Định hướng phát triển một số mô hình kinh tế trang trại, gia trại có hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh.

Lượt xem: 125

Từ các kết quả phân tích các điều kiện sản xuất kinh doanh tại các huyện vùng nghiên cứu kết hợp với kết quả khảo cứu các tài liệu về quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020; các báo cáo của ngành Nông nghiệp và các báo cáo khoa học, nhóm nghiên cứu đề xuất định hướng phát triển một số mô hình kinh tế trang trại, gia trại đặc trưng mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững theo phương hướng kinh doanh ở từng huyện như sau:

1. Đối với huyện Sơn Động

Trang trại: Với đặc thù điều kiện tự nhiên của Sơn động, mô hình trang trại có hiệu quả và bền vững chủ yếu tập trung là loại hình trang trại lâm nghiệp và sản xuất kinh doanh tổng hợp, trong đó có số ít trang trại chuyên trồng cây ăn quả. Bởi vì phần lớn diện tích đất ở Sơn Động có độ dốc lớn; lựa chọn trang trại lâm nghiệp và SXKD tổng hợp để phát huy tổng hợp nguồn lực là thích hợp hơn cả.

Gia trại: Mô hình phát triển gia trại của Sơn Động là sản xuất kinh doanh tổng hợp các loại cây trồng, vật nuôi gắn với phát triển loại hình sản xuất lâm nghiệp sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Một số mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao và bền vững mà các gia trại tại Sơn Động nên áp dụng là: Phát triển lâm nghiệp (trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ) kết hợp chăn nuôi (trâu, bò, dê); Trồng cây ăn quả kết hợp chăn gà thả đồi, nuôi ong lấy mật; Một số nơi có điều kiện có thể kết hợp sản xuất một số loài lâm sản ngoài gỗ như ba kích, hương bài, sâm nam, lợn rừng, tắc kè, vv… Đây có thể coi là thế mạnh và hướng đi chủ yếu của sản xuất kinh doanh gia trại trong những năm tới ở Sơn Động.

2. Đối với huyện Lục Ngạn

Trang trại: Mô hình phát triển trang trại bền vững của Lục Ngạn là: Phát triển có chọn lọc trang trại trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP có chất lượng cao (phát huy ưu thế vùng vải tập trung, trình độ thâm canh cao của khá nhiều trang trại và thương hiệu “Vải thiều Lục Ngạn”); trang trại kết hợp các loại cây ăn quả có múi để rải vụ, hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Ngoài ra, Lục Ngạn còn có những mô hình chăn nuôi kết hợp thủy sản, nuôi con đặc sản…

Gia trại: Mô hình phát triển gia trại bền vững và hiệu quả kinh tế cao của Lục Ngạn là trồng cây ăn quả chất lượng cao như Vải thiều VietGAP, cam Đường Canh, bưởi Diễn, táo Đài Loan. Mô hình trồng cây ăn quả thâm canh kết hợp chăn nuôi (nuôi gà thả vườn, chăn nuôi lợn theo hình thức bán công nghiệp) cũng cho hiệu quả cao tại vùng này nhưng phải chú ý sử lý và sử dụng nguồn phân hữu cơ đúng kỹ thuật để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường nông thôn đặc biệt là các hộ trồng vải để đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP.

3. Đối với huyện Yên Thế

Trang trại: Các mô hình trang trại của Yên Thế chuyển dịch theo hướng SXKD tổng hợp là chủ yếu với mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả – mô hình gà thả vườn; trồng rừng kinh tế kết hợp chăn gà dưới tán rừng. Với mô hình này cần quan tâm từng bước chuẩn hóa về giống gà, chuẩn hóa về quy trình chăn nuôi, tạo sản phẩm đồng đều về chất lượng để hướng tới gắn chăn nuôi với giết mổ tập trung để đảm bảo phát triển bền vững. Với thế mạnh của địa phương, huyện Yên Thế cũng nên có quy hoạch và khôi phục phát triển vùng sản xuất chè ở một số xã có điều kiện đất đai phù hợp theo hướng sản xuất chè hữu cơ.

