Chủ trang trại nấm Nghĩa Hưng

Lượt xem: 153

Với dáng người thấp đậm nhưng tác phong nhanh nhẹn, tháo vát, ông Thúy rất sôi nổi khi nói về chuyện trồng nấm. Năm 2003, được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng về giống, kiến thức khoa học kỹ thuật… ông Thúy đã mạnh dạn tham gia mô hình trồng nấm. Mô hình được làm thí điểm với 3 tấn nguyên liệu nấm mộc nhĩ, sò và linh chi. Là tổ trưởng tổ trồng nấm, ngoài học hỏi kỹ thuật trồng nấm qua các buổi tập huấn, ông Thúy còn mua thêm sách, thăm quan học hỏi kinh nghiệm trồng nấm ở một số địa phương khác để áp dụng vào sản xuất. Bởi vậy, ngay năm đầu tiên, mô hình sản xuất nấm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, trừ chi phí thu lãi 2 triệu đồng/tấn nguyên liệu. Nhận thấy trồng nấm vừa tận dụng được nguyên liệu từ sản phẩm nông nghiệp là rơm, rạ, đồng thời tạo thêm việc làm cho gia đình trong lúc nông nhàn và hiệu quả kinh tế cao nên những năm tiếp theo, ông Thúy mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất. Bình quân mỗi năm ông sản xuất 70 tấn nguyên liệu nấm mộc nhĩ và nấm sò tại khu vườn của gia đình. Tuy nhiên, thời gian đầu do chưa làm tốt khâu xử lý và thanh trùng nguyên liệu nên không ít lần ông bị thất bại, nấm không mọc được. Để nắm được quy trình kỹ thuật trồng nấm, ông lặn lội đi thăm các trại sản xuất nấm lớn trong và ngoài tỉnh, tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm do Sở Khoa học và Công Nghệ, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến lâm tỉnh, Hội Nông dân …tổ chức, đồng thời mua thêm sách về đọc. Không chỉ trồng nấm sò, mộc nhĩ, năm 2006, ông sang Trung Quốc cùng đoàn công tác của Sở Nông Nghiệp và PTNT tỉnh đã học hỏi được kỹ thuật trồng nấm mỡ và tìm được đầu ra cho sản phẩm nấm mỡ nên mạnh dạn đưa loại nấm này vào trồng. Tìm hiểu về khó khăn trong việc trồng và chăm sóc nấm, ông Thúy cho biết: “Nấm có thể trồng 4 mùa: mùa xuân, thu thích hợp trồng nấm sò, mộc nhĩ, mùa hè trồng nấm rơm, mùa đông trồng nấm mỡ. Tuy nhiên, để trồng nấm thành công cần bảo đảm đủ độ ẩm của nguyên liệu và môi trường không khí theo đúng quy định. Nếu độ ẩm cao quá hoặc thấp quá đều ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của nấm. Ngoài ra, đối với từng loại nấm khác nhau cũng cần điều tiết lượng ánh sáng khác nhau…Sau khi thu hoạch nấm cần chú ý vệ sinh khu sản xuất bằng vôi bột hoặc chế phẩm Emina để diệt mầm mống nấm dại, vi khuẩn xâm nhập vào nấm“. Do áp dụng đúng kỹ thuật trồng và chăm sóc nên vài năm gần đây, nấm đạt năng suất cao, bình quân nấm mỡ đạt đạt 300 kg sản phẩm/tấn nguyên liệu, nấm sò 700 kg/tấn nguyên liệu, trị giá 6-7 triệu đồng. Từ hiệu quả đó, đầu năm 2008, bằng vốn tích luỹ và vay thêm bạn bè, ngân hàng, ông Thúy đã đầu tư 500 triệu đồng xây dựng trang trại trồng nấm và chế biến sản phẩm nấm tại khu vực Ma Tán, thôn 4, xã Nghĩa Hưng với diện tích hơn 3.000 m2. Theo tính toán của ông Thúy, năm 2009, từ trồng nấm gia đình ông thu lãi gần 300 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập ổn định hơn 1 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với trồng nấm, ông Thúy còn làm dịch vụ cung ứng giống nấm và đứng ra thu mua sản phẩm nấm cho bà con. Hiện nay, ông ký hợp đồng tiêu thụ nấm với một số đơn vị như: Trung tâm nấm Tân Dĩnh (Lạng Giang), Công ty chế biến nấm xuất khẩu ở Hải Dương…Ngoài ra, ông còn nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật và chia sẻ bí quyết trong nghề trồng nấm cho những người có nhu cầu học hỏi để cùng nhau phát triển nghề tại địa phương. Nhờ vậy, đến nay phong trào trồng nấm của xã Nghĩa Hưng đã phát triển mạnh. Năm 2009, toàn xã có gần 50 hộ sản xuất nấm, doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng. Trong phong trào nông dân thi đua sản xuất sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo phát triển kinh tế rất cần những tấm gương nông dân năng động như thế.

HẢI MINH – Báo BG