Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn: Hướng sản xuất khoa học, hiệu quả

Lượt xem: 188

Nguồn lợi tái tạo lớn

Khái niệm kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp (gọi tắt là nông nghiệp tuần hoàn) còn khá mới mẻ đối với hầu hết nông dân trong tỉnh. Tuy nhiên, nhiều địa phương trong nước đã áp dụng quy trình sản xuất này. Tại một số huyện như: Yên Dũng, Tân Yên, Lạng Giang…đã xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn, kết quả khả quan.

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình nuôi giun trùn quế tại hộ ông Hoàng Đình Quê.

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình nuôi giun trùn quế tại hộ ông Hoàng Đình Quê.

Với quy mô chăn nuôi hơn 3 nghìn đầu lợn/năm, lượng chất thải từ lợn lên tới hàng trăm tấn, nếu không xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường nên ông Hoàng Đình Quê, thôn Quỳnh, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) đã nuôi giun trùn quế để tận dụng nguồn phân và cải thiện môi trường, lại có thêm thu nhập. Năm 2017, ông Quê đầu tư xây 6 bể nuôi giun. Mỗi bể dài 25 m, rộng 1,5 m, bờ cao 40 cm, tổng diện tích 200 m2. Phía trên và xung quanh bể được che chắn, bảo đảm các ô nuôi luôn mát mẻ.

Ông Quê cho biết, nguồn thức ăn của giun là toàn bộ số phân lợn từ trang trại thải ra. Sau 3 tháng được thu hoạch, mỗi lứa đạt từ 0,8-1 tấn giun thương phẩm và từ 8-10 tấn sinh khối giun làm giống. Sản phẩm giun được bán cho các hộ chăn nuôi gia cầm, thuỷ sản…

Phân giun bán cho những hộ trồng rau và trồng cây ăn quả rất tốt. Trừ chi phí, ông Quê thu lãi hơn 100 triệu đồng/lứa. “Từ năm 2017 đến nay, tôi đã giải quyết xong vấn đề ô nhiễm môi trường do chăn nuôi lợn. Năm 2020, tôi hướng dẫn và hỗ trợ 10 tấn sinh khối giun giống cho 15 hộ dân trong huyện. Đến nay các hộ không ngừng nhân rộng, hiệu quả kinh tế cao”, ông Quê nói.

Nhận thức rõ vai trò của nông dân, trong đó, nòng cốt là các hội viên Hội Nông dân (HND) trong phát triển KT-XH khu vực nông thôn, đặc biệt là trong việc áp dụng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, năm 2021, HND tỉnh đã xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn “Nuôi giun trùn quế – Trồng khoai tây” tại xã Quỳnh Sơn với 30 hộ tham gia, diện tích trồng khoai 3,5 ha.

Gia đình ông Quê tiếp tục tham gia mô hình này. Thực hiện mô hình, các hộ được chuyên gia của T.Ư HND Việt Nam trang bị kiến thức, kỹ năng về nông nghiệp tuần hoàn, kỹ thuật nuôi giun trùn quế, trồng khoai tây. Hiện các mô hình đang phát huy hiệu quả tích cực. Nhờ nuôi giun, các hộ có thu nhập thêm từ 30 triệu đồng/lứa trở lên (tùy theo quy mô sản xuất).

Năm 2020, ngành nông nghiệp đóng góp 17,5% GDP của tỉnh. Do đó, vai trò của nông nghiệp, nông dân trong quá trình phát triển KT-XH rất quan trọng. Tuy vậy, việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và lượng chất thải từ sản xuất nông nghiệp đang đe dọa môi trường sinh thái. Toàn tỉnh hiện có khoảng 100 nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và 2 nghìn trang trại chăn nuôi tập trung. Phổ biến là chăn nuôi lợn và gia cầm, với tổng đàn khoảng 19 triệu con gia cầm, hơn 1,3 triệu con lợn và gia súc.

Chất thải từ chăn nuôi hàng triệu tấn/năm nhưng chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi giun trùn quế, cho cá ăn,…), còn lại 80% lượng chất thải chăn nuôi, hàng trăm nghìn tấn rơm rạ mỗi năm bị đốt, gây ô nhiễm môi trường nước, không khí và làm hư hại đất. Nếu tái tạo các nguồn chất thải từ nông nghiệp sẽ giảm ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Xu hướng tất yếu

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, cùng với các mô hình nông nghiệp tuần hoàn của HND tỉnh, hiện có hơn 100 hộ, trang trại trong tỉnh nuôi giun trùn quế bằng nguồn chất thải chăn nuôi lợn. Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo triển khai, áp dụng dùng đệm lót sinh học trong xử lý phân gà cho nhiều hộ. Việc làm này đã giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi, mang lại thu không nhỏ từ việc bán phân gà dùng cho trồng trọt.

“Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp” là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý.

Không chỉ trong chăn nuôi, hiện các hộ sản xuất nấm tại Lạng Giang sau khi thu hoạch sản phẩm đã bán giá thể trồng nấm cho khu vực nhà màng, nhà lưới để tận dụng, xử lý làm giá thể trồng dưa lưới, rau màu.

Trong nuôi trồng thuỷ sản, huyện Tân Yên đang dẫn đầu về số mô hình thâm canh cá ứng dụng công nghệ Biofloc. Công nghệ này là phức hợp đa dạng của vi khuẩn, tảo, mùn xác hữu cơ động vật phù du, giun nhỏ… dưới tác động của môi trường nước trong ao, kết dính lại với nhau thành thức ăn giàu dinh dưỡng cho tôm, cá.

Tại các ao nuôi theo công nghệ Biofloc cá lớn nhanh, sức đề kháng tốt hơn, tốn ít thức ăn công nghiệp, người nuôi thu nhập tăng thêm ít nhất 15% so với nuôi cá thông thường, lại không ô nhiễm nguồn nước. Từ 2 mô hình thâm canh cá ứng dụng công nghệ Biofloc năm 2020 tại thị trấn Cao Thượng (Tân Yên), đến nay đã nhân rộng hơn 40 mô hình.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi giá thức ăn chăn nuôi, phân bón… tăng cao. Bởi ngoài giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả sản xuất thì việc tận dụng rơm, rạ, cây xanh làm thức ăn cho gia súc còn góp phần giảm chi phí chăn nuôi.

Đặc biệt, việc xử lý tốt chất thải chăn nuôi còn mang lại hiệu quả cao trong phòng, chống dịch trên đàn vật nuôi. Áp dụng nông nghiệp tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ sự ràng buộc lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường nên tỉnh và ngành nông nghiệp đang khuyến cáo người dân sản xuất theo phương thức này.

Dù vậy, tại Bắc Giang, hiện việc áp dụng nông nghiệp tuần hoàn mới dừng lại ở mô hình. Do đó, chính quyền các địa phương, ngành chức năng cần phối hợp cùng các nhà khoa học tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu và nhân rộng. Trong đó, vai trò của hội viên, nông dân là hết sức quan trọng. Bởi nông dân chính là chủ thể trực tiếp sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn.

Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh