Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua hồi ức của tướng Thước

Lượt xem: 219

Trong suốt cuộc đời, có lẽ tôi không bao giờ quên cái ngày 4/10/2013. Bảy giờ tối, nhận được điện thoại báo tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, tôi bần thần cả người. Thế là nước ta mất đi một vị tướng tài ba rồi, mất mát này thật lớn lao không gì bù đắp được.

Trong thế kỷ XX, thế giới chắc chẳng có vị tướng nào như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã đánh bại 10 Đại tướng của Pháp, 4 Đại tướng của Mỹ, được cả thế giới vinh danh. Với tôi, tướng Giáp là một thiên tài toàn năng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học, văn hóa, kinh tế. Thậm chí cả đối ngoại, khi nói chuyện với các tướng nước ngoài, họ đều bị ông thuyết phục.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nguyên là Tư lệnh Quân khu 4 gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Sau khi về nghỉ hưu năm 1997, ông giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

50 năm cầm quân, ông đã trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đánh quân Pôn Pốt (Campuchia), quân phản động Lào và chiến tranh biên giới phía Bắc. Ngần ấy năm, không riêng gì tôi mà tất cả người tham gia chiến tranh đều có những kỷ niệm sâu sắc với tướng Giáp.

Tôi có hai kỷ niệm đặc biệt sâu sắc với ông, một là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hai là khi đã hòa bình quay về lại quân khu 4 xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

nguyen-quoc-thuoc-2942-1380986618.jpg

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước ôn lại kỉ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau khi ký hiệp định Paris năm 1972, quân Mỹ rút dần khỏi chiến trường Việt Nam, quân Ngụy ngày càng suy yếu. Bộ Chính trị ta lúc bấy giờ ra quyết nghị phải giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975 và 1976. Lúc đó, tôi thay mặt Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên ra gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để nhận nhiệm vụ giải phóng Tây Nguyên.

Lần đầu tiên tôi gặp tướng Giáp là vào tháng 10/1974 tại nhà riêng của ông ở 30 Hoàng Diệu. Lúc này ông vừa đi chữa bệnh dạ dày về, người xanh xao nhưng vẫn trò chuyện và lên chiến lược rất nhiệt tình.

Trước khi làm việc, ông hỏi: “Cậu vào miền Nam bao lâu rồi?”. Tôi đáp: “Báo cáo Đại tướng, tôi vào từ năm 1964, đến năm 1974 mới được ra Bắc”. Chắc bác nghe không rõ nên lại hỏi tôi rằng 10 năm được ra Bắc mấy lần rồi, bởi quy định ngày đó là cứ 3 năm cán bộ sẽ được ra miền Bắc bồi dưỡng 1-2 tháng rồi quay lại.

Nhưng tôi thưa với bác đây là lần đầu tiên và cũng phải may mắn có chiến dịch Tây Nguyên tôi mới được ra, chứ không thì chưa chưa chắc. Lúc bấy giờ ông mới ngạc nhiên hỏi tại sao Bộ Tư lệnh Tây Nguyên không thực hiện đúng chỉ đạo cho cán bộ ra nghỉ. Thực tế, tôi hiểu rằng trong chiến trường, lãnh đạo rất sợ cho cán bộ đánh giặc tốt ra Bắc bởi lúc đó thì lấy ai sẽ chỉ huy trong này.

Biết vậy, Đại tướng hỏi tiếp: “10 năm ở chiến trường cậu có biết tình hình gia đình thế nào không”. Tôi thật thà rằng 2 năm đầu còn nhận được 2 lá thư, sau đó không hề có tin tức gì. Bác mới nói: “Cậu không nhớ nhà à?”. Tôi dõng dạc: “Báo cáo Đại tướng, tại sao lại không nhớ, nhưng mà trước mắt là kẻ thù thì phải gác lại tất cả”.

Nét mặt bác đượm buồn, xúc động nói với tôi “Thôi, bây giờ 10 năm, lần này cố gắng vào ít nữa tớ sẽ cho cậu ra miền Bắc dài hơn”.

