Mục tiêu và giải pháp của Nghị quyết số 33-NQ/HNDTW, ngày 27/7/2017 của Ban Thường vụ Hội Nông dân Việt Nam về tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ HNDVN giai đoạn 2017-2022.

Lượt xem: 421

* Mục tiêu

– Mục tiêu chung:

Bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác Hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; thực hiện tốt ba nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong thời gian tới là: Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, dịch vụ, tư vấn, dạy nghề cho nông dân và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị bền vững; xây dựng Hội xứng đáng với vai trò là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.

– Chỉ tiêu cụ thể:

Phấn đấu đến năm 2022:

+ Trên 85% cán bộ, công chức, viên chức Hội Nông dân ở Trung ương và cấp tỉnh được bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ theo các chương trình quy định cho từng chức danh.

+ Trên 80% cán bộ, công chức Hội Nông dân cấp huyện được bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ công tác Hội Nông dân theo chương trình quy định cho từng loại đối tượng.

+ Trên 85% cán bộ là Chủ tịch, phó Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã và đối tượng nguồn quy hoạch chức danh Chủ tịch, phó Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã được đào tạo trình độ trung cấp trở lên; trên 85% cán bộ là Chủ tịch, phó Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã (trong đó số cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào có đạo chiếm trên 70%) được bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ công tác Hội Nông dân.

+ Trên 90% cán bộ chi Hội, tổ Hội Nông dân được bồi dưỡng, tập huấn theo chuyên đề, trong đó có 50% được bồi dưỡng, tập huấn, cấp chứng nhận về kiến thức, kỹ năng, phương pháp công tác Hội Nông dân theo quy định.

* Một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

– Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy cùng cấp lãnh chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ của Hội, trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng tiêu chuẩn cán bộ, quy hoạch cán bộ gắn với đào tạo, bồi dưỡng Hội. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp đối với công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ.

Các cấp Hội từ Trung ương đến cấp huyện có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức cấp ủy Đảng địa phương và hệ thống Trường chính trị cấp tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong việc quy hoạch, tuyển chọn và tổ chức bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Hội. Thực hiện nghiêm túc việc rà soát, cử cán bộ đi học đúng đối tượng.

– Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Hội.

Bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Hội phải đổi mới một cách toàn diện, lấy người học làm trung tâm để xây dựng nội dung, chương trình, đồng thời áp dụng các phương pháp giảng dạy mới nhằm trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cơ bản, cần thiết, đáp ứng yêu cầu công tác Hội trong giai đoạn hiện nay.

Đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng, đào tạo theo hướng bảo đảm quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; bám sát nhiệm vụ của Hội, nhiệm vụ chính trị và thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, nhằm bồi dưỡng, đào tạo nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Hội các cấp.

Tổ chức loại hình bồi dưỡng, đào tạo Trung cấp vừa làm vừa học (tại chức) theo tỉnh, cụm tỉnh hoặc theo khu vực ở địa phương, nhằm giảm bớt khó khăn cho cán bộ Hội được cử đi học và để đảm bảo mọi hoạt động của Hội không bị gián đoạn.

Chú trọng loại hình đào tạo tập trung để cấp bằng trung cấp nông vận, tiến tới nâng cấp đào tạo để cấp bằng cử nhân chuyên ngành nông vận vào những năm tới khi Trường Cán bộ Hội đủ điều kiện.

Đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, để nâng cao vai trò chủ động, sáng tạo của người học, phát huy tính tích cực của học viên trong quá trình đào tạo, thay thế phương pháp giảng dạy truyền thống bằng cách phối hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành và thông qua thực tiễn hoạt động Hội và phong trào nông dân.

– Đổi mới công tác quản lý bồi dưỡng, đào tạo cán bộ; xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đạt chuẩn theo quy định…

– Tăng cường đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ…

– Đẩy mạnh phối hợp, liên kết trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội

Các cấp Hội tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các cơ sở đào tạo nhằm tranh thủ sự hợp tác, liên kết trong công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Hội và đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp với người dạy và người học.