Gia trại: Các mô hình gia trại của Yên Thế có tính hiệu quả và bền vững cao sản xuất kinh doanh tổng hợp, chủ yếu là mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả với hướng chính là chăn nuôi gà thả vườn; mô hình trồng rừng kinh tế bằng các loại cây keo lai, bạch đàn cao sản… Một số xã có điều kiện thâm canh có thể cơ cấu một phần diện tích cây ăn quả bằng giống nhãn muộn Hà Tây, Hưng Yên. Đối với cây công nghiệp ngắn ngày thì cây chè và cây thuốc lá là hai loại cây trồng có thế mạnh tại địa phương, tuy nhiên cũng chỉ nên phát triển ở một số xã có điều kiện đất đai và tiểu khí hậu phù hợp.

4. Đối với huyện Lục Nam

Trang trại: Huyện Lục Nam với đặc điểm tự nhiên chia làm 3 vùng rõ rệt, với các xã vùng núi cao, mô hình trang trại có hiệu quả cao và bền vững là trang trại lâm nghiệp và sản xuất kinh doanh tổng hợp. Với các xã khu vực trung du, mô hình trang trại có hiệu quả cao là thâm canh cây ăn quả, nâng cao chất lượng, cơ cấu lại giống vải để rải vụ thu hoạch, đồng thời sử dụng công nghệ sinh học để có vùng vải, na, chất lượng cao và an toàn; mở rộng diện tích trồng dứa thâm canh phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Với các xã vùng chiêm trũng nên tập trung vào loại hình trang trại chăn nuôi kết hợp nuôi trồng thuỷ sản.

Gia trại: Mô hình gia trại bền vững, đặc trưng của Lục Nam là thâm canh vải, na, dứa; các loại rau thực phẩm và rau nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Mô hình trồng cây ăn quả thâm canh kết hợp chăn nuôi (nuôi gà thả vườn, chăn nuôi lợn theo hình thức bán công nghiệp)

5. Đối với huyện Lạng Giang, Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hoà, Yên Dũng

Đây là các địa phương có sự tương đồng về các điều kiện phục vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản.

Trang trại: Mô hình kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao là chăn nuôi kết hợp nuôi trồng thuỷ sản (VD chăn lợn + nuôi cá thâm canh; chăn nuôi thuỷ cầm + nuôi cá thâm canh); trồng trọt + chăn nuôi kêt hợp; một số xã có diện tích vườn cây ản quả thì áp dụng hình thức nuôi gà thả vườn. Dần từng bước mở rộng hình thức chăn nuôi theo hình thức công nghiệp dưới dạng hợp đồng sản xuất và tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp như chăn nuôi gia công cho Công ty CP.

Gia trại: mô hình kinh tế gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao là chăn nuôi kết hợp nuôi trồng thuỷ sản như: chăn nuôi lợn + vịt + nuôi cá; mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi. Một số nơi có điều kiện về nguyên liệu rơm rạ phát triển mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu.

6. Đối với Thành phố Bắc Giang

Trang trại: các mô hình kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao là trồng hoa cây cảnh; nuôi trồng các loại cây con đặc sản, các loại rau an toàn. Ngoài ra, mô hình chăn nuôi kết hợp nuôi trồng thuỷ sản cũng là thế mạnh của một số xã ven đô như Song Mai, Đa mai, Đồng Sơn.

Gia trại: các mô hình kinh tế gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao là trồng hoa cây cảnh; nuôi trồng các loại cây con đặc sản, và sản xuất rau an toàn

Trên đây là định hướng một số mô hình kinh tế trang trại, gia trại đặc trưng mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững trên cơ sở để khai thác các tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương. Để tiếp tục phát triển kinh tế trang trại theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương (khoá X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, các địa phương cần xây dựng quy hoạch vùng nhằm sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hoá chất lượng, khắc phục tình trạng phát triển tự phát của trang trại. Chú trọng xây dựng hạ tầng, nhất là hệ thống thuỷ lợi, giao thông, điện nước, xử lý môi trường, các cơ sở công nghiệp chế biến, cơ sở sản xuất cung ứng giống cây, con phục vụ sự phát triển của trang trại… Có chính sách hỗ trợ cung cấp cho chủ trang trại những thông tin dự báo, khuyến cáo về thị trường tiêu thụ sản phẩm trong ngoài nước. Đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất thông qua công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Tạo điều kiện để các tổ chức, hội nghề nghiệp được thành lập, nhằm liên kết các chủ trang trại; hỗ trợ, nâng cao năng lực, dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực, kinh nghiệm quản lý tay nghề cho các chủ trang trại và người lao động.

Ths. Nguyễn Văn Thi