Tiễn người về… “Bên kia sông Đuống!”
20/05/2010 15:06
Là một thi sĩ đích thực, một tài năng độc đáo của thơ ca hiện đại, Hoàng Cầm được đông đảo bạn yêu thơ trong và ngoài nước mến mộ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chân giá trị của thơ ông ngày càng được khẳng định. Bởi sự tài hoa của thi nhân đã làm nên khả năng “thơ hóa”, “bất tử hóa” vùng quê Kinh Bắc. Rất nhiều tên núi, tên sông, con đường, cánh đồng, tên các địa danh, con người Kinh Bắc… được Hoàng Cầm thăng hoa trong thơ, làm danh giá cho một vùng quê.
Thơ Hoàng Cầm phản ánh một Kinh Bắc đa chiều lộng lẫy, trong đó tình yêu Kinh Bắc là hạt nhân tỏa ra năng lượng cháy bỏng, xuyên suốt hành trình thơ ông. Sự biến đảo trong thơ Hoàng Cầm là để tình yêu lứa đôi được hòa quyện tron
g tình yêu quê hương đất nước. Đó cũng là vẻ đẹp độc đáo trên bình diện thi pháp nghệ thuật với xu hướng vươn tới cái “ảo” và hiện đại.
Năm 2008, tác giả bài báo (Th.s Nguyễn Thị Minh Bắc – PV) đã hoàn thành cuốn sách – Thơ Hoàng Cầm với Văn hóa Kinh Bắc. Ông gọi chị là Gái ngoan Kinh Bắc và rất vui khi chị hoàn thành cuốn sách đáng quý với quê hương mình. Ông rất mong “cuốn sách nhỏ này với tôi là một dấu son, còn với các bạn độc giả khắp nước, nó sẽ được trở thành một người bạn nhỏ san sẻ với nhau đôi chút tâm tình, chí ít là về một vùng quê Việt Nam mà chắc hẳn cả tôi và các bạn đều yêu mến” |
Tình yêu Kinh Bắc thành kính là nguồn mạch chủ đạo trong thơ Hoàng Cầm. Dòng sông cảm xúc ấy chảy giữa nguồn mạch Kinh Bắc trên đôi bờ đầy ắp giá trị văn hóa, nối liền quá khứ, hiện tại và hướng tới tương lai. Không gian Kinh Bắc đậm đặc trong thơ Hoàng Cầm ghi dấu những thời khắc đầy ấn tượng với những con người tài, người đẹp bất tử, cùng những nếp cảm, nếp nghĩ, những tập quán truyền thống mang bản sắc riêng vùng Kinh Bắc.
Điều đáng quý ở thi sĩ Hoàng Cầm là trong cơn sóng gió cuộc đời, nhà thơ đã rút vào bản thể, sống kỹ lưỡng với dĩ vãng, với hồi ức, để rút ruột mình làm nên tập thơ “Về Kinh Bắc“. Nói như độc giả Thụy Khuê: tập thơ là khúc tráng ca xuyên sa mạc của một hồn cọp dữ, gào thét những vấn nạn buổi đổi đời… Hoàng Cầm Người có thể ngã ngựa, nhưng Hoàng Cầm Thơ chưa bao giờ khuất phục. “Tập thơ cho đến bây giờ vẫn tiếp tục mang vầng hào quang riêng… và chỉ cái tên của nó thôi đã hứa hẹn, và hơn cả hứa hẹn, đã thiết lập hẳn một không gian tinh thần đặc trưng, là điều mà đa số các tập thơ hiện nay không làm nổi” (nhà văn Phạm Thị Hoài). Tập thơ”Về Kinh Bắc” là một mốc lớn trong cuộc đời thi sĩ, được coi là bản giao hưởng dân ca bi tráng, luân hồi những hội ngộ đớn đau, loạn lạc trong
tình đất và tình người để tạo nên Anh hùng ca Kinh Bắc.
