Nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi
22/12/2021 07:21
Xác lợn trôi sông
Sáng 8/12, cùng công nhân Trạm bơm nước thô số 1 (Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Giang) kiểm tra lòng sông Thương quanh khu vực trạm bơm, xuồng mới đi khoảng 1 km về phía thượng lưu đã phát hiện 3 xác lợn đang trong quá trình phân huỷ, ngoài ra còn hàng chục bao tải rác xuôi theo dòng nước. Ông Lý Bá Mạnh, Phó Quản đốc Nhà máy nước Bắc Giang cho biết, hằng ngày đơn vị cắt cử công nhân dùng xuồng tầm soát, thu gom xác lợn trôi dạt trong khu vực đới phòng hộ Trạm bơm nước thô số 1 để chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước đầu vào.
Xác lợn trôi trên kênh chính, đoạn qua thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung (Việt Yên).
Theo ông Mạnh, đơn vị thu gom và chôn lấp từ 2-5 xác lợn/ngày. Cá biệt, chiều 7/12 đơn vị thu gom được 30 lợn chết. “Có những xác lợn nặng hơn 2 tạ nên chúng tôi phải thuê máy múc mới vớt được. Công ty đã chi phí gần 100 triệu đồng để thuê phương tiện trục vớt, mua vôi bột và đào hố chôn lấp xác lợn”, ông Mạnh nói.
Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây, trên sông Thương, đoạn chảy qua địa bàn các huyện: Yên Thế, Tân Yên và Lạng Giang mỗi ngày đều xuất hiện nhiều lợn chết trôi dạt khiến dư luận bất bình.
Kiểm tra dọc tuyến kênh chính, đoạn chảy qua địa bàn huyện Tân Yên và Việt Yên chiều ngày 8/12 cũng phát hiện nhiều xác lợn dưới lòng kênh đoạn chảy qua địa bàn thôn Tĩnh Lộc, và thôn Lai, xã Nghĩa Trung (Việt Yên). Bà Nguyễn Thị Hải, thôn Lai phản ánh, khoảng 1 tháng qua, cứ khi nào phía đầu nguồn xả nước là xác lợn lại trôi dạt về. Người dân đã báo chính quyền địa phương để xử lý nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện.
Thực tế, các năm 2016, 2017 đặc biệt là năm 2019, người chăn nuôi 2 bên bờ kênh chính, kênh Trôi (Hiệp Hoà), kênh Yên Lại (Lục Nam)… đã vứt hàng trăm xác lợn xuống lòng kênh cho chảy xuôi ra sông Thương và địa bàn các xã, huyện vùng hạ lưu làm nguồn nước bị ô nhiễm, lây lan DTLCP khiến hàng chục nghìn con lợn trong tỉnh bị chết, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa khôi phục được đàn lợn như hồi đầu năm 2019.
Kiểm soát chăn nuôi, xử lý nghiêm vi phạm
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang, từ ngày 14 đến 30/11/2021, 7 hộ dân tại các xã: Quang Châu (Việt Yên); Chu Điện, Cẩm Lý (Lục Nam); Hợp Đức (Tân Yên); Lương Phong, Bắc Lý và Mai Đình (Hiệp Hoà) có tổng cộng 95 con lợn bị chết do mắc DTLCP. Bệnh xảy ra chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Cùng đó, từ cuối tháng 9/2021 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh kiểm tra, bắt giữ 3 vụ buôn bán, vận chuyển lợn mang mầm bệnh DTLCP, xử phạt vi phạm hành chính 26 triệu đồng, tiêu hủy 8 con lợn (490 kg) và 700 kg thịt lợn.
Từ ngày 14 đến 30/11/2021, toàn tỉnh đã có 95 con lợn bị chết do mắc DTLCP tại 7 hộ dân ở các xã: Quang Châu (Việt Yên); Chu Điện, Cẩm Lý (Lục Nam); Hợp Đức (Tân Yên); Lương Phong, Bắc Lý và Mai Đình (Hiệp Hoà). Từ cuối tháng 9/2021 đến nay, toàn tỉnh đã kiểm tra và bắt giữ 3 vụ vi phạm do buôn bán, vận chuyển lợn mang mầm bệnh DTLCP, xử phạt vi phạm hành chính 26 triệu đồng. |
Qua khảo sát, nhiều hộ chăn nuôi khác trong tỉnh cũng có lợn chết (nghi mắc DTLCP và tai xanh) nhưng không báo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để xử lý. Đơn cử tại xã Xuân Hương (Lạng Giang), đại diện chính quyền địa phương cho biết, từ tháng 10/2021 đến nay, toàn xã có hơn 100 con lợn của 38 hộ chăn nuôi bị chết.
Tuy nhiên, các hộ tự chôn lấp mà không báo chính quyền và cán bộ thú y xã để lấy mẫu bệnh phẩm nên rất khó kiểm soát, nguy cơ dịch bệnh lây lan cao. Ông Nguyễn Văn D, chủ trại chăn nuôi lợn, thôn Trại Phúc Mãn chia sẻ: “Chúng tôi có lợn bị chết nhưng không báo thú y cơ sở vì thiếu chi phí làm xét nghiệm dịch bệnh, trong khi việc chăn nuôi đang bị thua lỗ”.
Lợn mắc bệnh bị chết là điều khó tránh khỏi nếu các hộ không tuân thủ chăn nuôi an toàn sinh học. Việc vứt xác lợn ra môi trường thay vì chôn lấp theo quy định là do ý thức của người dân chưa cao dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là DTLCP.
Để phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, như: Thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng; kê khai chăn nuôi; tiêm phòng vắc-xin tai xanh, dịch tả lợn cổ điển, lở mồm long móng… cho đàn vật nuôi; kiểm soát vận chuyển, giết mổ lợn.
Ngày 10/12, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục có công văn yêu cầu các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT; UBND các huyện, TP, Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi Nam Sông Thương, Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Sông Thương và Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Giang kiểm tra, xử lý xác động vật, rác thải trên sông, suối, ao hồ, kênh mương.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, chính quyền các địa phương đã đồng loạt ra quân thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng. Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi Nam Sông Thương đã cho vệ sinh, thu dọn, phát quang dọc kênh chính. Nhiều địa phương tổ chức thu gom xác lợn trên các tuyến kênh, bãi đất trống, khu vực công cộng để chôn huỷ.
Tuy vậy, hiện nhiều hộ vẫn không chấp hành chăn nuôi an toàn sinh học và chôn huỷ xác lợn theo quy định. Không ít cá nhân vẫn vì lợi ích riêng đã buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, làm nguy cơ dịch bùng phát. Để bảo vệ đàn vật nuôi, đặc biệt là đàn lợn và chống ô nhiễm môi trường, chính quyền các huyện, TP và ngành chức năng cần vào cuộc phối hợp, quyết liệt xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để việc chăn nuôi lợn trong tỉnh hiệu quả, bền vững.
Nguồn: baobacgiang.com.vn