Buông lỏng quản lý tài nguyên nước
11/04/2018 04:30
Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở xã Quang Châu (Việt Yên) chưa được cấp giấy phép khai thác. |
Phát sinh nhiều vụ vi phạm
Luật Tài nguyên nước năm 2012 nêu rõ, bất cứ tổ chức, cá nhân nào có hoạt khai thác nước mặt để sản xuất, kinh doanh với lưu lượng từ 100 m3/ngày đêm và nước ngầm từ 10 m3/ngày đêm trở lên đều phải xin cấp phép và thực hiện nghiêm nghĩa vụ nộp thuế, phí, tiền cấp quyền nhưng đến nay vẫn có nhiều trường hợp trốn trách nhiệm, “lách luật” trục lợi tài nguyên.
Tháng 12-2017, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) kiểm tra 15 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở các huyện: Việt Yên, Yên Dũng, Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Lạng Giang, Yên Thế, Sơn Động do các doanh nghiệp (DN) quản lý đang khai thác nước mặt, nước ngầm lưu lượng từ 10m3 đến hàng nghìn m3/ngày đêm nhưng mới có 7 công trình tuân thủ đúng quy định.
Theo Nghị định số 82/2017/NĐ-CP năm 2017, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất để phát điện, kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp phải nộp tiền cấp quyền khai thác đối với khối lượng nước được cấp trong giấy phép. |
Ông Phạm Trí Nam, Trưởng Phòng Tài nguyên nước (Sở TN&MT) cho biết, 8 công trình còn lại không những chưa có giấy phép khai thác mà còn vi phạm hàng loạt các lỗi như: Chưa có giấy phép xả thải vào nguồn nước và kế hoạch bảo vệ môi trường đối với công trình khai thác nước; chưa kê khai nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với lượng nước đã khai thác. Sở TN&MT yêu cầu các DN khẩn trương khắc phục vi phạm xong trước ngày 30-1 năm nay. Qua khảo sát của phóng viên, đến nay chưa có đơn vị nào chấp hành.
Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Bảo Sơn (TP Bắc Giang) đang quản lý công trình cấp nước thị trấn Lục Nam (Lục Nam) là ví dụ. Đi vào hoạt động từ nhiều năm nay với công suất khai thác hơn 600 m3/ngày đêm nhưng DN này không thực hiện đúng quy định pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên, nhất là việc xin cấp phép. Điều này đồng nghĩa với nước ngầm đang bị khai thác tràn lan. Hay Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Điện nước Đại Phúc (TP Bắc Giang) quản lý công trình khai thác nước mặt với khoảng 1 nghìn m3/ngày đêm ở các huyện: Lục Ngạn, Tân Yên nhưng không có giấy phép, chậm khắc phục vi phạm. Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Cấp nước Hà Bắc (TP Bắc Giang) đang khai thác nước mặt để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân huyện Sơn Động và Việt Yên trong khi chưa được cấp phép.
Cũng qua khảo sát của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh có hơn 20 đơn vị khác đang khai thác nước ngầm từ hàng chục đến hàng trăm m3/ngày cũng không xin cấp phép như: Công ty TNHH Gạch Tuynel Minh Phú, xã Đông Lỗ; DN tư nhân Phúc Uyên, xã Hoàng An (cùng huyện Hiệp Hòa); Công ty TNHH Du lịch Bình Dương, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn); Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiệp Hưng, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam)…
Chưa có đơn vị nào bị phạt
Nguyên nhân chậm cấp phép là do phần lớn các tổ chức, cá nhân không muốn đầu tư kinh phí để hoàn thiện hồ sơ. Ông Dương Văn Hợp, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Bảo Sơn (TP Bắc Giang) lý giải, nhiều năm nay đơn vị chưa có giấy phép khai thác, sử dụng nguồn nước mặt vì quy mô hoạt động còn nhỏ trong khi đó để hoàn thiện thủ tục này DN phải đầu tư kinh phí thuê đơn vị tư vấn khảo sát, lập đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch, chi phí hàng trăm triệu đồng. Nói là vậy nhưng thực tế DN này đang khai thác nước tới vài trăm m3/ngày đêm, thu lợi nhuận không nhỏ.
Bên cạnh đó, hiện nay toàn tỉnh có nhiều trường hợp lấy nước ngầm từ 10 m3 và nước mặt từ 100 m3/ngày đêm trở lên. Theo Luật Tài nguyên nước thì phải xin cấp phép nhưng chủ đơn vị khai thác không nắm được quy định trong khi chính quyền cấp huyện, xã cũng như ngành chức năng chưa thường xuyên hướng dẫn, yêu cầu hoàn thiện thủ tục này. Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị chưa xin cấp phép thuộc thẩm quyền của Sở TN&MT thiếu kịp thời, chưa đủ sức răn đe. Nghị định 142/2013 của Chính phủ quy định, đối tượng khai thác nước mặt cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và mục đích phi nông nghiệp với lưu lượng từ 100m3/ngày đêm trở lên và nước dưới đất từ 10 m3 đến dưới 200m3 bị phạt thấp nhất từ 30-50 triệu đồng, phạt tối đa là 250 triệu đồng. Thế nhưng mấy năm gần đây, trong tỉnh chưa có tổ chức, cá nhân nào vi phạm bị xử phạt hay tạm đình chỉ để hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép.
Thực trạng trên làm thất thoát tài nguyên, hụt thu ngân sách nhà nước mỗi năm hàng tỷ đồng do không thu được các loại thuế, phí, tiền cấp quyền. Ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, tới đây Sở sẽ tiếp tục phối hợp, đề nghị các huyện, TP rà soát tất cả các tổ chức, cá nhân đang khai thác nước thuộc diện phải cấp phép để yêu cầu hoàn thiện thủ tục liên quan. Đối với các DN đã kiểm tra cuối năm ngoái, nay quá hạn mà chưa khắc phục vi phạm, Sở đã ban hành văn bản và cử cán bộ trực tiếp đôn đốc. Trường hợp nào cố tình vi phạm, không chấp hành, Sở sẽ xử phạt theo quy định từ 30-250 triệu đồng tùy theo lỗi vi phạm.
Cùng với các giải pháp trên, để siết chặt công tác cấp phép tài nguyên nước, nhiều ý kiến cho rằng, hằng năm Sở TN&MT, UBND các huyện, TP bố trí kinh phí thỏa đáng để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền quy định của pháp luật về lĩnh vực này. Đi đôi với đó là tập trung làm tốt việc hướng dẫn thủ tục, quy định chi tiết về xin cấp phép cho DN, cá nhân kết hợp kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời và dứt điểm vi phạm, tránh để xảy ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, gây nhờn luật.
Nguồn baobacgiang.com.vn