Qua câu chuyện với tướng Giáp, tôi chiêm nghiệm rằng ngoài việc là một vị Tổng tư lệnh tài ba, ông còn là một người cấp trên rất thông cảm với cấp dưới. Cách xưng hô thân tình “Tớ” với “Cậu” để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, một vị tư lệnh sắt đá với kẻ thù nhưng rất mềm mỏng, nhân ái, tình nghĩa với đồng chí, cán bộ cấp dưới. Có lẽ chính cái nhân văn đó của người mới thu hút được tình cảm của cán bộ chiến sĩ, khiến toàn quân đồng lòng giải phóng dân tộc.

Trước khi trở vào Tây Nguyên, ông lại gọi tôi sang. Những tưởng cấp trên sẽ có thay đổi gì nhưng thực tế ông chỉ dặn dò: “Tất cả nhiệm vụ tôi đã dặn đồng chí xong rồi, giờ chỉ nói lại hai vấn đề”.

Một là lần đầu tiên quân đội ta đánh vào thành phố lớn – Ban Mê Thuột (thủ phủ của Tây Nguyên), muốn đánh nhanh thì phải tổ chức một lực lượng thọc sâu bằng bộ binh cơ giới, tức xe tăng và bộ binh thọc sâu vào ngay trung tâm. Nếu đánh chậm, địch cố thủ được thì rất khó khăn.

Thứ hai, rất quan trọng, ông dặn dò tình hình chiến trường có thể diễn biến rất nhanh, chưa dự báo trước được. “Cậu vào nói với Tư lệnh, tình hình có thể diễn biến mau lẹ, người Tư lệnh mặt trận chiến dịch không cần chờ lệnh cấp trên mà tùy tình hình quyết đoán”, ông chỉ thị.

Với chiến lược như vậy, chỉ chưa đầy 2 ngày Ban Mê Thuột được giải phóng hoàn toàn (từ 10/3 đến trưa 11/3). Ngay sau đó, 3 cánh quân của ta theo đường 19, đường 7 và đường 21 ào xuống như thác lũ, thọc vào chiếm luôn 3 tỉnh Tây Nguyên. Chiến dịch ban đầu chỉ nói là giải phóng một phần Tây Nguyên nhưng kết quả lại giải phóng được toàn bộ 3 tỉnh, vượt ngoài tưởng tượng.

Không chỉ vậy, kế hoạch của Bộ Chính trị dự kiến ta sẽ giải phóng miền Nam trong 2 năm, thì chúng ta cũng chỉ mất 56 ngày, từ ngày giải phóng Tây Nguyên đến khi tiến vào dinh Độc lập, thống nhất đất nước. Điều này để thấy rằng tuy vị Tổng tư lệnh ngồi ở Hà Nội nhưng ông đã dự báo được tình hình, cho thấy tài thao lược của người tư lệnh vĩ đại.

Ngồi ngẫm lại, tôi thấy lúc trước ông nói “ít nữa tớ sẽ cho cậu ra Bắc” thì chỉ nghĩ chắc tư lệnh động viên tinh thần để vào lại chiến trường cho vui vẻ thôi, nhưng sau mới thấy đây như một dự báo trước cho chiến thắng năm 1975. Tôi không khỏi thán phục: “Sao ông giỏi thế. Ông chỉ giao nhiệm vụ có mấy trang giấy thôi nhưng cả Tây Nguyên giải phóng, dẫn tới chiến thắng 30/4”.

Nhưng rồi giải phóng miền Nam xong tôi vẫn chưa thể ra Bắc vì còn phải đi đánh quân Pôn Pốt, rồi đến chiến tranh biên giới phía Bắc, sau đó lại được điều về làm Tư lệnh quân khu 4. Dù xa vợ con hàng chục năm trời, nhưng chính sự tin tưởng vào cấp trên, tôi và đồng đội một lòng hoàn thành nhiệm vụ.

