Nghịch lý – Năng suất cao nhưng nông dân vẫn nghèo
24/04/2015 01:38
Đây là ý kiến của ông Nguyễn Thiên Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, tại buổi tiếp xúc cử tri vào sáng 23/4 tại Đại học Nông-Lâm Bắc Giang, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiên Nhân tiếp xúc cử tri
Tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa là vấn đề được nhiều người dân quan tâm, lo lắng. Theo cử tri Nguyễn Tuấn Điệp, mỗi năm Việt Nam trung bình xuất khẩu 7 triệu tấn lương thực nhưng nhiều nơi người dân vẫn thiếu gạo ăn. Điều này có thể khiến họ phải liên kết với lâm tặc phá rừng mưu sinh.
Hơn nữa, tuy Việt Nam là cường quốc về xuất khẩu gạo, mỗi năm nước ta cũng nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn đỗ tương, 1 triệu tấn ngô để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cử tri Điệp đặt vấn đề liệu có nên giảm diện tích trồng lúa để tăng diện tích trồng ngô, đỗ tương, tránh phải nhập khẩu nguyên liệu, làm tăng giá thức ăn chăn nuôi.
Cử tri Nguyễn Văn Vượng kiến nghị Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản để bà con nông dân thuận lợi trong tiêu thụ. “Bắc Giang có những thương hiệu nông sản lớn như gà Yên Thế, vải Lục Ngạn nhưng đều đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Gà thì phải cạnh tranh với gà thải loại nhập khẩu từ Hàn Quốc về, quả vải thì lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc”, ông Vượng nói.
Trao đổi với cử tri tại Bắc Giang, ông Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn: “Một đất nước xuất khẩu tới 7 triệu tấn gạo mà nhiều nơi dân vẫn không đủ gạo ăn là vô lý”. Về việc này, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết triệt để như hỗ trợ gạo đầy đủ cho học sinh vùng miền núi, dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc nhập khẩu đỗ tương, ngô là quyền của doanh nghiệp (DN) chế biến thức ăn chăn nuôi. Nếu sản phẩm trong nước đảm bảo chất lượng, giá hợp lý thì DN không có lý gì mà không mua trong nước.
Vấn đề bất cập hiện nay là chưa có sự kết nối giữa DN và người sản xuất. Hơn nữa, nhiều DN đang nhập ngô biến đổi gene có năng suất cao, giá rẻ. Đây là vấn đề mà các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp phải nghiên cứu, chung tay giải quyết để nâng cao năng suất, giảm giá thành.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nông nghiệp Việt Nam có năng suất cao, nhiều nông sản tốt nhưng thu nhập của người sản xuất còn thấp. Nguyên nhân là do phương thức sản xuất lạc hậu, chưa có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp. Từng hộ riêng lẻ sản xuất thì không thể có sản phẩm thương hiệu, không thể tạo nên giá trị gia tăng trong nông nghiệp nên không thể tạo thu nhập cao.
“Nếu vẫn độc quyền bán (nguyên liệu), độc quyền mua (đầu ra nông sản) thì người nông dân vẫn cứ mãi nghèo thôi. Bởi vậy, phải triển khai giải pháp hợp tác trong nông nghiệp để hướng đến giá trị chuỗi. Phải điều chỉnh lại phương thức sản xuất nông nghiệp bởi việc sản xuất theo từng hộ riêng lẻ không còn phù hợp với kinh tế thị trường”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
chinhphu.vn