Phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa
07/09/2010 07:34
Không nằm ngoài dự báo của cơ quan chuyên môn, đầu tháng Tám vừa qua, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 bắt đầu phát sinh gây hại trên trà lúa mùa cực sớm và mùa sớm tại nhiều nơi trong tỉnh với diện tích nhiễm hơn 20 nghìn ha, mật độ nhiễm cao hơn và diện phân bố rộng hơn so với cùng kỳ năm trước. Bà Phạm Thị Thiệu, thôn Tân Luận, xã Phi Mô (Lạng Giang) lo lắng: “Vụ mùa này gia đình tôi cấy 8 sào. Đến nay, 100% diện tích lúa của gia đình đều bị nhiễm sâu bệnh. |
Không nằm ngoài dự báo của cơ quan chuyên môn, đầu tháng Tám vừa qua, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 bắt đầu phát sinh gây hại trên trà lúa mùa cực sớm và mùa sớm tại nhiều nơi trong tỉnh với diện tích nhiễm hơn 20 nghìn ha, mật độ nhiễm cao hơn và diện phân bố rộng hơn so với cùng kỳ năm trước. Bà Phạm Thị Thiệu, thôn Tân Luận, xã Phi Mô (Lạng Giang) lo lắng: “Vụ mùa này gia đình tôi cấy 8 sào. Đến nay, 100% diện tích lúa của gia đình đều bị nhiễm sâu bệnh. Tôi đã phun thuốc trừ sâu 3 lần nhưng vẫn thấy còn nhiều sâu non và bướm. Vụ mùa năm trước sâu bệnh cũng gây hại nhưng không nhiều như vụ này.” Mặc dù Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) dự báo và thông báo tình hình sâu cuốn lá nhỏ sớm nhưng do công tác phòng trừ của một số hộ dân không kịp thời nên hiệu quả phòng trừ không cao. Theo tổng hợp có tới gần 3 nghìn ha lúa bị sâu cuốn lá gây hại lá đòng hoặc lá quang năng làm ảnh hưởng tới năng suất lúa. Nhiều đối tượng sâu bệnh khác cũng phát sinh gây hại trên diện tích lúa mùa như: bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh bạc lá, sâu đục thân hai chấm, tập đoàn rầy… Đáng ngại hơn là bệnh vàng lá lúa xuất hiện tại huyện Hiệp Hoà và Việt Yên từ giữa tháng Bảy. Chị Nguyễn Thị Hạt, thôn Thái Thọ, xã Thái Sơn (Hiệp Hoà) phản ánh: “Khi thấy lúa của gia đình có hiện tượng vàng lá tôi rất lo nên mua thuốc phun kích thích rễ, phòng bệnh vàng lùn nhưng tình hình không được cải thiện. Khả năng ảnh hưởng tới năng suất là không tránh khỏi”. Được biết sau hơn 1 tháng cơ quan chuyên môn của tỉnh và trung ương “vào cuộc” mới tìm ra nguyên nhân bệnh trên là do vi rút vàng tạm thời có tên Rice transitory yellowing virus (RTYV) gây ra, môi giới truyền bệnh là rầy xanh đuôi đen. Tuy nhiên, do là bệnh mới hại lúa nên chưa có thuốc bảo vệ thực vật đặc trị. Đối với những diện tích nhiễm bệnh, giải pháp khả thi nhất là bón phân cân đối, tăng khả năng chống chịu của cây lúa và phòng, trừ rầy xanh đuôi đen ở ruộng có nguy cơ lây nhiễm cao… Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình hình sâu bệnh vụ mùa năm nay diễn biến phức tạp như thời gian nghỉ giữa hai vụ lúa ngắn, công tác vệ sinh đồng ruộng, xử lý tàn dư thực vật của nông dân chưa tốt nên mầm mống sâu bệnh tích tụ từ vụ này sang vụ khác. Đặc điểm khí hậu vụ mùa nắng nóng xen lẫn với mưa bão làm bộ lá hay bị giập xước dễ nhiễm bệnh. Hơn một tháng qua, trời liên tục có mưa làm độ ẩm không khí cao tạo điều kiện cho một số đối tượng sâu bệnh hại lúa phát sinh gây hại. Trong khi đó, công tác phòng trừ của một bộ phận nông dân không kịp thời do không thường xuyên thăm đồng, không thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, sau khi phun thuốc trừ sâu gặp mưa nhưng không phun nhắc lại. Tại nhiều địa phương, nhất là huyện Hiệp Hoà và Việt Yên hiện nay nông dân sử dụng ống phụt thay bình phun thuốc sâu bơm tay nên hiệu quả phòng trừ sâu bệnh rất thấp. Bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác của một bộ phận nông dân hạn chế, bón phân không cân đối cũng là một trong những nguyên nhân chính tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn và thực tế kiểm tra đồng ruộng cho thấy tình hình sâu bệnh hại lúa vụ mùa còn diễn biến phức tạp. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 có khả năng gây hại tới 38 nghìn ha lúa đối với những diện tích trỗ trong nửa đầu tháng 9, tăng mạnh so với lứa 5 nếu không được quản lý tốt. Tại một số địa phương, nhất là huyện Tân Yên do cấy sớm nên rầy nâu đang gây hại với mật độ cao khả năng cháy rầy rất lớn. Ngoài ra, còn một số đối tượng sâu bệnh cũng cần đặc biệt quan tâm như sâu đục thân hai chấm, bệnh đen lép hạt… Do vậy, để bảo đảm năng suất, sản lượng lương thực vụ mùa, vấn đề đặt ra với chính quyền các cấp, ngành chức năng là tiếp tục làm tốt công tác dự báo tình hình sâu bệnh. Cán bộ bảo vệ thực vật, khuyến nông cơ sở tăng cường “bám đồng, lội ruộng” tham mưu cho chính quyền địa phương các biện pháp chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại lúa, tổ chức tuyên truyền rộng rãi tới người dân dưới nhiều hình thức, đặc biệt là qua hệ thống truyền thanh cơ sở. Nông dân cần tích cực thăm đồng, thực hiện triệt để khuyến cáo của cơ quan chuyên môn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ, đúng thời điểm và kỹ thuật) để nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh. Theo baobacgiang.gov.vn |