Lục Ngạn: Thời tiết khô hạn, tăng cường tưới ẩm cho cây có múi

Lượt xem: 232

Ông Đoàn chăm sóc vườn cam của gia đình.

Ông Đoàn chăm sóc vườn cam của gia đình.
Theo Trung tân Dịch vụ và Kỹ thuật nông nghiệp Lục Ngạn, đến thời điểm này, năm nay lượng mưa tại Lục Ngạn chỉ bằng khoảng trên 20% so với năm trước, thấp nhất trong vòng gần 10 năm gần đây. Điều này khiến nhiều diện tích cây trồng, đặc biệt là hơn 6,7 nghìn ha cây có múi của huyện đang trong thời kỳ sinh trưởng mạnh bị thiếu nước.

Đơn cử, hộ ông Vũ Trí Đoàn, thôn Lường, xã Hồng Giang có 5 sào cam lòng vàng. Do thiếu nước tưới nên ông và hầu hết các hộ trong thôn phải dùng giếng khoan. Để khoan được 1 giếng nước phải đầu tư gần 10 triệu đồng. “Chúng tôi thường chung nhau, 2 hoặc 3 hộ một giếng, thay nhau bơm nước luân phiên để giảm chi phí”, ông Đoàn chia sẻ. Trong những ngày nắng nóng vừa qua, ngày nào ông Đoàn cũng phải tưới cho cam một lần, thay vì 3 – 4 ngày tưới một lần như trước bởi cam đang trong thời kỳ cần nước nhất để quả phát triển.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Dịch vụ và Kỹ thuật nông nghiệp Lục Ngạn, các chủ vườn cần tích cực tưới nước giữ độ ẩm kết hợp bón phân cho cây. Trong giai đoạn quả nhỏ, bà con nên sử dụng phân bón Super lân Lâm Thao hoặc các loại phân tổng hợp NPK chứa hàm lượng lân nhiều, bón bổ sung hạt đậu tương hoặc hạt ngô đã ủ với chế phẩm vi sinh (hạt đã nghiền vỡ trước khi ủ); phun phân bón lá Botrac, HVP… định kỳ để bổ sung các vi lượng và hạn chế rụng quả.

Bà con chú ý sử dụng túi bao quả chuyên dụng trên quả bưởi để hạn chế gây hại của ruồi vàng, đồng thời chống rám nắng, làm tăng mẫu mã sản phẩm. Các chủ vườn chủ động phòng trừ một số bệnh như: Sương mai hại quả, bệnh loét, sẹo… bằng các loại thuốc như: Melody duo 66.75WP, Lilacter 0.3 SL, Topsin 70WP, Boocdo 1%, các loại thuốc gốc đồng như Copperzin, Kasuran BTN 1,5-2%…

Nhiều diện tích cam trồng trên núi cao của xã Đèo Gia bị thiếu nước tưới. Ảnh: Cán bộ xã Đèo Gia cùng người dân địa phương kiểm tra sinh trưởng vườn cam lòng vàng tại thôn Thung.

Nhiều diện tích cam trồng trên núi cao của xã Đèo Gia bị thiếu nước tưới. Ảnh: Cán bộ xã Đèo Gia cùng người dân địa phương kiểm tra sinh trưởng vườn cam lòng vàng tại thôn Thung.

Riêng đối với cây táo, hiện đang trong giai đoạn phát triển chồi, nông dân cần tỉa bỏ các chồi nhỏ, giữ lại các chồi chính phân bố đều về các hướng để tận dụng ánh sáng; cần làm giàn để níu giữ cành chống gió bão và giữ quả sau này.

Do nắng hạn nên bà con cần bón phân bổ sung và phòng trừ các đối tượng sâu gây hại như: Nhện đỏ, sâu ăn lá, bọ xít, rệp sáp… bằng một trong các loại thuốc: Becstox 5EC, cyperan 10 EC, Karate 25EC, Supracide 40EC…

Nguồn: baobacgiang.com.vn