Ông Trump thực sự là tổng thống Mỹ cứng rắn nhất với Nga?
22/01/2019 07:36
Sau khi các lực lượng an ninh Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine vào tháng 11 năm ngoái và dọa sẽ biến vùng biển Azov thành khu vực quản lý của Nga, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa ra một loạt đề xuất nhằm đáp trả Moscow như áp đặt thêm các lệnh trừng phạt, đưa tàu tới các cảng của Ukraine hoặc triển khai lực lượng giám sát.
Hai tháng sau đó, Tổng thống Trump vẫn chưa có bất kỳ động thái cứng rắn đáng kể nào với Nga bất chấp sự ủng hộ rộng rãi trong chính quyền Mỹ. Ngay cả các đồng minh châu Âu của Washington cũng im hơi lặng tiếng.
Cách tiếp cận của Tổng thống Trump đối với Nga đã thu hút thêm sự chú ý của dư luận sau khi xuất hiện thông tin gần đây nói rằng Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hồi năm 2017 đã mở một cuộc điều tra phản gián để điều tra về việc liệu ông Trump có đang hành xử thay nước Nga, liệu ông có che giấu thông tin về các cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin hay liệu ông từng dọa rút Mỹ khỏi NATO hay không. Luật sư của ông Trump ngày 20/1 tiết lộ dự án tòa nhà Trump tại Moscow cũng đã được đưa ra thảo luận xuyên suốt cuộc bầu cử vào tháng 11/2016.
Tổng thống Trump đã tuyên bố cứng rắn rằng không có bất kỳ “sự thông đồng” nào với Moscow trong suốt chiến dịch tranh cử của ông và ông chưa bao giờ làm việc cho Nga. Ông Trump cũng thường xuyên tìm cách dập tắt mọi nghi ngờ khi tuyên bố ông đã làm nhiều hơn bất kỳ tổng thống tiền nhiệm nào trong việc đối phó với sự gây hấn của Nga.
“Tôi cứng rắn với Nga hơn rất nhiều so với Obama, Bush và Clinton”, ông Trump viết trên Twitter cách đây một tuần.
Theo New York Times, ông Trump có lý do khi tuyên bố như vậy.
Thực tế, chính quyền Trump đã triển khai những động thái cứng rắn hơn so với các chính quyền tiền nhiệm gần đây trong mối quan hệ với Nga, bao gồm các lệnh trừng phạt, trục xuất ngoại giao và hỗ trợ tăng cường quân sự cho Đông Âu. Chính quyền Trump đã cung cấp cho Ukraine các vũ khí phòng thủ mà cựu Tổng thống Barack Obama từng từ chối và thông báo sẽ hủy hiệp ước vũ khí hạt nhân với Nga để đáp trả sự vi phạm của Moscow.
Tuy nhiên theo các quan chức đương nhiệm và đã rời khỏi chính quyền Mỹ, ít nhất trong một số trường hợp, Tổng thống Trump thực hiện các biện pháp cứng rắn với Nga chỉ do miễn cưỡng hoặc dưới sức ép của các cố vấn cũng như quốc hội.
Lời nói không tương xứng hành động?
Tổng thống Trump để cho cấp dưới công khai chỉ trích các hành động của Nga, trong khi bản thân ông thể hiện sự ngưỡng mộ với Tổng thống Putin và sẵn sàng làm bạn với nhà lãnh đạo Nga. Quyết định rút khỏi Syria gần đây của ông Trump được xem là chiến thắng dành cho Nga. Trong cuộc đối đầu mới nhất với Ukraine, ông chủ nhà Trắng cho đến bây giờ vẫn mở cho Moscow một lối thoát.
“Bạn sẽ thấy một chính sách mà ở đó chính phủ theo đuổi một chính sách nhưng tổng thống không đi theo chính sách đó. Mặc dù ông ấy nói rằng ông ấy đã làm những việc cứng rắn hơn so với các tổng thống tiền nhiệm, tuy nhiên ấn tượng của tôi đó là một số việc ông ấy làm nhưng ngay bản thân ông ấy thậm chí cũng không hiểu những việc đó”, Steven Pifer, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine và hiện công tác tại Đại học Stanford, cho biết.
Một số nhà phân tích đồng cảm hơn với lập trường của Tổng thống Trump cho rằng các tổng thống khác cũng tìm cách duy trì mối quan hệ thân thiện với lãnh đạo các nước đối lập, thậm chí chính quyền của họ áp dụng đồng thời cả hai cách tiếp cận cứng rắn và mềm mỏng nhằm đảm bảo khả năng cải thiện quan hệ.
“Chính sách của chính quyền (Trump) với Nga, cũng như với Trung Quốc và Triều Tiên, cứng rắn hơn nhiều người tiền nhiệm”, Danielle Pletka, phó giám đốc phụ trách nghiên cứu chính sách quốc phòng và nước ngoài tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định.
Bà Pletka cho rằng những người chỉ trích Tổng thống Trump từ chối ghi nhận ông về những hành động mà ông đã được chấp thuận.
