Chương trình OCOP tại Lục Nam: Chú trọng xúc tiến thương mại
27/06/2019 08:55
Củng cố chất lượng nông sản
Lục Nam có khoảng 640 ha nhãn, tập trung ở các xã: Lục Sơn, Đan Hội, Đông Hưng, Đông Phú, Nghĩa Phương, Bình Sơn… tổng sản lượng gần 7 nghìn tấn/năm.
Ông Nguyễn Đình Bến (giữa) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc nhãn. |
Với nhiều giống nhãn chất lượng cao như: Miền Thiết, siêu ngọt, da bò, nhãn muộn, cộng với chất đất, khí hậu phù hợp với cây nhãn nên được huyện ưu tiên đầu tư. Ngoài chuyển đổi cơ cấu giống, huyện đang từng bước hỗ trợ hình thành vùng nhãn VietGAP để xây dựng thương hiệu, hướng đến xuất khẩu.
Hộ ông Nguyễn Đình Bến, thôn Vĩnh Tân, xã Lục Sơn (Lục Nam) có hơn một ha nhãn với 200 gốc. Ông cần mẫn chăm chút vườn quả, ghi chép tỉ mỉ các công đoạn chăm sóc.
Nâng chùm nhãn vàng xộm trên tay, ông Bến cho biết, do được chăm bón đúng quy trình kỹ thuật nên quả nhãn to, đều, vỏ vàng, nhẵn, chứng tỏ nhãn đủ dưỡng chất và ánh sáng, chắc chắn sẽ thơm ngon. Từ năm 2018 gia đình ông Bến cùng hơn 20 hộ khác ở thôn Vĩnh Tân được huyện hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật để thí điểm xây dựng mô hình sản xuất nhãn sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, tổng diện tích 20 ha với các giống nhãn Miền Thiết và siêu ngọt.
Mặc dù mới năm đầu làm theo quy trình VietGAP nhưng chất lượng nhãn thơm, ngọt hơn, mã đẹp. Giá trị tăng khoảng 15% so với sản xuất thường. Năm ngoái, với diện tích này ông Bến thu 11 tấn quả.
Cùng cách làm của ông Bến, hiện nhãn của nhiều hộ như gia đình ông Nguyễn Văn Cửu, bà Như Thị Nhạt (cùng thôn Vĩnh Tân) đều cho kết quả tốt. Năm nay tuy mất mùa nhưng nhãn của các hộ sản xuất theo quy trình VietGAP ở thôn Vĩnh Tân vẫn đậu ở mức khá, đạt khoảng 70% sản lượng so với năm 2018.
Đến thời điểm này, Lục Nam có 8 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu và phát huy hiệu quả là: Na, dứa, hạt dẻ, trà hoa vàng Lựu Chanh Trường Sơn, rượu núi Huyền, chả giã tay, khoai lang Bắc Lũng và khoai sọ Khám Lạng. |
Ông Nguyễn Danh Muốn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lục Sơn chia sẻ, chủ trương của huyện là hỗ trợ bước đầu cho người dân Lục Sơn áp dụng quy trình VietGAP với diện tích 20ha, sau đó nhân rộng ra cả xã và các nơi trong huyện.
Hướng tới các thị trường lớn
Cùng với nhãn, chim bồ câu cũng được huyện Lục Nam quan tâm. Địa phương hiện có HTX chăn nuôi chim bồ câu Nghiêm Hoàn, thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện với 7 thành viên.
Ông Nguyễn Văn Nghiêm, thành viên sáng lập HTX cho hay, tổng đàn bồ câu của HTX hiện có hơn 5 vạn đôi bố mẹ, mỗi tháng xuất bán hơn 2 vạn con thương phẩm. Trừ chi phí, một vạn đôi chim bố mẹ cho lãi khoảng 40 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho hàng chục lao động. HTX đang mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng kho lạnh và dây chuyền giết mổ, đóng gói sản phẩm, tiếp tục thu hút thêm thành viên.
Năm 2019, ngoài 2 sản phẩm trên, Lục Nam còn xây dựng nhãn hiệu tập thể “Dê Lục Nam”. Hiện huyện đang chỉ đạo các xã có số hộ chăn nuôi dê lớn, đặc biệt là Nghĩa Phương- nơi có Khu du lịch Suối Mỡ tập trung tăng đàn, xây dựng thương hiệu “Dê Lục Nam” để gắn với phát triển du lịch.
Huyện cũng hỗ trợ trực tiếp cho mỗi nhãn hiệu 20 triệu đồng để thiết kế logo, tem nhãn sản phẩm và đăng ký bảo hộ. Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, đến thời điểm này HTX chăn nuôi chim bồ câu Nghiêm Hoàn đang tiến hành thiết kế logo và tem nhãn sản phẩm.
Để đủ điều kiện đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 2 sản phẩm còn lại, UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, thành lập HTX sản xuất nhãn và dê vào đầu tháng 7. Dự kiến 3 sản phẩm: Nhãn, chim bồ câu và dê của Lục Nam sẽ hoàn thành các thủ tục, đăng ký bảo hộ độc quyền trong tháng 9 tới.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, để sản phẩm vươn xa, cùng với nâng cao chất lượng, huyện sẽ chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP thông qua các dịp lễ hội của tỉnh, quốc gia, các trung tâm thương mại, các kỳ hội chợ; tăng cường kết nối giữa chủ thể sản xuất OCOP với các nhà tư vấn, nhà đầu tư để thúc đẩy phát triển sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm địa phương.
Nguồn: baobacgiang.com.vn