Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Nhà lãnh đạo gần gũi và bình dị

Lượt xem: 144

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, tháng 2/2000. Ảnh tư liệu của Việt Hưng.

Trên cương vị Tổng Bí thư, trong thời gian hơn 3 năm, đồng chí Lê Khả Phiêu 2 lần về thăm, làm việc với tỉnh Bắc Giang vào dịp Tết Nguyên đán năm 1998 và 2000. Nhớ về Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó Tổng thanh tra Nhà nước, nguyên Tổng kiểm toán Nhà nước Đỗ Bình Dương – người trực tiếp làm việc, tháp tùng đồng chí Lê Khả Phiêu trong hai lần về làm việc với tỉnh Bắc Giang chia sẻ: “Tôi cảm nhận Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rất gần gũi, bình dị”.

Điển hình như lần về thăm huyện Yên Thế, chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), Bổ Đà (Việt Yên) hay hội làng Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh (Việt Yên), đồng chí đều chủ động thăm hỏi, trò chuyện với nhân dân. Trong mỗi câu chuyện, việc mà vị lãnh tụ quan tâm nhất là đời sống, tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân. Trong lần về thăm, làm việc tại huyện Yên Thế, khi nghe lãnh đạo huyện báo cáo tình hình phát triển KT-XH, thỉnh thoảng đồng chí đặt câu hỏi: “Lương thực bình quân trên người khá không? Các hộ đồng bào dân tộc sống thế nào? Có còn hộ đói không?…”.

Sau khi thăm gia đình anh Lê Văn Hòa ở xã Phồn Xương (nay là thị trấn Phồn Xương, Yên Thế), Nguyên Tổng Bí thư căn dặn: “Kinh tế gia đình anh khá là mừng song làm cán bộ tổ chức (lúc đó anh Hòa là cán bộ Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Thế – PV), anh phải biết động viên, giúp đỡ mọi người trong thôn cũng làm được như mình mới tốt”. Được biết, khi ấy, gia đình anh Hòa là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi điển hình của huyện với thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm từ kinh tế vườn đồi.

Đồng chí Đỗ Bình Dương chia sẻ thêm: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu am hiểu nhiều lĩnh vực. Với tình cảm đặc biệt dành cho tỉnh Bắc Giang, trong những lần nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Bình Dương cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh ra Hà Nội, đồng chí Lê Khả Phiêu đã gặp trực tiếp và gợi mở cho tỉnh nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, xây dựng Đảng, phát triển KT-XH.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trồng cây lưu niệm tại Khu di tích Hoàng Hoa Thám (Yên Thế), tháng 2/1998. Ảnh tư liệu của Việt Hưng

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trồng cây lưu niệm tại Khu di tích Hoàng Hoa Thám (Yên Thế), tháng 2/1998. Ảnh tư liệu của Việt Hưng

Đồng chí cho rằng, Bắc Giang có thế mạnh về rừng và cây ăn quả, vì vậy cần tổ chức khai thác, chế biến, tiêu thụ, trồng và chăm sóc thế nào cho hợp lý, đạt hiệu quả cao nhất. Về phát triển cơ sở hạ tầng, phải tiến hành từng bước, xem lại cơ cấu đầu tư, đầu tư cho những công trình mang tính cấp bách trước; đặc biệt trong phát triển sản xuất phải quan tâm bảo vệ môi trường sinh thái và chế biến nông sản để tìm đầu ra cho sản phẩm của nông dân.

Trong mỗi chuyến thăm, làm việc, đồng chí Lê Khả Phiêu đều có định hướng, gợi mở cho tỉnh. Ví như chuyến thăm chùa Vĩnh Nghiêm, sau khi xem mộc bản, đồng chí căn dặn lãnh đạo tỉnh, đây là những tư liệu quý chứa đựng lượng thông tin phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Lịch sử Phật giáo, tư tưởng văn hóa hành đạo nhập thế của dòng thiền Trúc Lâm, lịch sử ngành khắc in mộc bản… Do đó, tỉnh cần có giải pháp gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Bên cạnh đó, đồng chí cũng định hướng tỉnh cần cải tạo, nâng cấp chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà bởi dân tộc ta coi trọng tín ngưỡng Phật giáo nên qua sinh hoạt tín ngưỡng sẽ vun đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, tự hào dân tộc.

Với nhà báo Đoàn Việt Hưng, nguyên phóng viên Báo Bắc Giang, người 2 lần được tháp tùng ghi lại những hình ảnh Nguyên Tổng Bí thư về thăm Bắc Giang thì kỷ niệm mà ông nhớ nhất liên quan đến bức ảnh các nhà báo chụp chung với đồng chí Lê Khả Phiêu tại Văn phòng Tỉnh ủy.

Khi ấy, sau khi làm việc với tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành đều chụp ảnh chung với đồng chí Lê Khả Phiêu. Muốn có hình ảnh lưu giữ lại khoảnh khắc đáng nhớ này nhưng các phóng viên của Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và một số cơ quan báo chí trung ương chưa biết mở lời ra sao. Ngay lúc đó, đồng chí Lê Khả Phiêu đã chủ động gọi: “Nào các chú nhà báo, các chú cũng vào chụp chung đi”. Cử chỉ, lời nói ân cần của đồng chí Tổng Bí thư khiến nhà báo Việt Hưng nhớ mãi.

Trong lần về thăm Quân đoàn 2 năm 1998 (nơi đồng chí công tác từ năm 1974 đến năm 1978 trong vai trò Chủ nhiệm Chính trị đầu tiên của Quân đoàn), đồng chí Lê Khả Phiêu đã đi thăm nơi ăn, ở, làm việc của bộ đội. Khi trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ, đồng chí động viên các đơn vị tăng cường huấn luyện, nâng cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu.

Đặc biệt, cần quan tâm đời sống bộ đội, tăng cường học tập kỹ thuật, nghiệp vụ, làm chủ khí tài, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Từ đó đến nay, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 đã luôn phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.

Binh nhất Đinh Hoàng Trung, Tiểu đoàn Vệ binh 46, Bộ Tham mưu (Quân đoàn 2) cho biết: “Dù không được gặp trực tiếp Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhưng qua những hình ảnh, tư liệu lưu giữ tại Bảo tàng Quân đoàn, tôi biết đồng chí Lê Khả Phiêu có hơn 40 năm gắn bó với môi trường quân ngũ. Thủ trưởng là người luôn nghiêm túc trong công việc và hòa đồng, quan tâm đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ chúng tôi noi theo”.

Thực hiện những định hướng của Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực triển khai các giải pháp phát triển toàn diện KT-XH, an ninh, quốc phòng. Kinh tế Bắc Giang hôm nay đã có bước phát triển vượt bậc, hạ tầng được đầu tư, nâng cấp; huyện Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc; huyện Yên Thế là một trong những địa phương có tổng đàn gia cầm lớn nhất toàn quốc. Công tác gìn giữ, bảo vệ, phát triển rừng được quan tâm.

Chùa Vĩnh Nghiêm được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chùa Bổ Đà được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, lễ hội Bổ Đà là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, mộc bản chùa được công nhận là bảo vật quốc gia….

Những tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu dành cho Bắc Giang luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh ghi nhớ.

Nguồn: baobacgiang.com.vn