Đoàn ĐBQH Bắc Giang nêu nhiều ý kiến tại phiên thảo luận tổ

Lượt xem: 137

Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang là Tổ trưởng, chủ trì thảo luận ở tổ số 12 (gồm các tỉnh: Bắc Giang, Hòa Bình, Đắk Nông và Ninh Thuận).

Tại phiên thảo luận có gần 20 lượt ý kiến góp ý vào các báo cáo của Chính phủ; các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội; góp ý vào dự thảo nghị quyết.

Đồng chí Dương Văn Thái chủ trì thảo luận ở tổ số 12.

Đồng chí Dương Văn Thái chủ trì thảo luận ở tổ số 12.

Thảo luận tại tổ, các đại biểu Đoàn Bắc Giang bày tỏ sự thống nhất cao với Báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của các cơ quan Quốc hội. Các đại biểu đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ. Những tháng đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng mạnh ở một số quốc gia, đặc biệt tại khu vực châu Á. Trong nước, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4, từ ngày 27/4/2021. Bắc Giang là một trong những tỉnh nằm trong tâm dịch lần này; KT-XH bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.

Đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn Bắc Giang thảo luận tại tổ.

Đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn Bắc Giang thảo luận tại tổ.

Các đại biểu cũng đồng tình với những chủ trương, chính sách, biện pháp đã được Chính phủ ban hành kịp thời với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của người dân; duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Ổn định việc làm, hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.

Các đại biểu bày tỏ sự thống nhất rất cao với những nhận định, đánh giá tình hình và các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2021 cũng như mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trong giai đoạn 5 năm tới.

Góp ý vào báo cáo của Chính phủ, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị Quốc hội và Chính phủ có giải pháp quyết liệt hơn về mặt thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các địa phương chủ động triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Về giải pháp 6 tháng cuối năm và 5 năm tới, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề xuất: Chính phủ quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng chính sách pháp luật và gắn với tổ chức thi hành pháp luật. Đây là một trong những giải pháp sẽ tác động tích cực đến kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ KT-XH.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể và quyết liệt hơn để đạt được mức tăng trưởng 3,34% trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng việc phát triển sản xuất nông lâm, thủy sản chưa được đánh giá toàn diện. Ở lĩnh vực này, ngoài những nhận định và đánh giá trong báo cáo của Chính phủ thì vẫn còn 3 nút thắt như: Tình trạng manh mún về đất đai; Việc tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; Sản xuất còn mang tính tự phát, chưa gắn với thị trường. Do vậy cần có các giải pháp toàn diện trong 6 tháng cuối năm và cho cả giai đoạn 5 năm tới nhằm tăng chất lượng hàng hóa nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; gia tăng giá trị hàng hóa, nâng cao và ổn định thu nhập của nông dân.

Kết thúc phiên thảo luận, đồng chí Dương Văn Thái ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu, yêu cầu tổ thư ký tổng hợp đầy đủ để báo cáo chủ tọa kỳ họp.

Nguồn: baobacgiang.com.vn