Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng: Nông dân thiệt đơn thiệt kép vì phân bón không được khấu trừ thuế GTGT

Lượt xem: 129

Đó là nhận định của đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN trong bài phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ III, diễn ra tại tỉnh Đắk Lắk mới đây.

Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng khẳng định, thời gian qua việc sản xuất, kinh doanh, cung ứng và sử dụng phân bón đã được quản lý tốt hơn, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của nông dân.

Thị trường sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư phân bón vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế, tiêu cực, nhất là nạn phân bón kém chất lượng, phân bón giả, nhái; cùng với một số loại vật tư nông nghiệp là hàng giả, hàng nhái và giá cả không ổn định đã khiến bà con nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, thậm chí còn bị thiệt hại không nhỏ vì mua phải hàng giả…

Đặc biệt, công tác giống cây trồng, vật nuôi của nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập; công tác thanh tra và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp chưa đáp ứng được kỳ vọng của nông dân, doanh nghiệp…

“Đã đến lúc các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải được tính thuế giá trị gia tăng (GTGT), để doanh nghiệp và người nông dân không bị thiệt hại ngày càng tăng như hiện nay vì tại khoản 1, Điều 3 Luật số 71/2014 quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là mặt hàng không chịu thuế GTGT, có nghĩa là doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, dùng cho sản xuất phân bón” – Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng khẳng định.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón nhập khẩu các loại năm 2014 (thời điểm trước khi Luật 71/2014/QH13 được áp dụng) chỉ là 3,7 triệu tấn thì đến năm 2017 con số này đã là hơn 5,6 triệu tấn, tăng gần 2 triệu tấn, riêng đạm urê tăng gần 2,5 lần.

Do đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón phải hạch toán thuế GTGT vào chi phí khiến giá trị sản phẩm phân bón tăng từ 5 – 8%, tùy loại.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Thào Xuân Sùng, phân bón là vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, chiếm từ 40 – 50% chi phí, điều này khiến chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp cũng tăng lên và nông sản cũng phải chịu cảnh “đội giá”, dẫn tới sức cạnh tranh kém.

“Điều đáng nói là quy định phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT không những không tạo điều kiện cho người nông dân được hưởng giá phân bón thấp mà vô hình chung đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu và gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, trong khi đồng chí Thủ tưởng Chính phủ và Chính phủ đang yêu cầu sản xuất mạnh phân bón hữu cơ trong nước” – Chủ tịch Thào Xuân Sùng nói.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng trong chuyến thăm và làm việc với Công ty CP Công Nông Nghiệp Tiến Nông (Thanh Hoá) ngày 17/9/2020. Ảnh: T.Q

Để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước vượt qua khó khăn hiện nay, góp phần tăng sức cạnh tranh của mặt hàng phân bón, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón.

Bộ Tài chính kiến nghị: Chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%. Nội dung sửa đổi được thể hiện tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết.

Bộ Tài chính cho biết, việc quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% là áp dụng ở tất cả các khâu: Nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng, do đó tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu cùng loại.

Do yêu cầu cấp bách của việc hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội về hiệu lực thi hành của Nghị quyết từ ngày 01/01/2021.

Liên quan tới vấn đề này, mới đây Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm cho biết, Hội đã nhận được Công văn số 12375/BTC-CST ngày 8/10/2020 của Bộ Tài chính lấy ý kiến đề nghị xây dựng Nghị quyết về chính sách thuế GTGT với mặt hàng phân bón.

Hội NDVN nhất trí với nội dung Tờ trình về Dự án Nghị quyết về chính sách thuế GTGT 5% để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón Bộ Tài chính gửi Chính phủ và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế GTGT trong tình hình hiện nay.

Trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 Theo Văn bản số 8680/VPCP-KTTH do Văn phòng Chính phủ ban hành mới đây về Dự án Nghị quyết của Quốc hội sửa thuế suất giá trị gia tăng đối với phân bón gửi Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu 2 bộ Tư pháp và Tài chính khẩn trương hoàn thiện các quy trình thẩm định hồ sơ, tổng hợp ý kiến thẩm định, góp ý của các bộ, ngành để kịp báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 10/2020.

Nguồn: Danviet.vn