Bắc Giang: Hội thảo báo chí “Tuyên truyền xây dựng thương hiệu vùng cây ăn quả”

Lượt xem: 100
Hội thảo có sự tham gia của Hội nhà báo Trung ương và các địa phương

Bắc Giang là tỉnh có tập đoàn cây ăn quả phong phú và diện tích lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích 45 nghìn ha, trong đó diện tích vải có gần 31.300 ha, bưởi 500 ha… Hiện nay, sản xuất cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đã tạo nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đa dạng. Năng suất, sản lượng, chất lượng, thương hiệu và hiệu quả sản xuất cây ăn quả của tỉnh được nâng lên rõ rệt, thị trường tiêu thụ được mở rộng.

Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Bắc Giang cho biết: “Việc phối hợp giữa các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương tuyên truyền về vùng cây ăn quả Bắc Giang là vô cùng quan trọng nhằm quảng bá thương hiệu của vùng cây ăn quả nổi tiếng với những sản phẩm đặc thù như: vải thiều, cam đường Canh, bưởi Diễn… với người tiêu dùng cả nước và trên thế giới. Việc xây dựng thương hiệu sẽ đòi hỏi người sản xuất phải nâng cao chất lượng sản phẩm của mình để đảm bảo tiêu chuẩn đặt ra, đặc biệt khi xuất khẩu ra nước ngoài. Hội thảo lần này nhằm mục tiêu tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền cho vùng cây ăn quả Bắc Giang. Tại hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết với nhiều góc nhìn khác nhau trong việc xây dựng thương hiệu cây ăn quả của cả nước nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng”.

Tại hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 24 ý kiến, trong đó các đại biểu tập trung tham luận, làm rõ một số vấn đề: kinh nghiệm tuyên truyền về quảng bá, xây dựng thương hiệu cây ăn quả trên các ấn phẩm của cơ quan báo chí; tuyên truyền mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn trong nước và nước ngoài; vấn đề quy hoạch phát triển cây ăn quả của tỉnh Bắc Giang cũng như các tỉnh, thành phố; tuyên truyền chiến lược phát huy lợi thế phát triển bền vững cây ăn quả…

Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Trưởng ban nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam trăn trở về trách nhiệm của người làm báo

Xây dựng đầu mối thông tin chính thống

Đại diện thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Bắc Giang đặt vấn đề, trên thực tế, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, sự liên kết giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng các sản phẩm nông sản phát triển một cách tự phát. Làm sao mà xây dựng được thương hiệu nông sản khi mà người nông dân chưa thoát khỏi được tư duy sản xuất truyền thống? Nhà báo khẳng định, thay đổi nhận thức của người nông dân để thích nghi với quy trình sản xuất hàng hóa trong cơ chế thị trường là một phần trách nhiệm của cơ quan truyền thông.

Không chỉ tham gia vào ngay từ giai đoạn đầu của quá trình xây dựng thương hiệu, truyền thông cần hỗ trợ đắc lực cho hoạt động quảng bá thương hiệu như marketing, xúc tiến thương mại, phổ biến kiểu dáng sản phẩm… Để làm được điều này, nhà báo cho rằng các cơ quan, ban, ngành từ tỉnh đến địa phương, thậm chí cả người nông dân đều phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông. Bên cạnh đó, Bắc Giang cần xây dựng quy chế phát ngôn. Việc xây dựng một đầu mối cung cấp thông tin duy nhất không những tạo sự thống nhất trong công tác tuyên truyền mà còn kịp thời xử lý khi xuất hiện khủng hoảng truyền thông. Bài học về thông tin “ăn vải thiều bị tử vong” xảy ra cách đây nhiều năm song đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Mở rộng diện tích cây ăn quả theo quy trình VietGap

Theo ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, để nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả, đặc biệt là quả vải thiều, năm 2016 và những năm tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo duy trì và mở rộng diện tích một số cây ăn quả thế mạnh của tỉnh theo quy trình VietGap và GlobalGap, trong đó mở rộng diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap tại huyện Lục Ngạn và các huyện trọng điểm lên 15 nghìn ha đến năm 2020. Để thực hiện được mục tiêu này, ông Phượng cho rằng cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ vùng sản xuất vải đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap nói riêng, cây ăn quả của tỉnh nói chung, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ. Áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Đồng thời làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, dự báo về tình trạng thị trường.

Trách nhiệm của truyền thông

Một vấn đề mà nhiều nhà báo quan tâm tại hội thảo, đó là trách nhiệm của người làm báo. Nhà báo phải đưa tin đúng sự thật. Hoặc nếu là một sự thật nhưng nằm trong bối cảnh đặc biệt, nhà báo cần đặt trong bối cảnh cụ thể, có lý giải rõ ràng trách gây hiểu lầm cho độc giả. Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Trưởng Ban nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam lấy ví dụ khi một người ăn phải một loại quả và bị ngộ độc, nếu báo chí không đưa thông tin cẩn thận có thể khiến người tiêu dùng hiểu nhầm rằng cả vùng sản xuất đó bị nhiễm độc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều… Từ đó gây hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, ông nhấn mạnh, trước khi thông tin một vấn đề, nhà báo cần đặt câu hỏi, vấn đề đó có tác dụng tốt cho xã hội hay không, tác dụng đến đâu và phải tuyên truyền như thế nào.

Ngoài ra, nhiều đại biểu tại các tỉnh có thế mạnh về cây ăn quả như: Hưng Yên, Phú Thọ… cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm tuyên truyền trong sản xuất, xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; việc gắn kết giữa báo chí và cơ quan quản lý; tập kết quả vải tại các cửa khẩu biên giới…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá cao vai trò của các cơ quan truyền thông trong tuyên truyền xây dựng vùng cây ăn quả tại tỉnh Bắc Giang

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá cao vai trò của các cơ quan truyền thông trong tuyên truyền xây dựng vùng cây ăn quả tại tỉnh Bắc Giang. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong thời gian tới, các Bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan liên quan thu thập thông tin, dự báo nhu cầu tiêu thụ của từng sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước; tuyên truyền rộng rãi các yêu cầu kỹ thuật, các tiêu chuẩn nhập khẩu của từng thị trường. Trên cơ sở đó khuyến cáo, định hướng sản xuất và sản lượng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ tỉnh kết nối với doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu để xuất khẩu sản phẩm của tỉnh vào các thị trường mới; hỗ trợ tỉnh công tác quảng bá, xúc tiến xuất khẩu tại các quốc gia trên thế giới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh Bắc Giang luôn xác định công tác tuyên truyền là một nhân tố hết sức quan trọng trong việc cập nhật và đưa những thông tin hữu ích, nhanh nhất đến người sản xuất và tiêu dùng, góp phần tạo thuận lợi cho việc quảng bá, xúc tiến và lưu thông tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt tiêu thụ hoa quả của tỉnh Bắc Giang. Do vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà mong muốn nhận được sự hợp tác hiệu quả từ các cơ quan truyền thông./.

bacgiang.gov.vn