Bảo vệ đàn vật nuôi: Ứng phó kịp thời với dịch bệnh
17/12/2020 08:05
Chủ động phòng, chống bệnh mới
Theo cảnh báo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), từ giữa tháng 10 đến nay lần đầu tiên trong cả nước xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên gia súc, tập trung tại tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng với 147 con bò mắc bệnh. Trong đó, 11 con chết. Tại tỉnh Lạng Sơn, bệnh xảy ra tại xã Quyết Thắng, Yên Bình, huyện Hữu Lũng.
Anh Nguyễn Văn Hiệp, thôn Làng Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) chăm sóc đàn bò của gia đình.
Nguy hiểm là bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa, lây qua đường không khí. Dù tỷ lệ vật nuôi mắc bệnh chết không cao song ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng thịt cũng như khả năng sinh sản của gia súc. Lạng Giang là địa bàn giáp ranh với huyện Hữu Lũng, nguy cơ cao vật nuôi bị lây nhiễm bệnh. Căn cứ vào chỉ đạo của tỉnh, huyện khẩn cấp thực hiện các biện pháp.
Theo đó, các xã, thị trấn đã thống kê tổng đàn trâu, bò, dê; tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết triệu chứng bệnh. Tìm hiểu tại xã Xuân Hương, địa phương có tổng đàn trâu, bò lớn nhất huyện với hơn 2 nghìn con được biết, xã đã chỉ đạo các thôn thông tin về tình hình bệnh, cách phòng ngừa bệnh trên loa truyền thanh cơ sở. Gia đình anh Nguyễn Văn Hiệp, thôn Làng Phúc Mãn nuôi gần 100 con bò thương phẩm.
Nếu vật nuôi mắc bệnh sẽ thiệt hại nặng nên anh thường xuyên vệ sinh, rắc vôi bột khử trùng khu vực nuôi nhốt; bảo đảm khẩu phần ăn cân đối đủ dinh dưỡng cho bò. Những xã có đàn trâu, bò lớn của Lạng Giang như: Tân Thanh, Dương Đức, Tân Hưng… biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục cũng được chú trọng.
Các địa phương khác như: Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, nơi có tổng đàn trâu, bò, dê lớn trong tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát dịch bệnh. Quyết liệt phòng bệnh, không chủ quan với bệnh mới của cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân tuân thủ hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) nên đến nay, toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp gia súc nào mắc bệnh viêm da nổi cục.
Bao vây ổ bệnh, không để lan rộng
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm đếm vắc xin cúm gia cầm để hỗ trợ huyện Lạng Giang bao vây, dập tắt ổ bệnh tại xã Hương Lạc.
Dù bệnh mới chưa xuất hiện trên đàn trâu, bò song vừa qua đàn gia cầm đã bị mắc bệnh rải rác. Ngày 29/11, đàn gà lai chọi 1.000 con (70 ngày tuổi), chưa tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm của hộ ông Đào Tiến Lập, thôn Mười, xã Hương Lạc (Lạng Giang) bị ốm với các biểu hiện như ủ rũ, bỏ ăn, mào tím tái, mắt sưng, chân xuất huyết… Đến ngày 4/12, bệnh tiếp tục xuất hiện tại 1 ô chuồng nuôi gà 1.500 con (60 ngày tuổi), chưa tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm tại gia đình ông Dương Văn Quả cùng thôn.
Tổng đàn gà nhà ông Quả là 6.320 con, số gà còn lại tại các ô chuồng khác (4.820 con) đã được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm. Thời điểm kiểm tra ngày 4/12 của cơ quan chuyên môn, hộ ông Đào Tiến Lập có 780/1.000 con bị chết; hộ ông Dương Văn Quả có 320 con chết, 500 con mắc bệnh trong tổng số 1.500 con không tiêm phòng. Toàn bộ số gà chết được chôn hủy theo quy định.
Bên cạnh khuyến cáo không chủ quan với dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang đôn đốc cơ quan chuyên môn các huyện, TP tập trung thực hiện Công điện ngày 14/12 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về tăng cường ứng phó với rét đậm, rét hại, trong đó có chống đói, rét cho vật nuôi. Khuyến cáo người dân che chắn chuồng trại và dự trữ thức ăn bổ sung. Những ngày rét nhiệt độ ngoài trời dưới 12 độ C, tuyên truyền, vận động nông dân không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do. |
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy mẫu trên đàn gà của hộ ông Dương Văn Quả, kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính với chủng vi rút cúm A H5N6.
Do đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lạng Giang, UBND xã Hương Lạc phối hợp tiêu hủy đàn gà bị bệnh vào ngày 8/12. Cụ thể, tiêu hủy toàn bộ đàn gà 1.000 con của hộ ông Đào Tiến Lập; 1.500 con gà tại ô chuồng bị bệnh của gia đình ông Dương Văn Quả. Số gà còn lại đã tiêm phòng vắc xin tiếp tục được chăm sóc, theo dõi hằng ngày.
Cùng với các biện pháp trên, cơ quan chuyên môn tiến hành khoanh vùng dịch, thực hiện việc cấm lưu thông, vận chuyển gia cầm ra vào nơi có dịch; cấm buôn bán, giết mổ gia cầm trong vùng dịch. Thống kê, phân loại gia cầm, bao vây ổ bệnh bằng vắc xin cúm gia cầm tại xã Hương Lạc và các xã xung quanh tiếp giáp.
Thực hiện vệ sinh môi trường bằng hóa chất, vôi bột toàn xã Hương Lạc, nhất là khu vực có gia cầm mắc bệnh và chết. UBND tỉnh vừa cấp 100.000 liều vắc xin cúm gia cầm từ nguồn dự phòng để tiêm phòng cho đàn gia cầm cảm nhiễm (tại xã Hương Lạc và vùng tiếp giáp với xã Hương Lạc) và 500 lít hóa chất để dập tắt ổ dịch tại xã Hương Lạc.
Ông Nguyễn Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thông tin, ngoài xuất hiện một số ổ bệnh, dự báo rét đậm, rét hại xuất hiện những ngày tới sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. Do đó, bên cạnh khuyến cáo không chủ quan với dịch bệnh, đơn vị đang đôn đốc cơ quan chuyên môn các huyện, TP tập trung thực hiện Công điện ngày 14/12 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về tăng cường ứng phó với rét đậm, rét hại, trong đó có chống đói, rét cho vật nuôi.
Khuyến cáo người dân che chắn chuồng trại và dự trữ thức ăn bổ sung. Những ngày rét nhiệt độ ngoài trời dưới 12 độ C, tuyên truyền, vận động nông dân không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do.
Nguồn: baobacgiang.com.vn