Cách mạng Tháng Tám năm 1945 – cuộc hồi sinh vĩ đại của dân tộc Việt Nam

Lượt xem: 276

Từ cuối tháng 4 đầu tháng 5/1945, từng tháng, từng ngày, lịch sử chứng kiến sự diệt vong của chủ nghĩa phát xít, sự thắng lợi của loài người tiến bộ và các lực lượng dân chủ chống phát xít. Ngày 9/8/1945, sau khi chiến thắng hoàn toàn quân Đức, Hồng quân Liên Xô bắt đầu tiến công quân Nhật. Trong vòng không đầy một tuần lễ, quân đội Liên Xô đánh tan gần một triệu quân Nhật tại Mãn Châu (Trung Quốc), buộc Nhật đầu hàng Liên Xô và Đồng minh không điều kiện. Ở nước ta, chính phủ Trần Trọng Kim cùng với các tay sai, bù nhìn của Nhật hoang mang tan rã. Trước tình hình khẩn trương đó, từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945, tại Tân Trào diễn ra Hội nghị toàn quốc của Đảng. Hội nghị nhận định: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi… quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần, hàng ngũ chỉ huy Nhật ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm, bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ. Toàn dân tộc đang sôi nổi đợi giờ khởi nghĩa giành chính quyền độc lập”. Từ nhận định đó, Hội nghị đi đến quyết định phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương tước khí giới quân Nhật.

Hội nghị toàn quốc của Đảng bế mạc thì Đại hội quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập họp ngay ở Tân Trào (Tuyên Quang) trong hai ngày 16 và 17/8/1945. Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu của các giới, các đảng phái chính trị, các đoàn thể quần chúng, các dân tộc, các tôn giáo trong nước và đại biểu kiều bào ở nước ngoài. Đại hội tán thành hoàn toàn chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng, nhất trí thông qua 10 chính sách của Việt Minh, coi đó là chính sách cơ bản của cách mạng, cử ra ủy ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội còn quyết định lấy lá cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ, lấy bài Tiến quân ca làm Quốc ca. Đại hội quốc dân vừa bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh đồng bào hãy dũng cảm tiến lên”.

Hưởng ứng lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào cả nước, triệu người như một, nhất tề đứng lên với tinh thần “Dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Từ ngày 14 đến ngày 18/8/1945, ở hầu hết các tỉnh miền Bắc, quần chúng cách mạng đã nổi dậy giành chính quyền ở cấp xã và cấp huyện, rồi tiến lên giành chính quyền ở tỉnh. Ngày 18/8/1945, nhân dân Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam giành được chính quyền ở tỉnh lỵ sớm nhất trong cả nước. Ngày 19/8 khởi nghĩa ở Hà Nội giành thắng lợi, ngày 23/8 giành thắng lợi ở Huế, ngày 25/8 giành thắng lợi ở Sài Gòn. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước cuộc mít tinh lớn của hàng chục vạn nhân dân đủ các tầng lớp ở thủ đô và các vùng lân cận, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của nhân dân Việt Nam được hưởng tự do độc lập mà tự mình giành lại từ tay Nhật: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Từ đây dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội mà chủ thể của sự nghiệp vĩ đại này không ai khác là con người Việt Nam, là cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn mang trong mình khí phách quật cường của mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lênin được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của cách mạng Việt Nam, là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc muôn triệu người như một, là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, của toàn thể dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự thể hiện tuyệt vời của tinh thần quật khởi và trí tuệ Việt Nam, điển hình của sự nhạy bén nắm bắt thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, thể hiện trình độ khoa học và nghệ thuật lãnh đạo của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại.

69 mùa thu đã đi qua, Bắc Giang mãi mãi tự hào vì đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, là một trong bốn tỉnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất cả nước. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Giang mãi mãi biết ơn và tự hào về những đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cách mạng đã cống hiến, hy sinh anh dũng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và các cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập thiêng liêng của tổ quốc, góp phần tô thắm những trang sử hào hùng của quê hương và dân tộc. Kế thừa và phát huy truyến thống yêu nước của các thế hệ cha anh; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, tự lực tự cường trong thời kỳ cách mạng mới. Kinh tế của tỉnh liên tục ổn định và có sự tăng trưởng, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch đúng hướng, các nguồn lực xã hội được phát huy; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố và hoạt động ngày càng hiệu quả, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được khẳng định và nâng lên. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà đang nỗ lực cố gắng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2010-2015) đã đề ra. Xây dựng quê hương Bắc Giang ngày càng văn minh, giàu đẹp, cùng cả nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển./.