Hỗ trợ xây dựng hạ tầng và giảm nghèo bền vững cho thôn, bản đặc biệt khó khăn

Lượt xem: 111
Cứng hóa kênh mương tại thôn Khang, xã Quế Sơn (Sơn Động). Ảnh: Trịnh Lan.

Cứng hóa kênh mương tại thôn Khang, xã Quế Sơn (Sơn Động). Ảnh: Trịnh Lan.

Qua hai năm thực hiện, với tổng số vốn 24 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, các thôn, bản ĐBKK đã được hỗ trợ xây dựng 25 công trình thủy lợi, giao thông, 5 phòng học, một nhà văn hóa cùng nhiều mô hình phát triển sản xuất. Những công trình này giúp bảo đảm chủ động trữ nước và dẫn nước tưới tiêu cho cho hơn 200 ha lúa, khắc phục tình trạng giao thông khó khăn, nhất là trong mùa mưa lũ đối với gần 2 nghìn hộ dân ở các thôn, bản ĐBKK và khu vực lân cận.

Các mô hình sản xuất tập trung từ 7-10 hộ nghèo/mô hình đã phát huy hiệu quả như: Nuôi cá lồng ở xã Sơn Hải (Lục Ngạn), trồng cam Vinh ở xã Canh Nậu (Yên Thế)… Bên cạnh đó, chính sách tín dụng ưu đãi đối với bà con cũng được quan tâm. Gần 1,7 nghìn hộ đã được vay hơn 48 tỷ đồng, đáp ứng gần 100% nhu cầu của bà con để sản xuất, kinh doanh, cải thiện nguồn nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường, trang trải chi phí học tập của con em.

Công trình nước sạch thôn Khả, xã Vân Sơn (Sơn Động).

Công trình nước sạch thôn Khả, xã Vân Sơn (Sơn Động).

Các đơn vị còn tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan, doanh nghiệp (DN) được Chủ tịch UBND tỉnh phân công đầu tư xây dựng, phát triển KT-XH. Thống kê cho thấy, 11 DN đã có những hoạt động thiết thực giúp đỡ các thôn, bản được phân công với tổng số tiền hỗ trợ gần 4 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này đầu tư xây dựng ba nhà văn hóa, 4 công trình lớp học, một trạm bơm và 10 nhà đoàn kết cho cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam. Trong đó, Thành ủy, UBND TP Bắc Giang giúp đỡ xây dựng hai nhà văn hóa ở thôn Khe Khuôi và thôn Mùng, xã Dương Hưu (Sơn Động); Công ty Bất động sản Hà Quang, TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) hỗ trợ xây dựng 10 nhà đoàn kết và tài trợ 900 suất học bổng cho học sinh người dân tộc thiểu số với tổng số tiền 1,2 tỷ đồng. Công ty Xăng dầu Hà Bắc tài trợ xây hai lớp học mầm non cho thôn Đồng Phai, Đồng Chùa, xã Hộ Đáp (Lục Ngạn) trị giá 500 triệu đồng.

36 thôn, bản ĐBKK nhất tỉnh thuộc 21 xã ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế được đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi. Cùng đó, các đơn vị còn tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan, DN được Chủ tịch UBND tỉnh phân công đầu tư xây dựng, phát triển KT-XH.

Bằng tinh thần tương thân tương ái, nhiều cơ quan, DN, đơn vị trên địa bàn cũng tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội hướng về bà con các thôn, bản ĐBKK, giúp người dân ổn định cuộc sống, tạo sinh kế vươn lên xóa nghèo, dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thông tin tuyên truyền…

Từ các nguồn lực hỗ trợ đã góp phần cải thiện, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, giao thương, giúp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên bên cạnh đó còn những hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền xã và đơn vị, DN chưa vào cuộc mạnh mẽ để triển khai các nội dung giúp đỡ các thôn, bản theo phân công; có thôn, bản chưa xây dựng được mô hình phát triển sản xuất tập trung. Tỷ lệ giảm nghèo còn chậm…

Để bảo đảm đúng tiến độ, mục đích đề ra, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các huyện liên quan thực hiện đầy đủ các nội dung đề ra và theo hướng dẫn, chỉ đạo của tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở; tiếp tục huy động hỗ trợ của các đơn vị, DN được phân công và sự chung tay, đóng góp của cộng đồng trong hỗ trợ và triển khai các nội dung. Rà soát, đánh giá thực trạng KT-XH, cơ sở hạ tầng của 36 thôn, bản ĐBKK nhất tỉnh và một số thôn bản ĐBKK khác để có cơ sở tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bổ sung, sửa đổi Nghị quyết số 34.

Theo baobacgiang.com.vn