“Tiêu chuẩn kép đó là tất cả những gì xấu xa xảy ra đều là lỗi của Donald Trump và tất cả những gì tốt đẹp xảy ra đều không thể xác nhận được”, bà Pletka cho biết.
Hành động cụ thể
Hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ dường như không chào hỏi hay bắt tay khi chạm mặt nhau ở hội nghị G20 tại Argentina năm 2018. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump nhận nhiệm sở với ý định cải thiện quan hệ với Nga sau khi mối quan hệ này bị xấu đi trong nhiều năm do căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng như việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Trong những ngày đầu nhậm chức, đội ngũ của ông Trump từng tính đến việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt Nga được áp đặt từ thời Obama.
Tuy nhiên sau khi xuất hiện thông tin nói Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 theo chỉ đạo của ông Trump, các nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố với ông Trump rằng việc nới lỏng trừng phạt là không thể trì hoãn. Lo ngại tổng thống không đủ cứng rắn với Nga, Quốc hội Mỹ còn thông qua một đạo luật với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối, trong đó đó lưỡng đảng đề nghị tăng cường trừng phạt Moscow. Ông Trump ban đầu phản đối và chỉ ký sau khi xác định rằng bất kỳ quyền phủ quyết nào cũng bị gạt sang một bên.
Sau khi Mỹ cáo buộc các đặc vụ Nga đầu độc một cựu điệp viên Nga sống ở Anh vào năm 2018, các cố vấn hối thúc ông Trump đáp trả Moscow. Ông chủ Nhà Trắng nghe theo và ra lệnh cho 60 nhà ngoại giao cùng nhân viên tình báo Nga rời khỏi Mỹ. Tuy nhiên sau đó ông Trump nổi giận khi biết rằng không phải từng nước, mà toàn bộ các nước châu Âu, mới trục xuất số nhà ngoại giao Nga bằng số Mỹ trục xuất.
Ngay sau đó, các cố vấn của Tổng thống Trump đã chuẩn bị các lệnh trừng phạt bổ sung để đáp trả sự ủng hộ của Nga đối với Syria sau một vụ tấn công nghi bằng chất hóa học tại quốc gia Trung Đông. Tuy nhiên, sau khi tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu tại Syria, ông Trump đã lựa chọn phương án không trừng phạt Nga vì cho rằng Moscow không còn leo thang xung đột. Các trợ lý của ông Trump cho biết vào thời điểm đó, ông Trump tin rằng Nga đã nhận được thông điệp từ Mỹ, do vậy việc trừng phạt Moscow là không cần thiết.
Ngoài các vụ việc được cho là nhượng bộ trên của ông Trump, vụ căng thẳng gần đây giữa Nga và Ukraine tại eo biển Kerch cũng là một phép thử với nhà lãnh đạo Mỹ trong mối quan hệ với Moscow. Theo các trợ lý, ông Trump đã hủy cuộc gặp song phương với ông Putin tại Argentina bên lề hội nghị G20 vào cuối năm ngoái, tuy nhiên sau đó ông lại kéo riêng ông Putin trong bữa tiệc tối của các nhà lãnh đạo dự G20 và nói với tổng thống Nga rằng cuộc khủng hoảng cần phải được giải quyết.
Các quan chức Mỹ đã đưa ra nhiều phương án đáp trả Nga sau vụ bắt tàu Ukraine, bao gồm áp đặt các lệnh trừng phạt mới, tăng hiện diện hải quân NATO tại biển Đen, đưa tàu tới neo đậu tại các cảng của Ukraine, triển khai lực lượng giám sát của NATO và Liên minh châu Âu tại các vùng lãnh thổ của Ukarine để hỗ trợ các tàu Ukraine khi đi qua eo biển Kerch. Tuy nhiên, cho đến nay, Tổng thống Trump vẫn chưa phê chuẩn biện pháp nào.
Nhà Trắng lên tiếng
Theo quan điểm của những người chỉ trích Tổng thống Trump, khi ông chấp thuận lời bác bỏ của Tổng thống Putin về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ bất chấp kết luận ngược lại của cộng đồng tình báo, ông chủ Nhà Trắng đã phủ nhận những nỗ lực của chính quyền Mỹ trong việc gây sức ép với Moscow.
“Người mà ông ấy (Donald Trump) không bao giờ nói một từ tiêu cực nào đó là Vladimir Putin”, Thượng nghị sĩ Mark Warner, nghị sĩ Dân chủ hàng đầu tại Ủy ban Tình báo Thượng viện, nhận định.
Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn phủ nhận những quan điểm chỉ trích Tổng thống Trump.
“Tổng thống Trump từng nhiều lần tuyên bố rõ ràng rằng ông không và sẽ không tha thứ cho hành động xấu xa của Nga. Ông Trump đã có nhiều hành động cứng rắn và quyết đoán nhằm vào Nga để bảo vệ các lợi ích của Mỹ, đồng thời buộc Nga phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ, bao gồm các lệnh trừng phạt mạnh tay”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sander cho biết hôm 20/1.
Thành Đạt
Theo New York Times