Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở Hiệp Hòa

Lượt xem: 82

Các cấp Hội Nông dân trong huyện chủ động phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội tín chấp cho nông dân vay vốn đầu tư sản xuất, đến nay tổng số vốn vay theo NQLT 2308 tăng 768 triệu đồng đạt 56 % KH, đ­ưa tổng dư­ nợ toàn huyện là 109,8 tỷ đồng, với 6.177 hộ vay. Vay vốn uỷ thác với Ngân hàng CSXH tăng 8,621tỷ đồng, đ­ưa tổng số dư­ toàn huyện là 65,652 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức nhiều cuộc thi: tiếng hát đồng quê; nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ tịch cơ sở giỏi, nông dân với ATGT, phong trào xây dựng nông thôn mới, tham gia đảm bảo quốc phòng an ninh, sáng tạo kỹ thuật nhà nông….Từ đó khơi dậy tinh thần sáng tạo, ham học hỏi của người nông dân, phát huy những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất và đời sống để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời các cấp Hội nông dân trong huyện còn tổ chức phát động phong trào thi đua, bình xét, khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong các dịp tổng kết phong trào, hội nghị biểu dương…Qua đó, tạo sự đồng thuận trong chỉ đạo và thực hiện các chương trình phối hợp ở từng cấp hội thu hút hàng trăm hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Kết quả từ đầu năm đến nay đã có 100% các cơ sở hội tổ chức triển khai cho hơn 14.400 hộ đăng ký đạt tiêu chuẩn SXKD giỏi năm 2010; phối hợp tổ chức 339 buổi tập huấn chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Xây dựng 52 mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp hàng hoá đạt 117,3% KH; xây dựng các cánh đồng thu nhập 50 triệu đồng/năm….

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng được phát triển sâu rộng đã góp phần làm thay đổi mạnh mẽ phương thức, tập quán sản xuất của nhân dân. Nhiều hộ nông dân đã thể hiện tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và làm có hiệu quả các mô hình kinh tế trang trại trên các lĩnh vực như: chăn nuôi, thủy sản, cây ăn quả, kinh doanh dịch vụ tổng hợp… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu trong toàn huyện. Điển hình như mô hình kinh doanh thức ăn chăn nuôi của ông Nguyễn Tiến Ngọc xã Thanh Vân thu lãi mỗi năm trên 200 triệu đồng, đã giúp 20 hộ thoát nghèo; Mô hình nuôi lợn hướng nạc của anh Hà Văn Liên thôn Đông, xã Lương Phong mỗi năm thu lãi từ 100 – 120 triệu đồng; mạnh dạn thực hiện “dồn điền đổi thửa” với trang trại nuôi ba ba thương phẩm đã đem về cho gia đình ông Nguyễn Văn Thu (Đức Thịnh – Đức Thắng) hàng năm thu lãi cả tỷ đồng….Ngoài ra còn rất nhiều mô hình, trang trại điển hình khác trong toàn huyện.

Qua đó đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa, đảm bảo cuộc sống kinh tế ổn định cho người nông dân, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn toàn huyện.

Vân Anh

Đài TT Hiệp Hòa – Bắc Giang