Khi hòa bình, tôi lại có dịp gặp lại Đại tướng khi ông về làm việc với quân khu 4. Lúc này ông là Phó Thủ tướng, được Đảng giao nhiệm vụ xây dựng đất nước, phát triển kinh tế – văn hóa – khoa học. Tuy nhiên, không bao giờ ông quên trước hết mình là một Tổng tư lệnh. Do vậy, khi vào Nghệ An làm việc với quân khu dưới tư cách Chính phủ, gặp lại tôi ông hồ hởi nói: “Mình nhớ cậu rồi. Giờ cậu về đây là phải, thế cậu có thắc mắc không”. Tôi nói: “Không, tôi không thắc mắc gì cả. Những gì Đảng và quân đội giao thì tôi làm tròn”.

Lúc đó ông nói: “Giờ đất nước thống nhất rồi, không phải đánh nhau nữa nhưng phải lo xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Đất nước mình hòa bình nhưng chưa thể yên. Thế cậu đã có giải pháp gì chưa?”.

Tôi mới về làm Tư lệnh quân khu 4, qua kinh nghiệm trong chiến trường thấy rằng quân chủ lực muốn mạnh thì phải có hậu phương, cơ sở quốc phòng, tự vệ, dân quân động viên mạnh. Cho nên bấy giờ, quân khu có chủ trương xây dựng các xã, phường với khẩu hiệu “An toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu”. Tôi báo cáo vậy, Đại tướng nhận xét: “Nghe hay rồi, nhưng mà tôi hỏi cậu là bây giờ quân khu 4 đã xây dựng được bao nhiêu xã, phường an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu rồi”.

Tôi thưa Thanh Hóa được chừng này phần trăm, Nghệ An chừng này, Hà Tĩnh chừng này, Thừa Thiên Huế, Quảng trị, Quảng Bình chừng này. Lúc đó, có cả đồng chí ở Hà Tĩnh ngồi đó, ông hỏi “Này đồng chí tỉnh đội trưởng Hà Tĩnh, trong mấy chục phần trăm đó thì đồng chí biết được xã nào chưa vững mạnh chưa”. Bấy giờ ông tỉnh đội trưởng Hà Tĩnh nói rằng còn 14%, mỗi huyện có chừng này.

Nghe xong, ông tuyên dương chúng tôi: “Các cậu đúng là con nhà quân sự, đánh giặc là phải giỏi từ cơ sở. Giờ các cậu nắm được như vậy mới biết yếu cái gì để sau củng cố lên”.

Từ đó tôi thấy được tư tưởng của tướng Giáp, từ một con người có tầm nhìn chiến lược cao nhưng lại đi sâu vào cụ thể, không chỉ trong đánh giặc mà còn trong xây dựng đất nước. Đây chính là bài học lớn mà ông đề lại. Xây dựng đất nước vững mạnh thì phải xây dựng nền tảng từ con người, mà muốn vậy thì phải biết cơ sở như thế nào, ai mạnh, ai yếu. Nếu mình nói chung chung, không nắm được cụ thể vấn đề thì khó có thể giải quyết.

Sau này nghỉ hưu chính thức ra Bắc đoàn tụ gia đình, tôi cũng có dịp đến thăm Đại tướng, cả lúc ông đang điều trị trong viện 108. Khi biết tin ông ốm nặng, những người lính chúng tôi vẫn luôn nói với nhau mong tướng Giáp sống lâu.

Giờ hỏi tôi có buồn không khi tướng Giáp mất rồi, ai chẳng đau đớn, ai chẳng mong bác sống thọ để giúp ích cho đất nước, nhưng quy luật thời gian thì không thể chống lại. Song, hoàn toàn không có cái buồn ủy mị, làm mất ý chí, nghị lực của con người. Chúng ta phải biến đau thương thành sức mạnh, giống như khi Bác Hồ mất năm 1969, quân đội Việt Nam quyết tâm biến đau thương thành hành động để rồi sau đó có trận đánh vang dội Tây Nguyên và giải phóng miền Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi để lại tài sản vô giá, đó là ý chí, văn hóa cách mạng, tinh thần tự lực, chúng ta phải tiếp tục sự nghiệp đó của người để đưa đất nước tiến lên, không chịu thua kém các cường quốc khác.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước