Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội 6/1 (1946-2021): Không ngừng đổi mới vì lợi ích của nhân dân

Lượt xem: 112

Bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bác Hồ đã chỉ đạo phải tập trung tổ chức càng sớm càng tốt cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội).

Bác đã ký Sắc lệnh số 14 ngày 8/9/1945 và Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 về tổ chức tổng tuyển cử. Trên cơ sở đó, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được tiến hành ngày 6/1/1946.

Khu vực bỏ phiếu trong Ngày Tổng tuyển cử 6/1/1946. (Ảnh tư liệu TTXVN).

Khu vực bỏ phiếu trong Ngày Tổng tuyển cử 6/1/1946. (Ảnh tư liệu TTXVN).

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tiến hành theo nguyên tắc dân chủ, tiến bộ, đó là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ. Đó là mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử cũng đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại.

Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ – Nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đến nay, trải qua 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội Việt Nam không ngừng trưởng thành, đã đạt được những thành tựu quan trọng trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần to lớn vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Từ Quốc hội khóa I cho đến nay, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp (chưa kể các bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung): Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013, qua đó kế thừa và hoàn thiện Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử. Cùng với sự phát triển lớn mạnh của đất nước, trong 75 năm qua, nhiều đạo luật quan trọng đã được Quốc hội ban hành góp phần thể chế hóa quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện quản lý xã hội theo hiến pháp và pháp luật.

Dấu ấn của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang

Trong thành quả chung của hoạt động Quốc hội có vai trò quan trọng của nhiều thế hệ đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Bắc trước đây và Bắc Giang ngày nay. Qua 14 khoá Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Bắc – Bắc Giang có 137 đại biểu, nhiều đồng chí giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước.

Đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang động viên học sinh Trường THCS Thân Nhân Trung (Việt Yên) thi đua học tập. Ảnh: Mai Toan

Đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang động viên học sinh Trường THCS Thân Nhân Trung (Việt Yên) thi đua học tập. Ảnh: Mai Toan

Trong quá trình hoạt động, Đoàn ĐBQH đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, duy trì và thực hiện nghiêm chế độ làm việc; thực hiện tốt nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, nghiêm chỉnh chấp hành và triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết, chủ trương của Tỉnh ủy; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND tỉnh và Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, huyện, thành phố.

Tổ chức tốt việc lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân vào các dự thảo luật; thực hiện chức năng giám sát; tổ chức các hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang có 8 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Trong quá trình hoạt động, mỗi đại biểu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ. 5 năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ban hành 65 văn bản góp ý vào các dự án luật. Hoạt động giám sát chuyên đề và khảo sát được đổi mới cả về nội dung và phương thức phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương.

Trong nhiệm kỳ, Đoàn tổ chức 15 cuộc giám sát chuyên đề, tập trung vào các vấn đề cấp thiết như: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, cải cách bộ máy hành chính, quản lý và sử dụng nguồn vốn vay…

Qua giám sát đã ban hành các kiến nghị gửi tới các cơ quan T.Ư, cơ quan, đơn vị ở địa phương xem xét, giải quyết. Ngoài ra, ĐBQH trong Đoàn đã tích cực tham gia Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; tham gia các hoạt động giám sát của HĐND, MTTQ tỉnh ở địa phương.

Công tác tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới trong tổ chức thực hiện; việc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp được duy trì đều đặn. Trong nhiệm kỳ, Đoàn đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức 122 cuộc tiếp xúc cử tri thường lệ trước và sau các kỳ họp Quốc hội, 30 cuộc tiếp xúc cử tri theo đối tượng, chuyên đề, lĩnh vực đại biểu quan tâm với sự tham gia của gần 16 nghìn lượt cử tri.

Qua đó, chuyển tải 274 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri tới cơ quan có thẩm quyền, trong đó 134 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư; 140 ý kiến, kiến nghị liên quan đến các cơ quan của tỉnh. 100% các kiến nghị của cử tri đã được cơ quan chức năng trả lời; 86% các kiến nghị đối với cấp tỉnh đã giải quyết xong.

Việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Đoàn ĐBQH và các ĐBQH được thực hiện kịp thời, bảo đảm quy trình.

Tại nghị trường, các đại biểu luôn đề cao trách nhiệm trước cử tri và nhân dân; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chuyển tải tới các cơ quan thẩm quyền và diễn đàn Quốc hội để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân; tham gia thảo luận sôi nổi, chất vấn thẳng thắn đối với những vấn đề mà cử tri, nhân dân gửi gắm trên tinh thần trách nhiệm, quyết liệt; không bị chi phối bởi lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm.

75 năm qua, Quốc hội nói chung và Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nói riêng luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, hoạt động ngày càng chất lượng, tạo lập được sự tin tưởng và những ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri.

Đây là tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của Quốc hội trong thời gian tới, là cơ sở quan trọng để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Nguồn: baobacgiang.com.vn