Bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong thời tiết nắng nóng
09/06/2020 07:29
Nhiều ngày qua, thời tiết nắng nóng đã ảnh hưởng không nhỏ tới đàn vật nuôi, thủy sản của Bắc Giang. Nếu các địa phương, chủ trang trại, hộ gia đình không có biện pháp phòng tránh hiệu quả sẽ bị thiệt hại.
Thời tiết nắng nóng các hộ cần thường xuyên tắm, làm mát cho gia súc.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến ngày 16/6, thời tiết cả nước vẫn tiếp tục nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, ảnh hưởng xấu tới sự sinh trưởng của đàn gia súc, gia cầm, cây trồng.
Hiện trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện gà chết rải rác tại Yên Thế, Hiệp Hòa. Đặc biệt là gà màu, vì chúng được chăn nuôi theo phương thức bán công nghiệp, chuồng trại không bảo đảm thoáng mát dẫn đến gà bị sốc nhiệt, chết.
Trên đàn trâu, bò, ngựa, đặc biệt là lợn đã xuất hiện nhiều con bị lở loét, tiêu chảy, giảm sức đề kháng… Nếu các bệnh do nắng nóng gây ra lại ghép với các bệnh khác như: Tụ huyết trùng, cầu trùng, lở mồm long móng… thì nguy cơ bùng phát dịch rất cao.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang, để chống nắng nóng, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, các hộ chăn nuôi trong tỉnh cần chủ động thực hiện các biện pháp “giải nhiệt” như: Tăng thức ăn thô xanh cho gia súc; bảo đảm cung cấp đủ nước sạch; khẩu phần ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng, bổ sung chất điện giải, tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
Vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, che chắn, phun nước làm mát cho đàn vật nuôi, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường. Tiến hành chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trên vật nuôi, chủ nuôi cần thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.
Nắng nóng cũng khiến việc nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn. Theo đó, nhiệt độ tăng, giảm đột ngột sẽ gây sốc cho cá, làm tỷ lệ sống và khả năng kháng bệnh của cá thấp hơn nhiều so với cá sống trong điều kiện nhiệt độ thích hợp, cá dễ bị xuất huyết, viêm ruột…
Nhiệt độ nước cao còn là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại ký sinh trùng, nấm bệnh, vi khuẩn, vi rút gây bệnh cho cá phát triển.
Chăm sóc cá tại một hộ gia đình ở thôn Quế Sơn, xã Thái Sơn (Hiệp Hòa).
Để giúp người nuôi phòng, tránh thiệt hại, Chi cục Thủy sản Bắc Giang đã có văn bản đề nghị, hướng dẫn cơ sở, người nuôi: Cải tạo ao nuôi sau mỗi vụ thu hoạch hoặc trước vụ thả cá giống.
Cá giống cần bảo đảm khỏe mạnh, đều cỡ, trước khi thả giống cần tắm cho cá bằng nước muối với nồng độ 2-3% trong 5-7 phút.
Trong quá trình nuôi, định kỳ bón vôi 2 tuần 1 lần với liều lượng 2-3 kg/100 m3 nước ao vào buổi chiều tối nhằm làm sạch môi trường nước, hạn chế mầm bệnh. Thường xuyên quan sát hoạt động bắt mồi và bơi lội của cá, đặc biệt là thời điểm sáng sớm. Khi ao có dấu hiệu bất thường, như: Cá mắc bệnh, chết, cần giảm khẩu phần ăn và có liệu pháp xử lý kịp thời.
Riêng đối với cá rô phi, mùa hè là thời điểm bệnh có khả năng bùng phát mạnh. Vì thế, ở vùng nuôi tập trung cá rô phi đơn tính, người nuôi cần cải tạo và vệ sinh ao nuôi, sử dụng vôi bột, viên sủi BKC, chế phẩm sinh học… để xử lý ao. Ngoài ra, cần cho cá ăn thuốc phòng bệnh định kỳ 1 tháng/lần và bổ sung Vitamin C, Beta – Glucan trong khẩu phần ăn; duy trì mật độ nuôi phù hợp. Ở những ao nuôi cá với mật độ dầy, cá thiếu ô xy và ao nuôi có nhiều khí độc cần bổ sung thêm nước mới, bố trí máy tạo ô xy hòa tan cho cá.
Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh các loại rau ăn lá không nhiều, cùng đó, dưa các loại là giống chịu nắng nóng tốt nên nắng nóng không gây thiệt hại. Hiện chỉ có vải thiều sớm đang bước vào thu hoạch, vải chính vụ tại Lục Ngạn khoảng 2 tuần nữa mới chín.
Theo ông Đặng Văn Tặng, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện Bắc giang chưa có ghi nhận thiệt hại trên cây trồng do nắng nóng. Tuy nhiên, các chủ vườn vải cần chủ động nước tưới để cây không bị khô hạn, giúp quả sinh trưởng tốt.
Nguồn: baobacgiang.com.vn