Năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5%

Lượt xem: 154
Quang cảnh buổi họp báo

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế

Tổng kết chặng đường 5 năm giai đoạn 2016- 2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đó là: Đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP; riêng năm 2020, duy trì mức tăng trưởng dương dù đối mặt với sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới kể từ Đại suy thoái 1929- 1932. Quy mô kinh tế đạt hơn 340 tỷ USD – đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (vượt mục tiêu đề ra là 30- 35%).

Tăng trưởng từng bước chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ hơn khoa học, công nghệ. Bội chi NSNN bình quân giai đoạn ở mức 3,6- 3,7% GDP, đạt mục tiêu đề ra (khoảng 4%) và giảm so với giai đoạn trước (khoảng 5,4% GDP theo Luật NSNN 2015).

Bên cạnh đó, hơn 8 triệu việc làm mới đã được tạo ra, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên. Tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân đã tăng gần 145%. WB đánh giá nếu tính theo sức mua tương đương, thu nhập trung bình đầu người của chúng ta đạt tương đương gần 9.000 USD.

Vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước. Doanh nghiệp của Việt Nam đang dần chiếm lĩnh một số vị trí then chốt của nền kinh tế. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng đầu tư vào công nghệ, sáng tạo, nắm bắt và làm chủ các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều sản phẩm hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Kinh tế phát triển nhanh nhưng tình trạng bất bình đẳng được kiểm soát tốt, cả bình đẳng về thu nhập lẫn bình đẳng giới. Báo cáo gần đây của UNDP đã xếp Chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam vào nhóm phát triển cao của thế giới.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; an ninh lương thực được bảo đảm; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ đang trở thành xu hướng. Xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm. Công nghiệp chuyển biến theo chiều sâu với tỉ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 23- 50% trong cùng kỳ.

Nhiều ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, hàm lượng khoa học, công nghệ cao như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại điện tử phát triển khá nhanh.

Năm 2021: Quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, biến thách thức thành cơ hội

Giới thiệu về Nghị quyết 01, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Nghị quyết tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định thông điệp của năm 2021 là:

Tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới.

Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, với niềm tin, ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2021- 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm giai đoạn 2021- 2030, sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển về tầm nhìn đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Năm 2021 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2020 như phát biểu chỉ đạo, giao nhiệm vụ của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tháng 12/2020.

Để thực hiện được những yêu cầu trên, phương châm hành động của năm 2021 được xác định là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”.

Cùng với việc thực hiện mục tiêu hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 124/2020/QH14, để tạo nền tảng cho tăng tốc phát triển ngay từ năm đầu của giai đoạn 2021-2025, hướng tới phát triển nhanh và bền vững theo đúng Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; trên cơ sở nhận định, đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế và với quyết tâm cao, Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng GDP năm 2021 là khoảng 6,5% (cao hơn mức khoảng 6% Quốc hội giao). Đồng thời, Chính phủ đề ra 96 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phấn đấu thực hiện và là căn cứ để kiểm tra, đánh giá, đo lường kết quả thực hiện Nghị quyết của các bộ, ngành, địa phương.

Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Chính phủ xác định 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành, với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 188 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, phục vụ tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026. Chính phủ yêu cầu, các bộ khẩn trương xây dựng, ban hành chương trình hành động, kế hoạch công tác để triển khai thực hiện Nghị quyết.

Hai là, tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Vaccine của chúng ta chưa áp dụng được nên sẽ phải mua. Dù có vaccine vẫn phải thực hiện tốt việc phòng chống, đặc biệt quản lý nhập cảnh, truy vết, cách ly tốt, khuyến khích người dân tham gia phát hiện tốt các trường hợp nhập cảnh, cư trú trái phép, trốn tránh cách ly.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, xác định thể chế là nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước. Rà soát, sửa đổi, bổ sung khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật nhất là trong các lĩnh vực NSNN, thuế, đất đai, tài nguyên, môi trường, đầu tư, xây dựng, thương mại, quản lý thị trường… nhằm giải phóng các nguồn lực cho phát triển và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật mới ban hành, bảo đảm chất lượng và giảm thiểu số lượng văn bản ban hành.

Bốn là, xây dựng hệ thống hành chính Nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, thực chất gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Năm là, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công. Ban hành chính sách thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, như: Kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, đô thị thông minh… đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Tăng cường sử dụng văn bản điện tử, xử lý công việc trên môi trường mạng, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Sáu là, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ. Xác định đây là yếu tố có vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

Bảy là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là về giao thông, năng lượng, đô thị lớn, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tám là, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện tốt các chính sách giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao… bảo đảm cơ hội bình đẳng cho mọi người, thúc đẩy xã hội hóa gắn với hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, người yếu thế trong xã hội.

Chín là, chú trọng phát triển bền vững, xác định rõ và tập trung thực hiện đồng bộ hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường. Kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế. Khẩn trương triển khai kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh (500.000 ha). Chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn. Có giải pháp tổng thể phòng, chống thiên tai ở các vùng chịu nhiều rủi ro thiên tai…

Đối với Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020- 2025, với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, Nghị quyết 02 năm nay đề ra thông điệp của Chính phủ là Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục bởi nếu chúng ta đứng yên hoặc cải cách chậm hơn thì tức là thụt lùi và sẽ bị bỏ lại phía sau.

Mục tiêu phấn đấu năm 2021 của Chính phủ:

  1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP): Khoảng 6,5% (kế hoạch năm 2021 Quốc hội giao là khoảng 6%).
  2. GDP bình quân đầu người: Khoảng 3.700 USD
  3. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân: Khoảng 4%
  4. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng: Khoảng 45- 47%
  5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội: Khoảng 4,8%
  6. Tỷ lệ lao động qua đào tạo: Khoảng 66% (trong đó: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%)
  7. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế: Khoảng 91%
  8. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều: 1 – 1,5 điểm %
  9. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung: Trên 90%
  10. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị: Trên 87%
  11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: Khoảng 91%
  12. Tỷ lệ che phủ rừng: Khoảng 42%.
Nguồn: KT