PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA HỘI NÔNG DÂN CÁC CẤP TRONG XÂY DỰNG VÀ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
11/02/2022 02:49
Phát huy vai trò của Hội và hội viên, nông dân trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, các cấp HND trong tỉnh đã đẩy mạnh và đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường.
Đồng thời vận động 100% gia đình cán bộ, hội viên nông dân ký cam kết thực hiện tốt công tác tự quản về vệ sinh môi trường; sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không sử dụng túi nilon; không xả rác bừa bãi ra nơi công cộng. Đặc biệt các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng về môi trường như: “Ngày Môi trường thế giới”, “Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam”, “Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường”, “Ngày chủ nhật xanh”… tham gia phong trào trồng và chăm sóc cây xanh, ra quân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng; khơi thông cống rãnh, thu gom và xử lý các điểm tồn lưu rác thải bảo vệ cảnh quan môi trường. Tính riêng năm 2021, toàn tỉnh đã có 84.321 lượt người tổ chức dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm, thu gom được 52.542 tấn rác thải, khơi thông 317 km cống, rãnh, trồng gần 1 triệu cây xanh, cây bóng mát, trồng và chăm sóc 37,5 km đường hoa…
Trong thực hiện phong trào “Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”, để phát huy vai trò là nòng cốt của mình, hằng năm, HND tỉnh giao chỉ tiêu “Xây dựng mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu” là một trong những chỉ tiêu chính để đánh giá, xếp loại thi đua của các huyện, thành phố. Trên cơ sở đó, 100% các huyện, thành hội chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo mỗi cơ sở hội xây dựng nhân rộng ít nhất 01 mô hình mới và duy trì hoạt động có hiệu quả các mô hình bảo vệ môi trường đã được xây dựng trước đó. Kết quả, chỉ trong năm 2021, các cơ sở và chi hội trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 93 mô hình, đưa tổng số mô hình do các cấp hội đã xây dựng là 1.532 mô hình như: “Tuyến đường tự quản Sáng – xanh – sạch – đẹp”, “Chi, tổ hội nông dân thu gom rác thải”, “sạch làng, tốt ruộng”, “sạch từ nhà ra ngõ”, “sạch từ ngõ vào nhà”, “cánh đồng xanh 3 không”, “Hội nông dân tham gia thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón bằng chế phẩm sinh học tại hộ gia đình”… Qua đó tạo phong trào rộng khắp, có sức lan tỏa tới cộng đồng dân cư, một số đơn vị làm tốt tiêu biểu như huyện Tân Yên với mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón bằng chế phẩm sinh học tại hộ gia đình”, “cánh đồng không rác thải”; huyện Hiệp Hòa, Sơn Động với mô hình “cánh đồng xanh 3 không” (không sử dụng thuốc trừ cỏ, không dùng chất kích thích sinh trưởng, không vỏ bao bì thuốc BVTV, túi nilon); thành phố Bắc Giang với mô hình “thu gom vỏ bao thuốc BVTV trên đồng ruộng”; huyện Yên Thế với mô hình “Lò đốt rác tại hộ và nhóm hộ gia đình”…
Đặc biệt, HND tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, nhân rộng 04 mô hình về “Hội nông dân tham gia thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón bằng chế phẩm sinh học tại hộ gia đình” tại xã Cao Xá, Ngọc Thiện, huyện Tân Yên; Quỳnh Sơn (Yên Dũng) và Hương Sơn, Quang Thịnh, huyện Lạng Giang. Mô hình được đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng, tích cực tham gia thực hiện bởi phương pháp dễ làm, chi phí thấp, góp phần giảm trên 60% lượng rác thải của hộ gia đình thải ra môi trường. Rác thải hữu cơ sau khi được xử lý thành phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn theo quy trình VietGap; kỹ thuật nuôi thuỷ sản theo hướng thâm canh bền vững; ứng dụng các chế phẩm sinh học, vi sinh vào trồng trọt, chăn nuôi để thay thế các loại thuốc hoá học độc hại, sử dụng phân bón theo quy trình khép kín… Trên cơ sở đó, các cấp Hội đã xây dựng trên 100 mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn, sử dụng chế phẩm sinh học vào trồng trọt, chăn nuôi như: mô hình “Nuôi cá thâm canh theo hướng an toàn sinh học” ở Lão Hộ, Yên Dũng; mô hình “sản xuất na dai theo tiêu chuẩn VietGap” tại Nghĩa Phương, Lục Nam… Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn triển khai xây dựng 04 mô hình thực hiện Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với Môi trường tại Việt Nam” (SRI) do Quỹ BRACE của Anh tài trợ tại xã Đào Mỹ, Nghĩa Hưng (Lạng Giang) và Tư Mại, Tiến Dũng (Yên Dũng) tổng diện tích 9,8ha với 122 hộ tham gia. Tính ưu việt của mô hình là sử dụng phương pháp canh tác lúa sinh thái và hiệu quả, thân thiện với môi trường, giúp tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và nước tưới.
Có thể nói, bằng nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã góp phần nâng cao nhận thức và hành động cho cán bộ, hội viên nông dân trong công tác bảo vệ môi trường, sống thân thiện với môi trường hơn, đồng thời phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới./.
DƯƠNG HỒNG CHƯƠNG- HND tỉnh