Nuôi dế mô hình làm giàu của nông dân xã Phúc Hòa

Lượt xem: 139

Theo lời giới thiệu của ông Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Hòa, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi dế của gia đình ông Trần Đình Lục, thôn Cả Am – đây cũng chính là 1 trong 5 tiểu dự án được đầu tư từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân (HND) huyện Tân Yên. Trên diện tích 28m2, kê 4 giá gỗ, mỗi dãy chia làm nhiều tầng xếp khoảng hơn 100 thùng xốp nuôi dế; vừa giới thiệu, ông Lục vừa kể về hành trình “đến” với con dế. Theo ông, nuôi dế không phải là việc làm mới lạ với người nông dân, nhưng nuôi dế mang tính hàng hóa thì đó là một mô hình kinh tế hoàn toàn mới. Trong một lần tình cờ xem truyền hình, ông biết đến mô hình nuôi dế của gia đình ông Nguyễn Đăng Tiến ở thôn Giang, xã Huyền Sơn (Lục Nam) cho hiệu quả kinh tế cao mà vốn đầu tư ít, kỹ thuật nuôi dễ. Không ngại khó, ông đã tìm đến gia đình ông Tiến để mua giống và học hỏi kinh nghiệm. Bước đầu do chưa nắm rõ về kỹ thuật nuôi nên ông chỉ dám mua 1.200 con dế về nhân giống, được chia làm 5 thùng (đàn), với giá 8.000đ/con. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, cộng với đức tình cần cù, tích cực tìm hiểu nâng cao kỹ thuật nuôi thông qua tài liệu của giáo sư Nguyễn Lân Hùng phổ biến trên chương trình “nhà nông làm giàu” và với sự hỗ trợ về vốn của HND huyện Tân Yên, ông đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất. Hiện tại, gia đình ông có khoảng 150 thùng nuôi dế, trong đó có khoảng 40 thùng dế giống và dế thương phẩm, trên 100 thùng dế con. Với giá dế giống 5.000đ – 8.000đ/con, dế thương phẩm 250.000đ – 300.000đ/1kg, ước tính trong vòng 3 tháng (1chu kỳ sống của dế) cho thu nhập từ 17 đến 18 triệu đồng.

Theo ông Lục, kỹ thuật nuôi dế khá đơn giản, không tốn nhiều thời gian. Nguồn thức ăn của dế rất đa dạng, ăn các loại rau và cám gà úm; dế rất ít bệnh. Vốn đầu tư nuôi không lớn (khoảng 12 triệu đồng để mua vật liệu: gỗ, thùng xốp, hệ thống điện…), ít gây ô nhiễm môi trường, hệ thống chuồng trại không tốn nhiều diện tích, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi…Dế được nuôi ở thùng xốp (nếu là mùa đông) và bằng thau nhựa, thùng nhựa (nếu là mùa hè), người nuôi có thể cho thêm rế bắc nồi cơm để dế leo trèo, trú ẩn. Sau 2 tháng nuôi, dế bắt đầu sinh sản, mỗi con dế thường đẻ 600-700 trứng, sau 10-12 ngày trứng nở. Tuy nhiên người nuôi dế cần chú ý vệ sinh thùng nuôi dế sạch sẽ, không để thức ăn (rau) quá thối nát vì sẽ làm dế mắc bệnh ỉa chảy, nhiệt độ luôn giữ ở 27 – 320C. Đối với loại dế con thì 2-3 ngày cho ăn một lần và cho uống nước thông qua miếng mút đế tránh cho dế khỏi bị chết đuối; đối với dế thương phẩm và dế giống ngày cho ăn một lần, cho uống nước thông qua đĩa cát. Đặc biệt, khi dế bắt đầu sinh sản cần phải lựa chọn thật kỹ những con dế to khỏe để nhân giống và tỷ lệ ghép giữa dế đực, dế cái trong một thùng (đàn) rất quan trọng vì nếu ghép ít đực tỷ lệ trứng nở kém; theo kinh nghiệm của ông Lục tỷ lệ thích hợp nhất trong một thùng (đàn) là 1,2 đến 1,5 con cái ghép 01 con đực.

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình mà với kinh nghiệm tích luỹ được, ông Lục vừa bán dế giống, dế thương phẩm vừa hướng dẫn cho bà con phương pháp chăm sóc và nhân giống cho hiệu quả cao. Hiện nay, học tập theo mô hình của ông, đã có 47 hộ trong xã nuôi dế, hộ nuôi ít khoảng 20-30 thùng, hộ nuôi nhiều vài trăm thùng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện có nhiều nhà hàng, khách sạn bổ sung nguồn thực phẩm dế và được khách hàng ưa chuộng. Một số thị trường lớn như Hà Nội, Thái Nguyên nhận bao tiêu loại dế thương phẩm với số lượng lớn song các hộ nuôi trong xã chưa cung ứng kịp. Trao đổi về vấn đề này, ông Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Hoà cho biết, tới đây Hội Nông dân sẽ tham mưu với Đảng uỷ, Uỷ ban xã thành lập câu lạc bộ nuôi dế để hướng dẫn bà con cách chăm sóc và quy mô nuôi thích hợp, đặc biệt CLB sẽ đứng ra nhận ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Bảo Tú Quyên

Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang