Bắc Giang: Diện tích vải thiều VietGAP tăng
18/03/2021 00:54
Ông Tẩy Văn Bốn, thôn Thượng Phương Sơn, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) bón phân cho vườn vải thiều.
Bắc Giang có hơn 28 nghìn ha vải thiều (kế hoạch sản xuất năm 2021 là 27,7 nghìn ha) tập trung tại các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Sơn Động. Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Giang thông tin, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 15,5 nghìn ha, tăng hơn năm ngoái 700 ha.
Cùng đó, do năm nay vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên các diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP ổn định so năm trước, gần 340 ha. Riêng diện tích vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng 116 ha so với năm ngoái. Trong đó hai huyện Tân Yên và Lục Nam mỗi huyện thêm 10 ha, còn lại là ở Lục Ngạn.
Hiện thời tiết rất thuận lợi cho vải thiều nở hoa, đậu quả, báo hiệu được mùa. Thời điểm này, các địa phương đang chỉ đạo bà con chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất từ vật tư đến kỹ thuật, tập trung chăm sóc, bảo đảm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Tại huyện Lục Ngạn, theo hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ và Kỹ thuật nông nghiệp huyện, các hộ đang cào rãnh quanh gốc vải để bón phân nuôi hoa. Theo khuyến cáo, bà con dùng phân bón Supe lân Lâm Thao, hoặc có thể lựa chọn các loại phân NPK tổng hợp (vì loại phân này có tỷ lệ lân cao), rắc đều trên mặt đất dưới tán cây, lấp một lớp đất mỏng lên trên rồi tưới ẩm cho cây.
Người dân thôn Họa, xã Cấm Sơn (Lục Ngạn) kiểm tra tỷ lệ đậu quả ở vải thiều chính vụ.
Đồng thời cắt tỉa các cành tăm, sâu bệnh, dày xít, trong tán để cây thông thoáng, tạo điều kiện cho các cành hoa chính phát triển tốt, giảm sự trú ngụ của sâu bệnh. Thời điểm này, bà con cũng được khuyến cáo phun thuốc trừ bọ xít, rệp muội, sâu róm, sâu đo, nhện lông nhung và bệnh sương mai…
Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi cho biết, với mục tiêu bảo đảm chất lượng diện tích vải đã được cấp mã vùng xuất khẩu, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai nhiều biện pháp ngay từ thời điểm cây mới trổ bông. Thành lập nhiều tổ công tác xuống các xã và hộ dân chỉ đạo, hướng dẫn bà con áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc quả vải. Tập trung cao vào các hộ được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang các thị trường khó tính
Nguồn: baobacgiang.com.vn