Xây dựng chính sách hỗ trợ, phát triển hợp tác xã
11/04/2018 04:20
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái kết luận buổi đối thoại. |
Khó tiếp cận vốn tín dụng
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh thông tin, mới có 23 HTX và Liên hiệp HTX được vay vốn tại 6 ngân hàng thương mại, tổng dư nợ hơn 171 tỷ đồng. Hiện còn 46 HTX có nhu cầu vay khoảng 114 tỷ đồng nhưng hầu hết không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ông Ong Khắc Nở, đại diện HTX Rau sạch Yên Dũng chia sẻ: “Dù được tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhưng số tiền đó chưa đáp ứng đủ. Hiện HTX đang có nhu cầu vay hơn 10 tỷ đồng xây dựng nhà lưới, cứng hóa đường giao thông, kênh mương nội đồng, mở rộng mô hình sản xuất, thị trường tiêu thụ rau sạch. Tuy nhiên, đơn vị vẫn chưa biết sẽ vay vốn ở đâu, bằng cách nào; đề nghị các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ”.
Theo Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh hiện có 602 HTX và 4 liên hiệp HTX với 21 HTX thành viên, tổng vốn điều lệ đăng ký hơn 102 tỷ đồng. Các đơn vị chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân. |
Đa phần các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả chưa cao… Các đơn vị đặt ra mục tiêu đầu tư, đổi mới công nghệ đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong khi chưa bảo đảm điều kiện vay, khả năng tiếp cận vốn tín dụng hạn chế. Nhiều HTX, tổ hợp tác quy mô nhỏ, hoạt động đơn điệu, manh mún; trình độ, năng lực quản lý hạn chế là rào cản tiếp cận vốn tín dụng…
Đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Nghiệp, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3 (Hiệp Hòa) cho rằng, UBND tỉnh cần xây dựng chính sách hỗ trợ giúp các HTX tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, tháo gỡ vòng luẩn quẩn thiếu vốn, sản xuất rủi ro, hiệu quả thấp, không có tài sản bảo đảm… đã bó buộc các HTX bấy lâu. Cùng quan điểm này, ông Đoàn Hiệp Cương, đại diện HTX Thân Trường (Yên Thế) đề nghị tỉnh hỗ trợ lãi suất cho vay, kéo dài thời gian vay giúp các đơn vị có điều kiện thu hồi vốn trong sản xuất kinh doanh.
Ngoài nguồn vốn, một số HTX nêu khó khăn về đất đai, cấp nước sạch, xử lý nước thải, ô nhiễm môi trường. Đồng thời, đề xuất phát triển hạ tầng kỹ thuật liên quan như: Điện, đường, chuyển giao khoa học kỹ thuật… tạo điều kiện giúp HTX phát triển mạnh.
Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ
Kết luận buổi đối thoại, đồng chí Dương Văn Thái cho rằng, KTTT giữ vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đây là mô hình tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông sản chủ lực của tỉnh. Trước khó khăn nêu trên, đồng chí đề nghị, các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu chính sách hỗ trợ cụ thể cho các HTX.
Theo đó, NHNN tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Chính phủ sửa đổi quy định mức vay, thời gian và điều kiện vay vốn đối với HTX. Sở Công Thương tham mưu tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm của HTX, trước mắt là lồng ghép với hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tổ chức tại TP Bắc Giang vào tháng 6 tới. Đồng thời chủ động dự báo, cung cấp thông tin thị trường, định hướng HTX, tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm.
Đại diện lãnh đạo các HTX kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn tại buổi đối thoại. |
Các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông – Vận tải nghiên cứu chính sách hỗ trợ HTX tiếp cận đất đai phục vụ xây dựng trụ sở, nhà kho gắn với vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Tiếp tục cứng hóa đường giao thông, đầu tư hạ tầng bảo đảm cấp điện, nước… UBND các huyện, TP, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn, khuyến khích thành lập mới các HTX, tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đồng chí Dương Văn Thái đề nghị, các HTX cần thay đổi tư duy, đổi mới cách làm với phương châm nâng chất lượng sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường; phát huy nội lực, không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu tập thể; cải tiến mẫu mã, bao bì để nâng cao giá trị sản phẩm; tích cực tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ góp phần ổn định, nâng cao đời sống người lao động.
Nguồn baobacgiang.com.vn