Thu nhập cao từ trồng thanh long ruột đỏ
27/12/2019 02:51
Theo giới thiệu của Hội Làm vườn huyện Yên Thế, chúng tôi đến thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Phạm Văn Hào, thôn Đồng Bục, xã An Thượng.
Từ trồng thanh long ruột đỏ, mỗi năm gia đình ông Phạm Văn Hào, xã An Thượng (Yên Thế) có nguồn thu hàng trăm triệu đồng
Dịp này, gần một nửa diện tích vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông đang cho quả sai trĩu. Hằng ngày, ông và mọi người trong gia đình thường xuyên tưới ẩm, hái quả kẹ giúp cây tập trung chất dinh dưỡng nuôi quả chính phục vụ bán Tết.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn thanh long xanh tốt, ông Hào kể, trước kia gia đình từng trồng rất nhiều loại cây như vải thiều, quất, sắn… nhưng hiệu quả kinh tế thấp.
Năm 2013, quyết tâm tìm tòi hướng phát triển kinh tế mới, ông được người bạn ở tỉnh Quảng Ninh giới thiệu mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ. Thấy vậy, ông đến tận nơi tham quan, học hỏi và mua giống về trồng hơn 100 trụ. Do chăm sóc cẩn thận, thanh long lớn nhanh, ra quả sau một năm.
“Vụ đầu tiên, tôi chỉ để vài chục trụ đậu quả. Quả thanh long to, đẹp, vị rất ngọt; tiểu thương đến tận vườn thu mua với giá 30 nghìn đồng/kg”, ông Hào nói.
Nhận thấy thanh long phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, lại được thị trường ưa chuộng nên ông quyết định đầu tư mở rộng mô hình đến nay lên hơn 700 trụ.
Hiện vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông Hào bắt đầu chín, ước đợt này thu về hơn 8 tấn quả. Với giá bán hiện nay khoảng 50 nghìn đồng/kg cũng cho nguồn thu vài chục triệu đồng.
Được biết, ưu điểm của cây thanh long ruột đỏ là ít bị sâu bệnh, dễ chăm sóc. Để cây có chỗ bám và phát triển tốt cần xây hoặc đổ trụ bê tông cao khoảng 2m, khoảng cách giữa các trụ từ 1,5-2m, sau đó trồng cây dưới gốc trụ. Khi trồng, đắp mô đất cao 20 cm, buộc dây ở đoạn gốc để cây không bị đổ.
Ngoài ra, thanh long ưa đất ẩm nên phải thường xuyên tưới nước vào mùa khô. Muốn quả thanh long to, mọng nên sử dụng phân chuồng ủ mục kết hợp với kali bón quanh gốc vào lúc cây bắt đầu ra hoa và sau thu hoạch.
Thanh long ruột đỏ là cây trồng lâu năm, khoảng 10-15 năm sau mới phải trồng lại. Sau trồng một năm, thanh long cho quả với nhiều đợt thu hoạch; từ năm thứ 2 trở đi năng suất quả cao hơn nhiều so với năm thứ nhất.
Theo đại diện Hội Làm vườn huyện Yên Thế, mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ của gia đình ông Hào là điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới tại địa phương mang lại thu nhập cao. Hiện nhiều người dân trong huyện đã học tập và nhân rộng.
Đến nay, diện tích cây thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Yên Thế khoảng 30 ha, cho tổng sản lượng khoảng 400 tấn/vụ. Hội đang tập trung hướng dẫn bà con sản xuất theo hướng VietGAP, hình thành vùng canh tác hàng hóa để thuận lợi trong tiêu thụ.
Nguồn: baobacgiang.com.vn