Xây dựng đội ngũ nông dân mới nắm chắc khoa học công nghệ, kinh tế số
14/12/2020 01:53
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, sau 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của HND Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020” (viết tắt là Kết luận số 61); Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc HND Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020 (viết tắt là Quyết định số 673), cả nước đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Hằng năm, toàn quốc có hơn 6,5 triệu hộ đăng ký thì có 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đạt hơn 138% so với mục tiêu Đề án.
Các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đã giúp hơn 220 nghìn hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm; tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động, giúp hơn 1 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất; hơn 100 nghìn hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân vùng nông thôn từ mức 9,15 triệu đồng/người/năm (năm 2008) lên 35,88 triệu đồng/người/năm (năm 2018), tăng gấp 3,9 lần. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm bình quân khoảng 1,5%/ năm, đến năm 2020 giảm còn dưới 3%.
Thực hiện Kết luận số 61 và Quyết định số 673, các bộ, ngành T.Ư và cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để HND các cấp thực hiện các chương trình, đề án phát triển KT-XH và xây dựng NTM. Qua đó tạo điều kiện để các cấp hội tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang.
Tại hội nghị các đại biểu đã thảo luận làm rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các văn bản trên. Đó là một số cấp ủy, chính quyền và các sở, ngành, cơ quan chuyên môn chưa nhận thức rõ về nội dung của Kết luận số 61 và Quyết định số 673, nhất là ở cấp huyện và cấp cơ sở. Một số địa phương chưa quan tâm bố trí ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân, bố trí biên chế sự nghiệp và tạo điều kiện cho Trung tâm Hỗ trợ nông dân hoạt động…
Các ý kiến cũng đề nghị các bộ, ngành cần phối hợp với HND bổ sung ngân sách hằng năm cho Quỹ Hỗ trợ nông dân, ưu tiên cho hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ đào tạo nghề và việc làm cho nông dân; đưa các loại giống mới, mô hình sản xuất hiệu quả vào sản xuất; giúp hội viên, nông dân phát triển các mô hình liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần xây dựng NTM.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Kết luận số 61 và quyết định số 673 đã đi nhanh vào cuộc sống, mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho nông dân; nâng cao vị thế, vai trò của HND Việt Nam, giúp Hội thực sự là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng NTM.
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao Ban chỉ đạo Đề án 61 và HND các cấp đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong thực hiện hiệu quả các nội dung của Kết luận số 61 và Quyết định số 673. Đồng thời đề nghị các cấp Hội tiếp tục xây dựng lớp nông dân mới có trình độ, nắm chắc khoa học công nghệ, kinh tế số; có tư duy, cách làm mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, hỗ trợ dạy nghề cho nông dân; tích cực tham gia tái cơ cấu nông nghiệp, hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; chủ động tham gia việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản; tổ chức đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nông thôn; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Các cấp hội chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao đời sống cho người dân vùng nông thôn. Xây dựng người nông dân Việt Nam trong thời đại mới mạnh về kinh tế, mạnh về chính trị, văn hóa, xã hội, thực sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Thu Hồng phát biểu sau khi hội nghị trực tuyến kết thúc.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, đồng chí Lê Thị Thu Hồng nhấn mạnh: Bắc Giang là 1 trong 5 tỉnh không thành lập Ban chỉ đạo Đề án 61 song những nội dung trong Kết luận số 61 đã được tỉnh triển khai vận dụng vào các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và đạt được nhiều hiệu quả tích cực.
Bên cạnh đó, đồng chí Lê Thị Thu Hồng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Kết luận số 61 và Quyết định số 673. Đồng chí đề nghị các huyện, thành ủy quan tâm tạo điều kiện cho HND tham gia triển khai các hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp. Đề nghị Liên minh Hợp tác xã phối hợp chặt chẽ với HND trong xây dựng các mô hình điểm trong sản xuất kinh doanh gắn với sản phẩm OCOP.
HND tỉnh cần phát huy hiệu quả Quỹ hỗ trợ nông dân, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm dạy nghề nông dân; tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội. HND tỉnh tích cực phối hợp với các ngành, ngân hàng để thực hiện hiệu quả Kết luận 61 và Quyết định 673; xây dựng hình ảnh người nông dân mới của Bắc Giang trong giai đoạn hiện nay.
Nguồn: baobacgiang.com.vn