Sâu keo mùa thu đe dọa mùa màng ở châu Á

Lượt xem: 124
Tuần trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố một báo cáo cho biết sâu keo mùa thu đang ảnh hưởng đến 8.500 héc-ta diện tích sản xuất lương thực của Trung Quốc. “Binh đoàn” sâu này đã có mặt tại các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Hồ Nam, Quí Châu, Hải Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.
Các chuyên gia bảo vệ thực vật ở Trung Quốc cho biết sâu keo lây lan nhanh hơn dự kiến của họ. Theo USDA, hầu hết các nông dân ở Trung Quốc thiếu nguồn lực tài chính và huấn luyện để khống chế sâu keo hiệu quả.
USDA dự báo trong vòng 12 tháng tới, sâu keo sẽ lây lan ra khắp các diện tích trồng cây lương thực trên cả nước Trung Quốc. Hiện các cơ quan chức năng nước này đã triển khai kế hoạch hành động khẩn cấp để giám sát và ứng phó sâu keo.
USDA cho biết không có thiên địch chống lại sâu keo ở Trung Quốc và tốc độ lây lan mạnh của chúng có thể làm suy giảm sản lượng và chất lượng của các vụ mùa ngô, lúa mì, đậu nành, gạo, lúa miến, mía, bông vải, đậu phụng…
Ngô là mục tiêu tấn công yêu thích của sâu keo mùa thu. Ảnh: Bugworld.org

Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO), cây ngô là mục tiêu tấn công ưa thích của sâu keo nhưng chúng có thể ăn hơn 80 loại cây trồng khác. Loài sâu có thể gây hại ở tất cả các giai đoạn của một vụ mùa ngô, nhưng điều tồi tệ nhất là khi ấu trùng sâu keo biến bắp ngô thành bột nhão.
Trung Quốc là nước sản xuất ngô lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ và có khả năng sản xuất 257,33 triệu tấn ngô trong niên vụ 2018-2019, theo dự báo của USDA.
Dịch sâu keo càng gia tăng thêm áp lực cho ngành nông nghiệp Trung Quốc vốn đang vất vả chống chọi dịch tả heo châu Phi. Khi đàn heo đang suy giảm nhanh, Trung Quốc buộc phải nhập khẩu thịt heo, thậm chí thịt gà để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tương tự, nếu sâu keo gây thiệt hại lớn cho các cây lương thực chính ở Trung Quốc, nước này có thể phải đẩy mạnh nhập khẩu ngô, đậu nành, gạo… trong những năm tới.
Sâu keo mùa thu được phát hiện lần đầu tiên ở Mỹ và sau đó du nhập vào châu Phi vào năm 2016, tấn công các vụ mùa ngô, lúa miến và kê ở đây. Chỉ trong vòng hai năm, sâu keo đã lan ra ¾ diện tích cây trồng lương thực ở châu Phi, gây thiệt hại ít nhất 3 tỉ đô la Mỹ, theo FAO.
Vòng đời của sâu keo mùa thu trải qua sáu giai đoạn và chúng tấn công cây ngô suốt trong quá trình trưởng thành thành bướm đêm. Ảnh: Fao
Giờ đây, ngoài Trung Quốc, loài sâu này đã lan sang nhiều nước châu Á khác.
“Chúng tôi chưa bao giờ thấy loài sâu này trước đây. Chúng chỉ mới được phát hiện vào cuối năm ngoái và vào tháng 1 năm nay ở khu vực này. Đó là một vấn đề lớn”, Uraporn Nounart, một chuyên gia về sâu bệnh nông nghiệp tại Bộ Nông nghiệp Thái Lan nói trong một chuyến thăm các nông trại tại tỉnh Kanchanaburi, phía Tây Bắc Bangkok hồi tháng 3.
Sự xâm nhập của loài sinh vật ngoại lai này có nguy cơ làm đảo lộn mức cân bằng giữa chi phí và lợi nhuận của nông dân ở Thái Lan và các nước châu Á khác. Thuốc trừ sâu rất tốn kém, độc hại và không phải lúc nào cũng có tác dụng.
Yodsapon, một nông dân ở tỉnh Kanchanaburi cho biết, cánh đồng ngô, nếu bội thu, sẽ mang về cho ông 2.000-3.000 baht/vụ nhưng nếu phải xịt thuốc trừ sâu nhiều lần để tiệt trừ sâu keo, chi phí sẽ tăng gấp ba lần bình thường và ông không kham nổi.
Ở các nước bản địa của sâu keo, từ Argentina đến Canada, tùy theo mùa, thiên địch của sâu keo gồm côn trùng ăn mồi sống, ký sinh trùng và các mầm bệnh như vi khuẩn hoặc virus sẽ giúp kiểm soát chúng. Song tại các môi trường sống mới, các tuyến phòng vệ sâu keo đó có thể không có.
Ở những cánh đồng ngô tại tỉnh Kanchanaburi, sâu keo xuất hiện trong tất cả các giai đoạn của vụ mùa ngô, từ giai đoạn cây con đến cây trưởng thành. Một số nông dân ở đây sử dụng thiên địch là ký sinh trùng như nấm bệnh và giun chỉ để diệt trừ phần nào sâu keo.
Nông dân châu Á chủ yếu trồng lúa nhưng ngô cũng là cây lương thực quan trọng và là một trong những nguồn thức ăn chủ lực cho gia cầm và gia súc ở khu vực này, vì vậy, kiểm soát sâu keo là một vấn đề cấp bách.
Marjon Fredrix, một chuyên gia ở văn phòng của FAO tại Bangkok, Thái Lan nói, điều quan trọng là phải triển khai các biện pháp quản lý đầy đủ một khi sâu keo xâm nhập vào một nước. Song bà cảnh báo nguy cơ sâu keo lan rộng là rất thực tế vì khi sâu trở thành bướm đêm trưởng thành, chúng có thể bay hơn 100km mỗi đêm, thậm chí xa hơn nếu có gió hỗ trợ. Theo bà, giải pháp tốt nhất vẫn là nông dân phải theo dõi và phát hiện sớm sâu keo để có thể kiểm soát chúng.
Fredrix nói: “Loài sâu bệnh mới này cần phải được quản lý trong nhiều năm tới và nông dân cần phát triển các kỹ năng kiểm soát sâu keo bền vững”. Hiện FAO đã phát triển một ứng dụng dạy các cách cơ bản để tìm và xử lý với sâu keo.

Ngày 10-5, báo Tiền Phong cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo Thủ tướng về sâu keo mùa thu, một sinh vật ngoại lai rất nguy hiểm, đã xuất hiện và lây lan với tốc độ chóng mặt ở Việt Nam từ đầu năm 2019 đến nay. Loại sâu này đã có mặt trên 30 tỉnh thành và tiếp tục đe dọa cả trăm nghìn hec ta ngô của Việt Nam.Theo khuyến cáo FAO, với sâu keo mùa thu, biện pháp tốt nhất là áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), kiểm tra đồng ruộng sớm, phát hiện ngắt ổ trứng, làm đất phơi khô diệt ấu trùng, nhộng, dùng bẫy đèn, bẫy cây trồng…sau đó, mới dùng đến phương án phun thuốc bảo vệ thực vật. Trước mắt, Cục bảo vệ thực vật đã cho phép sử dụng tạm thời 4 hoạt chất (Bacillus Thuringinensis, Spinetoram, Indoxacarb, Lufenuron) đến hết năm 2019 để diệt trừ sâu keo. Đây là những chất đã được thử nghiệm ở Việt Nam và sử dụng hiệu quả ở một số nước.

Nguồn: tintucnongnghiep.com