Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Lượt xem: 140
Các chủ vườn đều thực hiện tốt biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây và tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP. Ngoài trồng bưởi, xã Quang Thịnh còn được biết đến là vùng có nhiều diện tích rau an toàn. Thời điểm này, bà con đang vào vụ thu hoạch dưa chuột, hành củ… Chị Nguyễn Thị Ánh ở thôn Quang Hiển có 5 sào dưa chuột chia sẻ: “Sử dụng phân bón hữu cơ tạo độ tơi xốp cho đất. Để hạn chế sâu bệnh, tôi phun các chế phẩm gừng, ớt ngâm rượu hoặc các loại thuốc sinh học được phép sử dụng”.

Tại thôn Càn, xã Hương Sơn, ở mỗi tuyến đường trục thôn đều đặt một thùng chứa rác. Bà Vũ Thị Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Xuất phát từ ý tưởng để hạn chế người dân tùy tiện vứt rác, nhất là bao bì thuốc bảo vệ thực vật ra đường, Hội đã liên hệ đến các cửa hàng bán xăng xin thùng phi cũ, nguyên vật liệu của các công trình xây dựng sau thi công còn thừa như tôn, thiếc.

Những hội viên có tay nghề đã chế tác cắt, sơn làm thành thùng đựng rác đặt tại đường làng, bờ ruộng. Việc làm này vừa giúp bảo vệ môi trường vừa tiết kiệm được kinh phí”. Hai năm qua, các cấp hội nông dân trong huyện đã vận động bà con đóng góp hàng chục triệu đồng xây dựng hơn 50 bể chứa rác tại các xã: Tân Hưng, Hương Lạc, Quang Thịnh, Nghĩa Hòa… Trên nhiều cánh đồng, người dân có ý thức không vứt bừa bãi vỏ thuốc bảo vệ thực vật và túi ni-lông.

Ông Lê Công Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: “Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, nhiều năm qua, các cấp hội đã chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, thay đổi hành vi và thái độ về bảo vệ môi trường cho hội viên.

Hằng năm, HND các xã, thị trấn huyện tổ chức cho các chi hội đăng ký các chỉ tiêu như: Không có người vi phạm bảo vệ môi trường, không có hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp không an toàn, giao chỉ tiêu xây dựng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường đến chi hội”. Năm 2021, Hội Nông dân huyện đã thành lập 8 mô hình nông dân tự quản tham gia bảo vệ môi trường nông thôn ở các xã: Đào Mỹ, Xương Lâm, Mỹ Thái…

Cùng đó chỉ đạo xã Hương Sơn và Quang Thịnh thực hiện điểm mô hình xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình bằng chế phẩm vi sinh cho 100 hội viên nông dân. Thực hiện mô hình xử lý rác thải, mỗi hộ được đầu tư 2 thùng phi và 10 gói chế phẩm EMIC.

Đối với việc xử lý môi trường chăn nuôi nông hộ, Hội Nông dân các cấp chủ động phối hợp với các ngành chức năng tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi theo quy trình an toàn. Hiện trên địa bàn huyện có gần 1,1 nghìn hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng xây bể hoặc sử dụng bể biogas, vừa tiết kiệm chi phí chất đốt, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ông Vũ Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lâm nói: Những năm gần đây, hơn 20 gia đình hội viên nông dân trong xã đã có thu nhập cao từ nuôi thủy sản. Toàn xã hiện có 165 ha nuôi thủy sản. Đi đôi với đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống ao hợp vệ sinh, lắp đặt hệ thống thiết bị chăn nuôi thủy sản hiện đại, các hộ dân còn cam kết không sử dụng chất thải chăn nuôi lợn và cám tăng trọng để chăm sóc cá.

Từ tích cực tuyên truyền, khuyến khích hội viên bảo vệ môi trường, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình tiêu biểu trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản bảo đảm an toàn vệ sinh được hình thành. Ví dụ như: Nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao tại xã Đại Lâm; nuôi đông trùng hạ thảo và trồng nấm trong hệ thống nhà lạnh tại các xã Dương Đức, Tân Thanh; sản xuất rau màu trong nhà màng tại các xã Quang Thịnh, Mỹ Thái…

Toàn huyện có hơn 21.300 hội viên nông dân trực tiếp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm đã ký cam kết, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm. Năm 2022, Hội Nông dân huyện tiếp tục phấn đấu mỗi Hội Nông dân cấp xã xây dựng từ 1-2 mô hình tiêu biểu sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, khuyến khích hội viên tham gia trồng trọt, chăn nuôi sạch, giảm thiểu chất thải từ hoạt động sản xuất.

Nguồn: baobacgiang.com.vn