Bắc Giang xây dựng nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp: Hợp tác xã làm nòng cốt
12/08/2019 03:27
Xu thế tất yếu
Đến hết tháng 7, toàn tỉnh có 453 HTX nông nghiệp/tổng số 706 HTX. Trong đó có nhiều sản phẩm chất lượng của các HTX tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Nhận thức rõ vai trò của bảo hộ nhãn hiệu đối với sản phẩm, một số HTX đã quan tâm hơn đến vấn đề này.
Na dai Lục Nam – sản phẩm đã được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Ảnh: TRỊNH LAN |
HTX Nông nghiệp Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) thành lập hàng chục năm trước. Qua nhiều lần chuyển đổi, đến nay HTX đang hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới với 16 thành viên. Tổng diện tích đất canh tác của HTX khoảng 3ha. Năm 2018, HTX xây dựng 2 nghìn m2 nhà lưới, một nhà sơ chế 200m2 và một kho lạnh bảo quản cây giống.
Sản phẩm chủ yếu là hoa các loại như: Đào, lay ơn, ly ly, cúc… HTX đã liên kết với một số công ty và HTX khác đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, hoa của HTX được thị trường cả nước biết đến, riêng lay ơn có thể cạnh tranh với hoa cùng loại của Đà Lạt. Năm 2018, HTX có doanh thu từ hoa đạt gần 4 tỷ đồng. Để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, HTX đang xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm bởi xu thế hiện nay, mọi hàng hóa đều phải rõ nguồn gốc, xuất xứ mới cạnh tranh được.
Được biết, UBND TP Bắc Giang đã quy hoạch hơn 30 ha đất ở xã Dĩnh Trì và hỗ trợ hàng chục tỷ đồng xây dựng hạ tầng, đưa nơi đây trở thành vùng sản xuất hoa công nghệ cao của TP.
Ông Nông Trần Hiên, Giám đốc HTX Sản xuất, tiêu thụ dê và ong mật xã Hồng Kỳ chăm sóc đàn dê của gia đình. |
Không có bề dày hoạt động như HTX Nông nghiệp Dĩnh Trì, tháng 5-2019, HTX Sản xuất, tiêu thụ dê và ong mật xã Hồng Kỳ (Yên Thế) mới được thành lập (tiền thân là Câu lạc bộ nuôi ong xã Hồng Kỳ). Từ năm 2011, “Mật ong hoa rừng” đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, trở thành thương hiệu có tiếng trên thị trường. Do sản xuất hiệu quả nên phong trào nuôi ong đã được nhân rộng ra toàn huyện với khoảng 10 nghìn đàn, hơn 500 hộ nuôi.
Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Yên Thế cho biết: “Từ thành công của sản phẩm “Mật ong hoa rừng”, ngay sau khi thành lập, chúng tôi đã hỗ trợ HTX 20 triệu đồng và làm các thủ tục hồ sơ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Dê núi Hồng Kỳ” để tạo cơ hội cho nghề nuôi dê ở Yên Thế phát triển”.
Cùng với Yên Thế, thời gian gần đây, các huyện như Tân Yên, Lục Ngạn cũng hỗ trợ tổng số hơn 420 triệu đồng cho 11 HTX thiết kế tem, nhãn mác, bao bì sản phẩm, xúc tiến thương mại…
Nhiều chính sách hỗ trợ
Thực tế, việc đăng ký nhãn hiệu là một biện pháp để bảo vệ uy tín nhà sản xuất, tạo lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm, giúp tăng tính cạnh tranh và phát huy giá trị.
Hiện toàn tỉnh có 56 sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Trong đó, từ đầu năm đến nay có 4 nhãn hiệu được cấp gồm: Chả giã tay Lục Nam, Rượu núi Huyền, Khoai sọ Khám Lạng, Khoai Lang Bắc Lũng (Lục Nam). Dự kiến, Dê núi Hồng Kỳ (Yên Thế); Hành tía Liên Chung (Tân Yên); Rượu Đa Mai và Hoa Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) sẽ được cấp vào cuối năm nay. |
Chính vì vậy, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND ngày 7-12- 2018 quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (theo Luật HTX năm 2012) trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nội dung hỗ trợ HTX xây dựng nhãn hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, triển khai Nghị quyết số 24 của HĐND, năm 2019, toàn tỉnh hỗ trợ 8 sản phẩm của 8 HTX đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Đây là con số khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh.
Nguyên nhân là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở về vị trí, vai trò HTX nông nghiệp còn hạn chế. Một số chính sách đã ban hành nhưng việc triển khai áp dụng còn nhiều bất cập như chính sách về giao đất, cho thuê đất; chính sách ưu đãi về tín dụng…
Để thúc đẩy các HTX nông nghiệp phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái cho rằng, Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể các cấp cần tích cực tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với HTX nông nghiệp.
Huy động nguồn lực để hỗ trợ thêm cho các HTX nông nghiệp và phối hợp các sở, ngành lựa chọn HTX đề nghị xem xét, hỗ trợ một số cơ chế, chính sách như: Bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, ứng dụng công nghệ cao, tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm; tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho các HTX. Cùng đó, các HTX cần phát huy sự năng động, xác định hướng đi cho sản phẩm của mình.
Nguồn: baobacgiang.com.vn