Kiên quyết dừng các trường hợp kê khai giá bất hợp lý, tăng giá quá cao

Lượt xem: 94

Kiên quyết dừng các trường hợp đăng ký giá, kê khai giá bất hợp lý, tăng giá quá cao so với biến động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá thị trường.

Từ nay đến cuối năm 2010, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) sẽ tổ chức một số đoàn công tác tại 3 miền (Bắc, Trung, Nam) để kiểm tra và nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá tại địa phương.

Bộ Tài chính cho biết như vậy khi thông tin về việc triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm bình ổn thị trường, kiềm chế tăng giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 1875/CT-TTg và công văn số 2022/TTg-KTTH ngày 6/11/2010.

Ngày 10/11, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tại địa phương chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, Thành phố thành lập ngay các đoàn kiểm tra việc tuân thủ các quy định về quản lý giá ở địa phương. Trường hợp phát hiện vi phạm, phải xử lý kiên quyết, nghiêm túc và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Kiên quyết dừng các trường hợp kê khai giá bất hợp lý, tăng giá quá cao

Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, Sở Tài chính ở các địa phương sẽ thực hiện kiểm soát việc đăng ký giá, kê khai giá đối mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá theo quy định, nhất là các mặt hàng thuốc chữa bệnh cho người, sữa, thép xây dựng và vật liệu xây dựng, khí gas, phân bón, thức ăn chăn nuôi…. Kiên quyết dừng các trường hợp đăng ký giá, kê khai giá bất hợp lý, tăng giá quá cao so với biến động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá thị trường.

Bên cạnh đó, Sở Tài chính có nhiệm vụ phối hợp với Sở Công Thương chủ động cân đối cung cầu hàng hoá hoá trên địa bàn, chú trọng các mặt hàng thực phẩm, lương thực; xây dựng phương án sử dụng nguồn tài chính của địa phương (ngân sách địa phương, quỹ dự trữ tài chính) thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu từ nay đến Tết Nguyên Đán Tân Mão năm 2011.

Hiện trong thị trường giá cả, có 1 số mặt hàng thực phẩm đã tăng giá. Như ở thị trường một số chợ tại Hà Nội, TP. HCM, hay ở một số tỉnh miền Trung sau đợt lũ vừa qua… nhiều mặt hàng rau củ quả, đường, thịt gia súc,… có nhích lên.

Tuy nhiên, theo nhận định chung thì nguyên nhân không phải do mất cân bằng cung – cầu, giá cả tăng không phải do thiếu hàng. Chưa kể việc tăng giá này cũng còn có cả yếu tố là tâm lý.

Thực tế, khi khảo sát thị trường ở các chợ đầu mối, các trung tâm mua sắm, siêu thị thì giá cả vẫn ổn định và kiểm soát được do nguồn cung dồi dào, nhưng về đến chợ thì giá lại nhích lên. Có nơi lấy cớ do mưa lũ làm ảnh hưởng nguồn cung, có nơi mượn việc giá vàng, đô la và kế hoạch tăng lương để điều chỉnh giá.

Bởi vậy, 1 trong những biện pháp cần thiết lúc này là phải tiến hành kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh thực hiện niêm yết và bán theo đúng giá đăng ký, kiên quyết không để kê khai giá bất hợp lý, tăng giá quá cao, gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.

Theo Chinhphu.vn