Chiều 11-5, Lễ tang nhà thơ Hoàng Cầm do Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì đã được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu thơ Hoàng Cầm đã đến tiễn đưa thi sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng tại khu A, Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội. Trong bài điếu văn với niềm tiếc thương vô hạn và cảm phục tài năng thi sĩ Hoàng Cầm, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh chỉ rõ: Sông Đuống là biểu trưng của vùng văn hóa Kinh Bắc, nơi mà số phận đã chọn làm vùng quê của thi nhân Hoàng Cầm… Sự ra đi của thi sĩ vùng Kinh Bắc đã để lại niềm thương tiếc trong lòng nhiều văn nghệ sĩ. |
Cái tâm lớn của thi sĩ Hoàng Cầm không chỉ thể hiện ở tình yêu máu thịt với quê hương đất nước mà còn biểu hiện sinh động qua từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống. Đó là những cảm nhận nhức nhối – “Bảy mươi rồi…vẫn cơ hàn/ Thẫn thờ phố dọc , người ngang té nhào/ Tám mươi khát cả lưỡi dao/ Sắc như nước loáng, uống vào như chơi/ chín mươi… dẫu đến mười mươi/ Khát thương em quá…Khóc thôi một mình“. Dường như thi sĩ đã có sự chuẩn bị rất chu tất cho chuyến đi xa cuộc đời- “Bao giờ anh xế về quê. Cỏ xanh có khóc mộ thề mai sau”. Khi ngoài bảy lăm tuổi ông viết: “Bảy lăm thôi đủ già rồi. Có thêm em nữa luân hồi kiếp xưa. Thêm gì lật thiếu sang thừa. Thừa đau thủa ấy bây giờ thiếu em” (Phận den tóc trắng- 7/2001).
Nhà thơ liên tưởng: “Anh đi sắp đến vô cùng. Em đi sắp đến cánh hồng đang rơi. Bảy mư ơi đứng phía ngoẹn cười. Tám mươi đứng khóc nẻo đời chưa khô. Trăm năm nhào quyện hư vô. Biết đâu em vẫn lửng lơ hát buồn“. Cho tới những năm tuổi cao, Hoàng Cầm vẫn có nhiều bài thơ hay và có khả năng giữ ngọn lửa thơ chói sáng đến cuối đời, để nhìn thấu- “Một đời nợ suột Diêu Bông. Gọi đôi kết lứa xe hồng được đâu. Nghiêng nghiêng sông Đuống đôi câu. Tung tình 99 khúc sầu lẻ loi… Tám mươi chẳng cạn nỗi niềm. Hai mươi thu nữa chờ xem những gì. Hẳn rằng Cuội đã ra đi. Trăng xưa gạn đục Qúi Phi lại về. Hôn này chẳng lẽ hôn mê…”. Tuy tuổi cao sức yếu, nhà thơ vẫn mẫn tuệ khi đọc thơ, bình thơ. Một số bài thơ ông viết gần đây vẫn rất hay, vẫn nồng nàn đằm thắm và không nằm ngoài tình yêu Kinh Bắc.
Thơ ông hay mà lạ! Hay và lạ từ những trang viết đầu tay. Thơ ông là Văn hóa Kinh Bắc. Phải nhìn từ góc độ Văn hóa Kinh Bắc mới thấy những giá trị đích thực của thơ Hoàng Cầm. Mới thấy thơ ông giàu g
iá trị thẩm mĩ, vừa giàu giá trị nhân văn, vừa mang rõ nét đặc điểm văn hóa Vùng, vừa đậm đà bản sắc dân tộc Việt.
Hoàng Cầm và những thi phẩm bất tử của ông đã làm vẻ vang cho đất Kinh Bắc, vẻ vang cho nền thơ ca dân tộc. Không có mảnh đất “địa linh nhân kiệt” hào hoa, ngồn ngộn sức sống thì không có Hoàng Cầm thi nhân, và ngược lại, chính Hoàng Cầm lại là người làm sống dậy nền văn hóa đậm đà hương sắc ấy. Thi đàn Việt Nam và người dân Kinh Bắc mãi mãi nhớ và biết ơn ông.
Th.s Nguyễn Thị Minh Bắc
Theo Bắc Giang online