Làm giàu từ mô hình trồng bưởi diễn

Lượt xem: 141

Trong ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, ông Mười phấn khởi nói: “Tất cả thu nhập của gia đình tôi bây giờ đều từ cây bưởi diễn, loại cây này cho hiệu quả hơn hẳn các cây khác tôi đã trồng, nhờ chuyển sang trồng bưởi diễn mà kinh tế gia đình khá giả hơn“. Được biết, trước đây gia đình ông chỉ trông chờ vào vườn vải nhưng mấy năm gần đây, vải thiều liên tục rớt giá, đất cấy lại không nhiều nên gia đình ông gặp không ít khó khăn. Ông nhận thấy cần phải có một giống cây ăn quả khác thay thế cây vải để cải thiện kinh tế gia đình. Xuất phát từ suy nghĩ đó, ông vận động một số bà con trong thôn cùng đi thăm quan, học hỏi các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Sau nhiều lần đi thăm quan học hỏi, ông thấy cây bưởi Diễn có giá trị hàng hoá cao, nhiều ưu điểm và phù hợp với vùng đất đồi núi quê ông. Năm 2006, ông mạnh dạn chặt bỏ gần 1 ha vải thiều, đưa 1.000 cây bưởi Diễn vào trồng. Cây bưởi Diễn được ông trồng, chăm sóc đúng cách nên tỷ lệ sống đạt trên 90%. Sau 3 năm, những cây bưởi này đều sinh trưởng và phát triển tốt, bước đầu cho thu hoạch. Từ sự thành công bước đầu đó, ông mạnh dạn nhân rộng diện tích trồng bưởi Diễn lên tới gần 5.000 cây và trở thành hộ có diện tích trồng bưởi Diễn lớn nhất xã Tân Mộc. Năm 2009, vườn bưởi Diễn của ông thu hoạch được gần 1 vạn quả, thu hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí ông lãi gần 80 triệu đồng, “Tiếng lành đồn xa“, nhiều hộ dân ở các địa phương khác tìm đến nhà ông mua cây giống và học hỏi kinh nghiệm, ông đều tận tình giúp đỡ. Mỗi năm, từ tiền bán cây giống ông thu về hơn 10 triệu đồng.

Trao đổi về kinh nghiệm trồng bưởi Diễn, ông cho biết: chăm sóc cây bưởi cần phải đảm bảo đúng kỹ thuật. Sau khi trồng chỉ cần tưới nước đủ ẩm cho cây đến lúc cây bén rễ, bắt đầu nhú mầm có lá non thì bón đạm urê với lượng rất nhỏ, 1 kg đạm urê bón cho 70-80 gốc. Để bưởi có năng suất cao, chất lượng tốt cần bón nhiều phân tổng hợp NPK, phân ka li vào thời điểm cây chuẩn bị ra hoa và sau khi đã thu hoạch quả xong. Đối với việc phòng trừ sâu bệnh, ông cho biết thêm: cây bưởi hay bị bệnh nấm, sâu vẽ bùa, sâu đục thân…nên phải thường xuyên theo dõi, phun thuốc trừ sâu để phòng bệnh, đồng thời lúc cây có quả thì phải phòng bệnh ruồi vàng không để châm vào quả làm quả bưởi bị đốm đen, mẫu mã không đẹp, ăn nhạt, giá thành sẽ bị giảm.

Bên cạnh việc chăm sóc tốt vườn bưởi diễn, ông còn nghiên cứu để cải tạo chất đất, sao cho cây bưởi vừa sinh trưởng nhanh, sớm cho quả, năng suất cao và chín đúng thời điểm Tết Nguyên đán để nâng cao giá thành và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng trồng bưởi diễn, ông Mười còn là người đi đầu trong xã đưa giống nhãn chín muộn vào sản xuất. Vụ nhãn vừa qua, với 1.000 cây ông bán được hơn 30 triệu đồng. Là người năng động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm ông Mười xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người học tập và noi theo.

Tú – Quyên

Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang