người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”, Đề án “Nâng cao năng lực truyền thông của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”; không ít địa phương còn gặp khó khăn trong việc phối hợp giữa Hội Nông dân với các sở, ngành…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định sau 5 năm thực hiện, Đề án 61 đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế – xã hội nói chung và vùng nông thôn nói riêng, qua đó khẳng định vị trí trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị trong thời gian tới, Hội Nông dân các cấp và các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong môi trường cạnh tranh ngày càng lớn; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 61 và Quyết định số 673 tại các địa phương nhằm tạo nguồn lực và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cấp Hội; chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp hội, các Bộ, ban, ngành phối hợp đào tạo, giáo dục để xây dựng người nông dân kiểu mẫu có trình độ, áp dụng các mô hình sản xuất theo công nghệ hiện đại; vận động nông dân chủ động tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ theo chuỗi liên kết để nâng cao giá trị sản xuất; khuyến khích nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nông thôn mới.

Kết luận hội nghị, đồng chí Hà Thị Khiết – Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị Hội Nông dân các cấp tăng cường tính năng động, sáng tạo, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện Đề án; lãnh đạo các địa phương cũng cần tăng cường quan tâm hơn đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn để Kết luận số 61 đi vào cuộc sống ngày càng hiệu quả./.

Trâm Anh